Việt Nam có bắt kịp dòng chảy “Chuyển đổi số”?

Minh Thiện| 06/08/2019 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Vietnam ICT Summit 2018 đã công bố “Khảo sát về mức độ sẵn sàng Chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam” với nhiều số liệu khả quan.

Vậy năm nay Việt Nam đã có những bước tiến nào trong lĩnh vực này? Chúng ta cần làm gì để cùng nhau thúc đẩy công cuộc “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”? Vietnam ICT Summit 2019 được kỳ vọng sẽ đưa ra cầu trả lời thỏa đáng.

Hình ảnh tại phiên khai mạc Vietnam ICT Summit 2018

Những bài học từ các “nhà tiên phong” trên thế giới

Thế giới đang chứng kiến một cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ, với những doanh nghiệp (DN), tổ chức đi tiên phong trên lộ trình chuyển đổi số, tạo ra sự đột phá về năng suất, cải thiện năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa mô hình kinh doanh.

Minh chứng điển hình cho xu thế này trên thế giới, có thể kể đến những tên tuổi như Airbus với việc xây dựng nền tảng dữ liệu mở lớn nhất cho ngành hàng không, Walmart tích cực hóa trải nghiệm khách hàng nhờ rút ngắn thời gian thanh toán và các dữ liệu thu được từ Trung tâm thông tin về thị trường và người tiêu dùng do họ xây dựng, hay hãng dược GlaxoSmith thay đổi cơ cấu tổ chức để phá rào cản và dọn đường cho chuyển đổi số...  

Cụ thể, Airbus - công ty hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các dịch vụ liên quan, với gần 50 năm “tuổi đời”, đã nhận diện các vấn đề và coi dữ liệu là mấu chốt chính trong chuyển đổi số. Hãng đã kết hợp với Palantir, công ty tiên phong về phân tích dữ liệu lớn trên thế giới, ra mắt nền tảng Skywise vào tháng 6/2017. Đây là nền tảng dữ liệu mở lớn nhất về ngành hàng không, hay còn gọi là hồ dữ liệu (data lake) của ngành hàng không.

Skywise kết nối và thu thập dữ liệu từ hệ thống dữ liệu trên máy bay của Airbus, hệ thống dữ liệu vận hành bay của các hãng hàng không trên thế giới. Qua phân tích lượng dữ liệu khổng lồ này, đã mang lại những giá trị cụ thể cho các hãng hàng không như giảm gián đoạn chuyến bay; giảm chi phí bảo trì; tối ưu hóa hoạt động bay và quản lý đội bay...). Hơn nữa, các hãng hàng không có thể lưu trữ, truy cập, quản lý và phân tích các dữ liệu này mà không cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, đội ngũ kỹ sư của Airbus cũng có thể cải thiện chất lượng máy bay từ chính nguồn dữ liệu phản hồi của khách hàng. Ví dụ, nhờ phân tích dữ liệu lớn, Airbus đã giảm thời gian cần thiết để sửa máy bơm nhiên liệu trên máy bay A380 từ 24 tháng xuống còn 2 tuần.

Một câu chuyện thú vị khác cũng đang diễn ra ở Walmart, tập đoàn sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới, bao gồm các chuỗi siêu thị, cửa hàng khổng lồ tại nhiều đất nước. Với hơn 40 triệu lượt mua sắm mỗi ngày, Walmart chịu sức ép rất lớn về vận hành dịch vụ.

Để giải quyết sức ép này, Walmart đã có nhiều phát kiến quan trọng, mà điển hình là triển khai ứng dụng di động và tạo ra nhiều cách thức giao nhận hàng hóa. Với ứng dụng của Walmart trên di động, khách hàng có thể đặt hàng nhanh chóng và “đặt chỗ” trước thông qua các đơn hàng tạo sẵn, sau đó đến quầy ưu tiên để thanh toán (Scan and Go).

Walmart cũng tạo ra nhiều cách thức giao nhận hàng hóa khác nhau. Khách hàng có thể đặt hàng trực tuyến (online) và sau đó nhận hàng tại cửa hàng ở nhiều quầy và nhiều cách khác nhau. Ví dụ như Pickup Tower (Cột nhận hàng) để khách hàng quét mã vạch (scan barcode) và sau đó nhận hàng

Ngoài ra, Walmart còn thí nghiệm những công nghệ mới nhờ vào Walmart Lads (một dạng nhà máy số - digital factory) để cải tiến việc vận hành và tăng cường trải nghiệm người dùng. Ví dụ như ứng dụng blockchain để tăng cường an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc với thời gian rút ngắn “kỷ lục” là 2 giây.

Cùng đó, Walmart đã cải tiến trong việc vận hành khối nghiệp vụ hậu cần và xây dựng hệ thống điện toán đám mây tư nhân lớn nhất thế giới với khả năng xử lý khoảng 2,5 petabytes dữ liệu trong 1 giờ. Data Cafe, một bộ phận phân tích dữ liệu tối tân với các chuyên gia phân tích dữ liệu luôn sẵn sàng tư vấn cho các bộ phận khác. Thời gian xử lý dữ liệu đã giảm từ vài tuần xuống còn vài phút, giúp các bộ phận nắm được tổng quan vấn đề, tối ưu hóa các quá trình vận hành.

Việt Nam cần làm gì cho mục tiêu “chuyển đổi số?

Từ xu thế chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, cũng như những câu chuyện điển hình trên, có thể thấy Việt Nam không thể “đứng ngoài cuộc” - nếu không muốn nói đây là một vấn đề mang tính sống còn! Từng ngành, từng lĩnh vực đều cần tái cấu trúc, thay đổi về chất mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào sáng tạo và tăng năng suất.

Hiện Việt Nam đang xây dựng Chính phủ số để tiến đến minh bạch và công khai hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền khi mà người dân phải nộp phí “bôi trơn” khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất… 

Để triển khai được chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp nắm vai trò rất quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều DN Việt Nam ở hầu hết các lĩnh vực (thương mại, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, logistics, công nghiệp chế tác,…) đều ít nhiều bắt tay vào công cuộc cải tổ chính mình theo xu hướng chuyển đổi số trên thế giới.

Chẳng hạn, có thể kể đến câu chuyện FE CREDIT đã ứng dụng nền tảng cho vay kỹ thuật số $NAP hoàn toàn tự động, mang đến một quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín, không cần đến sự can thiệp của con người, rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10 - 15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ. Trong đó, $NAP sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) và nhận dạng chữ viết tay (ICR) để xác minh danh tính khách hàng và ghi nhận thông tin trên giấy tờ được người dùng chụp bằng chính điện thoại của họ.

Đồng thời, FE CREDIT còn áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, sử dụng ảnh chân dung khách hàng tự chụp để truy vấn dữ liệu tín dụng và đưa ra quyết định.

Kết quả là chỉ trong 2 tháng sau khi triển khai (đến tháng 11/2018), số lượng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân qua ứng dụng $NAP tăng trung bình 280%. Tính đến cuối tháng 11/2018, số lượng đăng ký vay đã đạt gần 150.000 và có khoảng 2.000 đăng ký mỗi ngày. Hơn thế, nhờ AI và phân tích dữ liệu chuyên sâu trong quá trình xác minh khách hàng, FE CREDIT đã thành công trong việc nắm bắt được nhu cầu của phân khúc khách hàng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

FECREDIT đã hợp tác với Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (BĐVN) mở rộng giới thiệu dịch vụ cho vay tiêu dùng tới người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn thông qua mạng lưới BĐVN (các bưu cục, Bưu điện Văn hóa xã)  trên toàn quốc, mang đến cho người dân cơ hội tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.

Từ tháng 01/2019, Bưu điện đã hợp tác với FECREDIT cung ứng dịch vụ mới, tiếp nhận, giới thiệu và hỗ trợ giải quyết các nhu cầu vay vốn cho người dân. Theo đó, người dân có nhu cầu vay tiêu dùng có thể đến Bưu cục ở gần nhà để được nhân viên Bưu điện giới thiệu về các sản phẩm cho vay, các giải pháp tài chính của FE CREDIT với thủ tục, giấy tờ đơn giản như CMND, cà vẹt xe/ hóa đơn điện/ nước/ điện thoại/ internet… và thời gian xét duyệt nhanh chóng. Giá trị khoản vay có thể lên đến 70 triệu tiền mặt, tạo điều kiện tối đa cho người dân có nhu cầu vay vốn làm ăn, tiêu dùng.

Ngoài FE CREDIT, có thể kể đến nhiều DN, tập đoàn lớn như Viettel, Vietcombank, EVN, FPT… đều đã có những động thái tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số và cũng đã gặt hái được những kết quả nhất định. Trong đó, có thể đến FPT với việc định hướng “chuyển đổi số cùng với khách hàng”.

FPT đã đưa chuyển đổi số gắn liền với tăng cường năng lực công nghệ mới chuyên sâu, tập trung giải quyết vấn đề một cách đột phá, và không ngừng sáng tạo. Nhiều sản phẩm giải pháp đã được FPT đưa ra thị trường trong nước và thị trường toàn cầu như bệnh viện thông minh, giao thông thông minh, điện toán đám mây, truyền hình thông minh.

Một ví dụ là hệ thống công cụ bán hàng được chuyển đổi thành hệ thống trực tuyến với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây giúp tiếp cận khách hàng một trực quan thay vì sử dụng phương pháp tiếp cận truyền thống; hay như hệ thống quản lý dự án đồng bộ giúp người quản lý cập nhật tiến độ dự án từng phút để hỗ trợ việc ra quyết định thay vì việc báo cáo định kỳ hằng tuần, tháng, quý như trước đây.

Năm trước, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 đã bàn thảo về “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”. Diễn đàn đã thảo luận chuyên sâu về: Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số và Hạ tầng số. Tại Diễn đàn năm 2018, các kinh nghiệm quốc tế thành công của Malaysia, Estonia cũng đã được chia sẻ.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, DN và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai. Chương trình nghị sự của Vietnam ICT Summit 2019 năm nay được kỳ vọng sẽ mang đến những chia sẻ nhiều hơn từ các chuyên gia đang quan sát hay đang tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các tổ chức, DN tại Việt Nam.

Với mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số vì một Việt Nam hùng cường, hy vọng kỳ Diễn đàn này sẽ mở ra một chương mới, với những câu chuyện, những kỳ tích mới được chính người Việt Nam viết nên!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có bắt kịp dòng chảy “Chuyển đổi số”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO