Việt Nam có thể vào top 10 thị trường lao động thế giới về khoa học dữ liệu
Theo ông Alex Clemente, Giám đốc điều hành của HBR Analytic Services, Việt Nam có thể trở thành một trong 10 thị trường lao động hàng đầu thế giới về khoa học dữ liệu nhờ lực lượng lao động trẻ, môi trường đầu tư hấp dẫn...
Ứng dụng công nghệ để khách hàng tăng trưởng nhanh chóng hơn
Chia sẻ mở đầu phiên chuyên đề “Chiến lược bứt phá” tại FPT Techday 2023 ngày 25/10, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã kể lại câu chuyện về lý do thành lập FPT, khi đó, cuộc sống của 13 nhà sáng lập đều khá khó khăn khi lương làm khoa học chỉ đủ nuôi sống gia đình trong một tuần. Khi thành lập công ty, mọi người đều không biết gì về công nghệ và phải mua giáo trình từ nước ngoài về để tự học, tự dạy cho nhau.
Để rồi, nhờ những dự án CNTT đã giúp đội ngũ sáng lập có tiền nuôi sống vợ con và đưa công ty trở thành công ty CNTT hàng đầu Việt Nam.
“Khi đã đứng đầu Việt Nam rồi, tôi nghĩ FPT không thể ngủ quên trên chiến thắng. Chúng tôi thực hiện chiến lược toàn cầu hóa để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi quyết định mở văn phòng ở Mỹ, Ấn Độ. Dù vậy, FPT đã nhanh chóng tiêu hết 1 triệu USD của công ty mà không có được khách hàng nào”, ông Bình nói.
Rồi khi COVID-19 ập đến và cho FPT thấy rằng, công nghệ cho thể cứu được con người. Tiếp tục, năm 2023, FPT đã xây dựng chiến lược DC5 với mục tiêu có 1 triệu nhân viên công nghệ.
FPT sẽ hợp tác với đối tạo ra sức mạnh hiện thực hóa sức mạnh của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới.
“FPT luôn song hành cùng khách hàng và sẽ dùng công nghệ để họ hàng tăng trưởng nhanh hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình đã dẫn chứng câu chuyện năm 2011, Nhật Bản gặp động đất sóng thần, FPT đã luôn ở bên khách hàng, không rời bỏ khách hàng, cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
“Chúng tôi muốn tăng tốc cùng khách hàng bằng công nghệ mới AI, IoT dữ liệu lớn… FPT đang ở thời điểm có năng lực tốt về công nghệ mới, vị thế, nguồn nhân lực, thể hiện qua việc ký kết hợp tác với Landing AI - công ty hàng đầu về công nghệ AI hay đã sản xuất những dòng chip bán dẫn đầu tiên”, ông Bình kết luận.
Bốn yếu tố để chuyển đổi số (CĐS) thành công
Chia sẻ tại sự kiện với chủ đề “Tối ưu CĐS trong bối cảnh biến động thị trường”, ông Alex Clemente cho biết, từ năm 2020 đến nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện thành công nhờ hạ tầng dữ liệu. Trong đó, để ứng dụng CĐS, hạ tầng dữ liệu số trong quá trình phát triển doanh nghiệp (DN), các tổ chức cần “thoát ly” khỏi các sản phẩm truyền thống, từ đó xây dựng những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần thiết lập các nền tảng để cùng học tập, phát triển thúc đẩy CĐS.
Các dòng sản phẩm có kế hoạch dài từ 5 - 10 năm cần phải có sự điều chỉnh, thích ứng với thay đổi của thị trường khi mà cách mạng công nghệ đang diễn ra, thay đổi liên tục, dẫn đến có sự đan xen phức tạp giữa các công nghệ mới.
Ngay cả các kế hoạch hàng năm cũng cần có sự thay đổi vì công nghệ đang thay đổi liên tục và DN cần tiếp cận mô hình mới, công nghệ mới trong quá trình phát triển.
Tiếp theo, cuộc cách mạng của dữ liệu, thông tin đã tạo ra những thách thức mới cho quá trình CĐS, đòi hỏi DN quan tâm hơn đến những vấn đề như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI)… chưa kể các yếu tố khác như con người, văn hoá, quy trình.
Từ đó, Giám đốc điều hành của HBR Analytic Services đã chỉ ra 4 điểm để CĐS thành công: Đầu tiên, đó là mục tiêu chiến lược. Các tổ chức cần tìm ra đầu ra vấn đề mà DN cần phải giải quyết nhờ CĐS, cách thức thực hiện để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiếp cận thị trường. Bởi vì, CĐS tập trung vào việc tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần nhìn nhận yếu tố văn hóa trong chiến lược cũng như các vấn đề liên quan khác như tài chính, pháp lý…
Ngoài ra, cần có công cụ để đo lường, đánh giá về các mục tiêu đặt ra bao gồm kinh doanh, tài chính, quản trị…
Điểm cuối cùng là nâng cao năng lực của khách hàng, đối tác để cung cấp, chia sẻ chuyên môn, chuyên gia…
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Alex Clemente khẳng định, Việt Nam đang có lực lượng lao động trẻ với tham vọng trở thành một trung tâm R&D của khu vực, đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Việt Nam cũng có nền kinh tế tăng trưởng bền vững cùng môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn.
“CĐS là khó khăn nhưng có thể thành công nhờ những đối tác như FPT”, ông Alex Clemente khẳng định.
Chưa kể, các công ty tại Châu Á có rất nhiều cơ hội để đón nhận những tài năng lao động đi vào xu hướng công nghệ mới, công nghệ dữ liệu. Trong đó, Việt Nam có thể trở thành một trong 10 thị trường lao động hàng đầu thế giới về khoa học dữ liệu.
Sự kiện công nghệ thường niên lớn nhất năm - FPT Techday 2023 với chủ đề “35 năm Kiến tạo Hạnh phúc” diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), thu hút sự tham dự của hơn 10.000 lượt khách trực tiếp, trong đó có hơn 2.500 các chuyên gia công nghệ, chuyên gia CĐS và chủ DN đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới./.