Kinh tế số

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán số nhanh nhất khu vực

Anh Minh 28/05/2024 20:00

Xu hướng chuyển đổi dịch vụ tài chính từ offline sang online được cho là “không thể đảo ngược” và sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (KTS) tại Việt Nam.

Trình bày Báo cáo về phát triển KTS ở Đông Nam Á tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) , bà Đào Phương Lan, Giám đốc Đầu tư, thị trường Đông Nam Á, Trưởng Văn phòng Đại diện Temasek Hà Nội, Công ty Temasek International Pte, cho biết trong những năm gần đây, nền KTS của Đông Nam Á đã phát triển mạnh mẽ, vượt qua những trở ngại do đại dịch và môi trường kinh tế khó khăn.

thanh-toan-so.png
Ảnh minh họa

“Nền KTS của khu vực này vẫn duy trì được sự tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng thích ứng tốt trước nhiều biến động”, bà Đào Phương Lan nói và cho biết Báo cáo đã tập trung vào chặng đường tăng trưởng có lợi nhuận của khu vực và những đỉnh cao mới hướng tới sự bền vững về tài chính.

“Trong báo cáo trước, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng có lợi nhuận như một yếu tố thúc đẩy cho khu vực Đông Nam Á. Năm nay, chúng tôi đã thấy một sự chuyển đổi rõ rệt, đó là các DN đều đang hướng tới khả năng sinh lời”.

Các DN số đang hướng tới tăng trưởng bền vững, tạo nền tảng cho những đỉnh cao mới

Báo cáo về phát triển KTS ở Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện đã cung cấp một góc nhìn dựa trên tổng giá trị hàng hóa (GMV) để làm nổi bật tiềm năng to lớn của nền KTS khu vực, trong đó chú trọng 5 ngành chính là thương mại điện tử (TMĐT), vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và các dịch vụ tài chính số.

Bà Đào Phương Lan cho biết đây là lần đầu tiên Báo cáo đưa ra dự báo về tổng doanh thu của nền KTS, bên cạnh tổng giá trị hàng hóa. Theo dự báo, GMV của Đông Nam Á đang tiếp tục tăng trưởng và dự kiến đạt 218 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 11%. Trong khi đó, nền KTS Đông Nam Á đạt tổng doanh thu 100 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 1,7 lần so với GMV.

“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các DN số đang tiến bộ hướng tới tăng trưởng bền vững, và điều này tạo nền tảng cho những đỉnh cao mới”, bà Đào Phương Lan nói.

Đáng chú ý, trong hai năm liên tiếp, năm 2022 và 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nền KTS phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, và dự báo sẽ giữ vững điều này cho đến năm 2025. Dự kiến GMV của Việt Nam sẽ tăng khoảng 20% từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên 43 tỷ USD vào năm 2025.

Sự tăng trưởng của GMV sẽ được thúc đẩy bởi TMĐT và du lịch trực tuyến. TMĐT dự kiến tăng khoảng 22% từ năm 2023 - 2025, đạt 24 tỷ USD vào năm 2025. Còn ngành du lịch đã phục hồi hoàn toàn trong năm nay và du lịch trực tuyến dự kiến tăng trưởng hơn 20% đến năm 2025, đạt GMV khoảng 7 tỷ USD.

Các lĩnh vực khác như logistic và truyền thông kỹ thuật số cũng đang phát triển mạnh mẽ, trong đó truyền thông kỹ thuật số đang được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và sự ra đời của các công ty trong nước tiếp cận thị trường toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực trò chơi trên thiết bị di động. Các dự kiến cho năm 2023 cho thấy lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 11%, với GMV ước tính khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025.

Thúc đẩy hơn nữa mức độ hòa nhập công dân số

Xu hướng chuyển đổi dịch vụ tài chính từ offline sang online được cho là “không thể đảo ngược” và sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong khi tỷ lệ thanh toán số ở Đông Nam Á đạt khoảng 50%, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng trưởng khoảng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và dự kiến ​​tiếp tục tăng trưởng ổn định khoảng 13% trong giai đoạn 2023 - 2025.

z5484640055142_b3e6bea76842fd00defd1a59dd9efd5b.jpg
Bà Đào Phương Lan, Giám đốc Đầu tư, thị trường Đông Nam Á, Trưởng Văn phòng Đại diện Temasek Hà Nội

Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ cùng với sự đầu tư từ các ngân hàng thương mại, cũng như việc sử dụng phổ biến mã QR, sẽ tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số ở Việt Nam”, bà Đào Phương Lan nói. Trong đó, tốc độ thanh toán số sẽ được thúc đẩy khi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại khuyến khích việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ thanh toán số mà mức độ hòa nhập kỹ thuật số nói chung của khu vực đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm qua. Tỷ lệ người dân tiếp cận với mạng Internet đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2015, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn. Độ phủ sóng rộng rãi của mạng 4G và giảm chi phí dữ liệu cùng với sự phổ biến của thiết bị di động và điện thoại thông minh đã làm cho công nghệ số trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên, khả năng truy cập Internet không phải lúc nào cũng dẫn đến sự tham gia hoặc tiêu dùng trong các lĩnh vực KTS, và một điều quan trọng cần lưu ý là việc người dân chưa tham gia nhiều vào cá lĩnh vực KTS không nhất thiết phản ánh nhu cầu sử dụng các dịch vụ số thấp. Vì lí do này, bà Đào Phương Lan đã nhấn mạnh vào sự cần thiết nâng cao hơn nữa mức độ hòa nhập công dân số.

“Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng của nền KTS ở Đông Nam Á, một nền kinh tế đang hướng tới sự tăng trưởng có lợi nhuận. Điều này được coi là yếu tố cần thiết để thúc đẩy tiềm năng phát triển của khu vực. Nền KTS sẽ tiếp tục là động lực chính cho sự phát triển ở Đông Nam Á, với GMV tăng trưởng mạnh mẽ hơn GDP ở tất cả sáu quốc gia trong khu vực trong những năm tới”, đại diện Temasek cho biết.

Đối với Việt Nam, Báo cáo cũng cho biết sản xuất và xuất khẩu sẽ là chìa khóa cho sự phát triển. Các nhà xuất bản địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực truyền thông, kỹ thuật số và du lịch nội địa, từ đó tạo đà cho sự phát triển rộng lớn hơn. Cuối cùng, việc thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Bà Đào Phương Lan cho rằng chúng ta đang chứng kiến một quá trình thay đổi đáng kể, trong đó trọng tâm được đặt vào việc tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng sinh lời. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số trên khắp các khu vực đã đạt đến điểm bùng nổ và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, dù đã có tiến bộ trong việc hòa nhập kỹ thuật số ở Đông Nam Á, trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan là tiếp tục thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và hòa nhập sâu hơn.

"Chúng tôi thực sự tin tưởng vào triển vọng lâu dài của nền KTS ở Đông Nam Á và tin rằng, bất chấp những thách thức hiện nay, khu vực này có rất nhiều tiềm năng để chúng ta kỳ vọng vào tương lai", bà Đào Phương Lan nói./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán số nhanh nhất khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO