Ngày 01 - 02/10/2020, Bộ TT&TT Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị ASEAN trực tuyến về Giảm cước chuyển vùng di động quốc tế trong ASEAN. Hội nghị có sự tham dự của 10 cơ quan quản lý viễn thông, cùng các nhà mạng, các công ty viễn thông và CNTT của 10 nước ASEAN và các chuyên gia từ Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) và Liên minh Châu Âu (EU).
Hội nghị là diễn đàn đầu tiên giữa các cơ quan quản lý viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ mạng trong ASEAN để đối thoại, thảo luận hướng đến mục tiêu giảm cước chuyển vùng quốc tế trong khu vực ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, chủ trì Hội nghị cho biết: Việc tổ chức Hội nghị lần này là một trong những hoạt động triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) tầm nhìn 2025 trong đó khuyến khích các nước thành viên ASEAN hướng tới giảm giá cước chuyển vùng di động quốc tế trong khu vực ASEAN. Việc thúc đầy này nhằm thúc đẩy kết nối, liên kết con người và hướng tới một ASEAN kết nối toàn diện. AEC Blueprint cũng giao các Bộ trưởng phụ trách về viễn thông và CNTT ASEAN (ASEAN TELMIN - nay đổi tên là các Bộ trưởng số ADGMIN) ưu tiên triển khai.
Trong thời gian qua, ADGMIN đã đạt được một số nỗ lực nổi bật về lĩnh vực này như Kế hoạch tổng thể CNTT-TT ASEAN 2020 (AIM 2020) được thông qua tại ASEAN TELMIN lần thứ 15 vào ngày 27/11/2015 tại Đà Nẵng, Việt Nam, cũng như kế hoạch kêu gọi thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế giá cả phải chăng trong ASEAN.
Tiếp theo, ASEAN TELMIN lần thứ 17 vào ngày 30/11/2017 ở Siem Reap, Campuchia đã thông qua Khung ASEAN về chuyển vùng di động quốc tế, nhằm thúc đẩy các dịch vụ chuyển vùng dữ liệu di động quốc tế minh bạch và giá cả phải chăng ở ASEAN, tăng cường hơn nữa hội nhập khu vực, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong khu vực.
Đặc biệt, sáng kiến một biểu giá chuyển vùng ASEAN của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã được TELMIN 18 thảo luận và ghi nhận tại Ubud, Bali, Indonesia vào tháng 12/2018.
Tại hội nghị, đại diện các nước thành viên ASEAN đã cập nhật, chia sẻ các chính sách thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà mạng, cũng như chính sách bảo vệ người dùng khỏi vấn đề "bill shock" (giá cước sốc), kinh nghiệm, bài học điển hình và thảo luận về các chương trình khuyến khích chuyển vùng toàn cầu (Let's roam the world) của ITU và giá cước chuyển vùng duy nhất (Roam like Home) của EU và các giải pháp hướng đến mục tiêu Giảm cước chuyển vùng quốc tế trong khu vực ASEAN.
Đại biểu của Singapore cho biết ASEAN đang ở giai đoạn đầu của việc hình thành khung cước chuyển vùng di động quốc tế trong toàn ASEAN, nên việc giảm cước cần thực hiện theo lộ trình và chín muồi của thị trường.
Trong khi đó, đại diện của Thái Lan cho biết cần có khung cước phí ASEAN về chuyển vùng di động quốc tế chung theo ngày cho dịch vụ dữ liệu và cần dựa trên cơ chế thị trường.
Đề xuất của Việt Nam
Tại Hội nghị, thay mặt cho đoàn Việt Nam, bà Hoàng Minh Hằng, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Việt Nam có 4 nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile. Viettel thực hiện chuyển vùng di động quốc tế tới 213 quốc gia với 524 mạng. Nhà mạng VNPT-Vinaphone có thể chuyển vùng tới 180 quốc gia với 466 mạng. MobiFone, Vietnamobile cũng thực hiện chuyển vùng quốc tế với nhiều nước.
Việt Nam có những văn bản liên quan để dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế. Các nhà mạng cũng có những chính sách giá cước chuyển vùng khác nhau.
Bà Hằng cho biết: Việc giảm giá cước chuyển vùng là xu hướng tất yếu nhằm kích cầu tiêu dùng của khách hàng và cạnh tranh với các dịch vụ thay thế khác như SIM Local, Global IMSI, Wi-Fi.
Theo đó, Việt Nam đề xuất sáng kiến hướng đến mục tiêu giảm cước chuyển vùng quốc tế trong khu vực ASEAN cần được thực hiện theo lộ trình với sự đồng thuận của các nhà mạng, cơ quan quản lý trong khu vực và nên được triển khai đồng bộ trong tất cả các nhà mạng để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Các cơ quan quản lý ở các nước ASEAN cũng nên khuyến khích các nhà mạng của mỗi nước thực hiện chuyển vùng di động với ít nhất một nhà mạng trong các nước thành viên ASEAN. Các nhà mạng ASEAN cần thường xuyên trao đổi và đàm phán với nhau để đảm bảo tối ưu hóa chi phí, cung cấp giá cước và gói cước hấp dẫn cho khách hàng.
Kinh nghiệm từ EU
Cũng tại Hội nghị, ông Petri Koistinen, Cục trưởng bộ phận Kết nối, Uỷ ban châu Âu cho biết EU là một thị trường chung. Quy định cước phí chuyển vùng di động của EU được thực hiện trong nội bộ EU từ 2017.
Tác động của cước phí chuyển vùng dữ liệu đối với công dân EU đã được thảo luận và tranh luận trong EU trong nhiều năm. Cước phí chuyển vùng di động quốc tế là nền tảng quan trọng của thị trường kỹ thuật số chung của Liên minh châu Âu, và một bước quan trọng trong việc xây dựng một xã hội số bền vững, dễ tiếp cận cho mọi công dân.
Sau nhiều năm bàn thảo, vào ngày 15/6/2017, EU đã đạt được mục tiêu là phí chuyển vùng di động để công dân EU có thể gọi điện, gửi tin nhắn văn bản và Internet có chung mức cước.
Cũng trong năm 2017, một cuộc khảo sát đã được Ủy ban châu Âu ủy quyền để đo lường nhận thức tác bãi bỏ phí chuyển vùng và tác động của điều này đối với việc sử dụng điện thoại di động của công dân khi đi lại. Nhìn chung, khi áp dụng quy định mới, việc gọi điện, gửi tin nhắn, lướt web đều tăng so với trước khi chưa thực hiện quy định.
Trên cơ sở các trao đổi của các nước thành viên và đại biểu, kết luận phiên Hội nghị, ông Triệu Minh Long cho biết việc thực hiện sáng kiến hướng tới giảm cước chuyển vùng di động quốc tế trong ASEAN cần tiếp tục được trao đổi, chia sẻ và đề xuất sáng kiến, giải pháp. Các nước, các nhà mạng có những quy định khác nhau về cước chuyển vùng cũng như có các khuyến nghị khác nhau. Theo đó, cần tiếp tục những cuộc họp để trao đổi đi đến thống nhất và cần đề xuất để chính phủ các nước thành viên ASEAN có hỗ trợ trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN cần có những điều chỉnh linh hoạt, dựa trên cơ chế thị trường về cước chuyển vùng và cần tổ chức các cuộc họp giữa các nhà mạng trong khu vực để bàn thảo, tìm ra các giải pháp thống nhất. Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò thúc đẩy tiến trình giảm cước này.
Các bàn thảo tại Hội nghị lần này sẽ được báo cáo lên cuộc họp cấp Bộ trưởng Viễn thông - CNTT để xây dựng các hướng dẫn thúc đẩy các nhà mạng theo lộ trình tiến tới một mức cước chuyển vùng thống nhất.