Việt Nam có thể nước rút để dẫn đầu cuộc đua AI

Hoàng Linh| 09/10/2022 06:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang đạt được những đột phá tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần khai thác tốt AI để mang lại lợi thế dẫn đầu cuộc đua về AI, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS).

Với góc nhìn của chuyên gia AI, bà Agnes Heftberger, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM tại khu vực ASEANZK (gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Australia, New Zealand và Hàn Quốc) đã có những trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về một số nhận định về ứng dụng AI tại Việt Nam, AI với chuyển đổi số (CĐS) và những khả năng mạng doanh nghiệp (DN) có thể khai thác AI để trở thành lợi thế.

Việt Nam có thể nước rút để dẫn đầu cuộc đua AI - Ảnh 1.

Bà Agnes Heftberger: Dựa trên lộ trình hiện tại, công nghệ AI được dự đoán sẽ đóng góp 12% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Việt Nam đang ở đâutrên lộ trình phát triển và ứng dụng công nghệ AI

Các quốc gia Đông Nam Á được biết đến là một trong những nhóm quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới, đã và đang trải qua một giai đoạn được ví như thời kỳ phục hưng của AI trong những năm vừa qua. Với tốc độ phát triển kỹ thuật số nhanh chóng, một số quốc gia tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á đã và đang tăng cường ứng dụng công nghệ AI với mục tiêu phát triển thành các nền kinh tế công nghiệp 4.0.

Một nghiên cứu của EDBI và Kearney mô tả cách mà công nghệ AI đã và đang được triển khai trong nhiều ngành công nghiệp đa dạng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Theo ước tính của EBDI, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực có thể tăng thêm 1.000 tỷ USD nếu AI được đầu tư đầy đủ và triển khai tốt.

Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ (Goverment AI Readiness Index) thường niên năm 2021 do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện, Việt Nam đứng thứ 62, tăng 14 bậc so với năm 2020. Với vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN, Việt Nam cho thấy sự tiến bộ và nhiều yếu tố có thể cải thiện trong tương lai. 

Việc chính phủ Việt Nam ban hành chiến lược quốc gia về AI đòi hỏi đầu tư vào một số lĩnh vực chủ chốt như nhân tài và cơ sở hạ tầng dữ liệu. Đó là lý do IBM tích cực tham gia hỗ trợ đào tạo và cơ sở hạ tầng dữ liệu. IBM cũng hỗ trợ cho một số công ty bắt đầu triển khai công AI để tự động hoá các quy trình, cải thiện quy trình làm việc và tạo ra các dòng doanh thu mới.  

AI được áp dụng theo những cách khác nhau đối với mỗi công ty, mỗi khu vực địa lý và mỗi ngành nghề. Để phát triển năng lực AI hoàn thiện trong 10 năm tới, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á nói chung cần khắc phục những hạn chế nhất định và tăng tốc ứng dụng công nghệ AI trên các lĩnh vực và nền kinh tế.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong ứng dụng công nghệ AI

Các DN Việt Nam ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức về dữ liệu liên quan đến các nguồn, loại, cấu trúc, môi trường và nền tảng khác nhau. Các kiến trúc đa đám mây khiến cho tình trạng bất lợi đa chiều này ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều DN ngày nay đã cô lập và ẩn dữ liệu hoạt động của mình, từ đó sản sinh ra nhiều thông tin đen. Bất kể thách thức nằm ở việc thiếu kỹ năng, thiếu công cụ hay cách giải quyết các vấn đề như độ phức tạp của dữ liệu, bước quan trọng để vượt qua các rào cản chính trong việc ứng dụng công nghệ AI là thiết lập một chiến lược AI. 

Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ AI trong khu vực. Ví dụ, các DN ở Việt Nam có thể tăng cường áp dụng tự động hóa và vượt qua các rào cản trong việc phân bổ ngân sách cho các dự án tự động hóa và nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực để làm việc song hành cùng lực lượng lao động kỹ thuật số. Với các nguồn lực có trình độ cao hơn nhằm tối đa hóa việc phân phối và chất lượng dự án, tự động hóa sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy các cơ hội phát triển lâu dài và sự hài lòng của nhân viên.

Các công cụ tự động hóa tại nơi làm việc đang ngày càng trở nên quan trọng đối với việc hợp lý hóa quy trình làm việc và tăng cường hoạt động với sự tiến bộ của công nghệ AI và học máy (ML). Các chính phủ có thể huy động các nguồn lực và xây dựng chiến lược ưu tiên kỹ thuật số giữa nguồn nhân lực địa phương và các DN một cách hiệu quả, để áp dụng tự động hóa AI toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực chủ chốt tại Việt Nam.

Bên cạnh các DN lớn, công nghệ số cũng đang tạo cơ hội cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thành công trong phát triển các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa là rất quan trọng nhằm tạo ra việc làm và thu hẹp khoảng cách kinh tế ở các nước đang phát triển. Ví dụ, một số DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa không biết phải bắt đầu từ đâu khi triển khai điện toán đám mây cũng như ứng dụng công nghệ AI và tự động hóa. Vì vậy, họ bắt đầu cân nhắc đến các dịch vụ đám mây công cộng, AI và tự động hóa sẵn có ngày nay thông qua các đối tác trong hệ sinh thái của IBM, xem xét các dữ liệu lưu trữ nội bộ và thời điểm mà họ sẵn sàng triển khai công nghệ AI hoặc chuyển sang sử dụng đám mây công cộng.

AI có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình CĐS?

Theo một nghiên cứu do IBM thực hiện, 42% các CEO tại Việt Nam cho rằng công nghệ AI có thể hỗ trợ DN của họ đạt được những kết quả mà họ cần trong vòng 2 - 3 năm tới. Sự phát triển của AI tại Việt Nam được dự đoán là sẽ có tác động mạnh tương tự. Dựa trên lộ trình hiện tại, công nghệ AI được dự đoán sẽ đóng góp 12% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Hai lý do chính khiến các DN tại Việt Nam ứng dụng AI chính là để nâng cao trải nghiệm khách hàng và cải thiện hiệu quả hoạt động. Các DN hiện đang ứng dụng AI để tự động hóa và cá nhân hoá dịch vụ khách hàng, còn các công ty viễn thông thì sử dụng AI để cung cấp các dịch vụ mới trên nền tảng 5G. Việc sử dụng AI trong việc phát hiện gian lận trong thời gian thực và tự động hóa các quy trình kinh doanh cũng có những năng lực đột phá.

Ngoài ra, thông qua tự động hóa, AI mang đến hiệu quả mới cho các hoạt động CNTT. Nhiều khách hàng đang sử dụng AI để giảm lượng khí thải carbon, cũng như cải thiện hoạt động quản lý tài sản, quản lý chuỗi cung ứng và thu thập thông tin về môi trường.

Với việc mang lại các mô hình kinh doanh mới, tạo thêm nguồn doanh thu, hỗ trợ hoạt động tiết kiệm thông qua cải thiện năng suất, và giúp tăng trưởng GDP, các công nghệ như AI có thể mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho cả các DN lẫn các cơ quan chính phủ tại Việt Nam. Khi công nghệ đang thay đổi các quy tắc kinh doanh, nền kinh tế Việt Nam cần thích nghi tốt với những thay đổi trong tương lai bằng cách xây dựng một hệ sinh thái số đổi mới mạnh mẽ.

Phải mất rất lâu nữa tiềm năng của công nghệ AI mới được khai thác hết, do đó đây chính là thời điểm tốt nhất để Việt Nam thực hiện một cú nước rút để dẫn đầu cuộc đua. Các DN Việt Nam cần phải nhanh chóng hoà mình vào xu thế chung, đón nhận CĐS và tận dụng các công nghệ số như AI nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0 và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

Công nghệ AI hỗ trợ DN duy trì sức cạnh tranh

Với sự gia tăng trong tỷ lệ ứng dụng AI của các DN tại Việt Nam, công cụ và phần mềm hỗ trợ tự động hoá áp dụng công nghệ AI sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ như chăm sóc khách hàng, các tổ chức có thể cải thiện năng suất làm việc của nhân viên, giúp họ có nhiều thời gian hơn dành cho các công việc có vai trò quan trọng nhất nhằm đạt được mục tiêu chung.

Tập trung vào công nghệ AI cho hoạt động kinh doanh, IBM muốn tạo sự khác biệt bằng cách mang đến cho các tổ chức những năng lực cần thiết để mở rộng quy mô AI trong 4 lĩnh vực: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, độ tin cậy, tự động hoá và khả năng hoạt động trên bất cứ môi trường lai (hybrid) hay môi trường đa đám mây nào.

Chúng tôi chú trọng vào AI DN hoặc AI cho hoạt động kinh doanh. AI cho hoạt động kinh doanh khác xa so với AI tiêu dùng. Trong thời đại cạnh tranh, với những đột phá kỹ thuật số, các DN sẽ được hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh như phần mềm, cơ sở hạ tầng, tư vấn và nghiên cứu.

Ví dụ, một trong số các ngân hàng hàng đầu Việt Nam có độ phủ sóng toàn quốc với mạng lưới hơn 100 điểm giao dịch đã thực hiện dự án OpenAPI cho CĐS với sự hỗ trợ của IBM, đã giúp cho ngân hàng này duy trì năng lực cạnh tranh và cung cấp dịch vụ ngân hàng tốt hơn cho khách hàng của họ. Ngân hàng đã được tư vấn kiến trúc công nghệ, có thể triển khai nhiều giải pháp tự động hoá, như tự động hoá quy trình kinh doanh, AI, hồ dữ liệu, hoặc các giải pháp giám sát tuân thủ như trung tâm chỉ huy về bảo mật, phòng chống gian lận và quản lý rủi ro.

Với tỷ lệ ứng dụng AI DN trong khu vực đang gia tăng, việc chú trọng vào AI cho DN, tạo sự khác biệt là mang đến cho các tổ chức những năng lực quan trọng và cần thiết để mở rộng quy mô AI, trong đó bao gồm xử lý ngôn ngữ tự nhiên, độ tin cậy, tự động hoá và khả năng hoạt động ở bất cứ môi trường lai (hybrid) hay môi trường đa đám mây nào./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có thể nước rút để dẫn đầu cuộc đua AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO