Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số

Lan Phương| 14/10/2021 09:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiếp nối các nội dung trao đổi về phát triển hạ tầng số trong phiên Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng tại Hội nghị Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021, tối 13/10, các đại biểu từ nhiều nước đã cùng bàn thảo cách thức thúc đẩy 5G đáp ứng kết nối số.

Việt Nam xác định hạ tầng số là một trong những trụ cột của nền kinh tế số

Đại diện cho đoàn Việt Nam, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết các quốc gia có cơ sở hạ tầng kết nối hàng đầu có thể giảm thiểu tới 50% tác động tiêu cực của COVID-19 đến nền kinh tế.

Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số - Ảnh 1.

Tổng giám đốc VNPT: Triển khai mạng 5G đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số

Việt Nam xác định hạ tầng số là một trong những trụ cột của nền kinh tế số. Việt Nam có vị trí cao trong bảng xếp hạng kết nối. Mạng di động bao phủ 99,8% dân số. Tuy nhiên, việc truy cập Internet ở các vùng nông thôn vẫn còn hạn chế. Nhiều thôn bản vẫn chưa có băng rộng di động, hơn 30% hộ gia đình chưa có đường truyền băng rộng cố định.

Nhờ chủ trương của chính phủ, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết gần 300 thôn bản chưa có kết nối Internet di động nay đã có thể kết nối Internet di động trong vòng 2 tháng, dự kiến vào cuối năm 2021 sẽ có thêm 500 làng xã và vào năm 2022 là 1.900 làng xã sẽ được kết nối Internet di động.

Ông Huỳnh Quang Liêm cũng chia sẻ việc triển khai mạng 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS). Việt Nam đang trong giai đoạn đầu triển khai mạng 5G. Kể từ năm 2020, các thử nghiệm thương mại 5G đã được thúc đẩy với việc Bộ TT&TT triển khai phân bổ lại phổ tần, hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức các thử nghiệm.

Tuy nhiên, ông Liêm cho biết Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn trong quá trình chuyển lên 5G như chi phí vốn (CAPEX), phổ tần được cấp phép và thiếu các thuê bao sử dụng 5G. CAPEX cho 5G là mối quan tâm hàng đầu. Doanh thu trung bình trên thuê bao di động (APRU) ở thị trường Việt Nam thấp (khoảng 3 USD), do đó, việc tăng doanh thu 5G trong giai đoạn đầu triển khai không đủ để bù CAPEX, tích cực chia sẻ trong việc xây dựng hạ tầng được xem là một giải pháp tốt để các nhà mạng trên thế giới triển khai 5G. Để đẩy nhanh việc triển khai 5G, ông Liêm cho biết Việt Nam sẽ hỗ trợ hơn nữa cho các nhà mạng về phí cấp phép phổ tần, có những chính sách để thu hút các thuê bao 5G, v.v..

Đồng thời, Việt Nam sẽ thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ để đưa hạ tầng số, nền tảng số và mạng 5G lên tầm cao hơn.

Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số - Ảnh 2.

Đoàn Việt Nam tham gia phiên thảo luận tại hội nghị tối 13/10

Kinh nghiệm thúc đẩy kết nối số ở một số nước

Chia sẻ về việc phát triển hạ tầng số tại Jordan, ông Ahmad Al Hanandeh, Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và doanh nghiệp cho biết 90% dân số Jordan đã được phủ sóng 4G, sóng 3G và Internet di động đã phủ tới 98% dân số. Tỷ lệ người dân sử dụng smartphone đạt hơn 95%. Tỷ lệ truy cập Internet cao nhất trong khu vực, 98% người dân Jordan có thể truy cập băng rộng di động nhờ smartphone. Jordan thúc đẩy triển khai 5G từ năm 2020 và phủ rộng vào năm 2023. 70% dân số Jordan dưới 55 tuổi thành thạo công nghệ nên có nhu cầu cao về các dịch vụ số. Theo đó, để thúc đẩy kết nối số, Jordan xem IoT, blockchain, 5G là những công nghệ hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Trong khi đó, ông Fábio Faría, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Brazil cho biết ngày 4/11 tới Brazil sẽ thực hiện đấu thầu băng tần 5G để cấp 4 dải băng tần khác nhau, đáp ứng các ứng dụng và dịch vụ mới như IoT trong nông nghiệp chính xác, thành phố thông minh cũng như các dịch vụ di động tiên tiến khác.

Trong nhiều năm qua, Brazil đã đầu tư lớn để triển khai cáp quang đáp ứng truyền tải và truy cập. Về kết nối băng rộng quốc tế, Brazil sẽ mở rộng các điểm trung chuyển Internet. Thành phố Fort Alyssa, phía Bắc Brazil đã trở thành trung tâm lớn kết nối cáp quang biển với các trạm truy cập và trung tâm dữ liệu cho 14 tuyến kết nối trực tiếp đến Bắc, Nam Mỹ, kết nối trực tiếp tới châu Âu.

Brazil còn triển khai chương trình kết nối băng rộng tốc độ cao đến các trường học công trên toàn quốc. Hiện đã có gần 93% trường học ở các thành phố và 45% trường học ở nông thôn được kết nối băng rộng và sẽ kết nối tất cả các trường học trên toàn quốc trong năm tới. Brazil cũng có chương trình WiFi Brazil để đáp ứng truy cập Internet ở vùng chưa có dịch vụ, đặc biệt là ở các vùng nông thông, vùng sâu.

Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia trực tuyến

Theo chia sẻ của ông Ali Al Shidhani, Thứ trưởng Bộ Giao thông và CNTT Oman, nước này đang quyết tâm thúc đẩy chương trình nghị sự CĐS, nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí cũng như nguồn thu nhập chính của nền kinh tế quốc dân và các nguồn trợ cấp khác. Bộ Giao thông và CNTT Oman là trung tâm thúc đẩy nền kinh tế số và CĐS của đất nước.

Để thiết lập một nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, chính phủ Oman triển khai cả khía cạnh mềm là xây dựng các quy định, chính sách thúc đẩy kết nối số và ở khía cạnh cứng là thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thành xương sống của CĐS nhằm đảm bảo tính sẵn sàng và khả năng tiếp cận của các dịch vụ, trong đó có dịch vụ công của chính phủ.

Kể từ năm 1970, Oman đã đầu tư vào việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ thoại. Đến những năm 1990, chính phủ cho phép các công ty nhà nước quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Vào đầu những năm 2000, Oman đã tự do hóa lĩnh vực viễn thông và thành lập cơ quan quản lý viễn thông.

Để đảm bảo các tập đoàn tư nhân cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn, chính phủ đã ủy thác cho các công ty hạ tầng phải thành lập công ty chuyên trách băng thông rộng, chịu trách nhiệm về nhiều tuyến cáp quang trên cả nước. Kết quả của tất cả những nỗ lực này là lĩnh vực viễn thông đã đạt được những dấu mốc quan trọng. Tỷ lệ bao phủ điện thoại cố định đạt 86%. Trong quý 2/2021, mức độ thâm nhập băng rộng di động đạt 111%. Gần đây, chính phủ đã thúc đẩy ứng dụng 5G trong các ngành khác nhau như giáo dục, du lịch,... Tuần này, một dịch vụ hỗ trợ 5G thông minh mới đã được triển khai tại một trong các tòa án.

Vào mùa hè, giữa lúc đại dịch bùng phát, Oman đã cho ra mắt một dự án độc đáo có tên là Project để kết nối 600 ngôi làng trên khắp cả nước thông qua vệ tinh.

Trong đại dịch, Oman cũng đã đạt được thành công lớn trong việc số hóa các dịch vụ công và cung cấp trên Internet. Kể từ năm 2005, Oman bắt đầu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến 24/7 và hiện nay là hơn 900 dịch vụ công đã được trực tuyến. Quá trình được hỗ trợ thông qua việc thành lập trung tâm dữ liệu của chính phủ và cơ sở hạ tầng đám mây của chính phủ. Các đơn vị chính phủ được đảm bảo kết nối riêng tư, chuyên biệt để cho phép bảo mật dữ liệu.

Trao đổi về kinh nghiệm của Ecuador, bà Vianna Maino, Bộ trưởng Viễn thông và Xã hội thông tin cho rằng sau đại dịch, cần phải đánh giá lại và xem xét xây dựng các chiến lược phát triển quốc gia cho phép mọi người hưởng lợi tối đa.

Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số - Ảnh 4.

Bà Vianna Maino, Bộ trưởng Viễn thông và Xã hội thông tin Ecuador

Tại Ecuador, tất cả những việc này do Bộ Viễn thông và Xã hội thông tin thực hiện. Bộ đã làm việc với Bộ trưởng Kế hoạch quốc gia để tiến tới một chiến lược số hóa với mục tiêu phát triển dài hạn rộng lớn hơn để hướng tới một chương trình nghị sự năm 2030 với trọng tâm lớn hơn là phát triển bền vững, tập trung vào đổi mới ngành và cơ sở hạ tầng.

Cũng theo Bộ trưởng Vianna Maino, Ecuador đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cho những người cần nhất. Băng thông rộng đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng trên hết là tạo ra nhiều việc làm mới. Theo kết quả của kế hoạch phát triển băng thông rộng, tỷ lệ sử dụng băng thông rộng tăng 1% đã giúp giảm 0,105% tỷ lệ thất nghiệp. Theo kết quả này, từ năm 2012, mức độ thâm nhập của băng thông rộng từ 4,9% lên 5,21% đã tạo ra khoảng 880.600 việc làm.

Ông Iyad Al Khatib, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ, Syria cho biết nước này đã có chiến lược CĐS quốc gia và thành lập uỷ ban thúc đẩy CĐS các dịch vụ công dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ với sự tham gia của các bộ liên quan. Chính phủ cũng xây dựng các kế hoạch, chính sách và thúc đẩy CĐS. Cách đây vài tuần, chính phủ Syria đã thông qua chiến lược quốc gia về CĐS giai đoạn 2021 - 2030 với 3 giai đoạn. Chiến lược này gồm 12 chương trình với 50 dự án và sẽ được phân bổ về các bộ liên quan.

Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số - Ảnh 5.

Ông Mario Maniewicz: Cơ quan quản lý nhà nước về ICT ở các nước đã chủ trì chương trình thúc đẩy CĐS quốc gia

Là người điều hành phiên bàn thảo này, ông Mario Maniewicz, Cục trưởng Cục Thông tin vô tuyến ITU cho biết việc sử dụng nhiều công nghệ như vệ tinh, các công nghệ di động đã làm giảm chi phí kết nối số. Cơ quan quản lý nhà nước về ICT ở các nước đã chủ trì chương trình thúc đẩy CĐS quốc gia và được nhiều bộ, ngành tham gia cũng như thúc đẩy.

Hạ tầng và kết nối số là cần thiết đối với nền kinh tế số. Các quốc gia cam kết chuyển đổi số để không ai bị bỏ lại phía sau, theo đó, một loạt vấn đề cần giải quyết như phủ sóng rộng ở khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách số và người dân là trung tâm của kết nối số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cùng các nước triển khai chính sách mềm phát triển 5G, kết nối số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO