Khởi nghiệp

Việt Nam đề xuất thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về ĐMST

Ánh Dương 15/09/2023 20:59

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.

Đây là khẳng định của đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa tại phiên thảo luận chuyên đề 2 “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, diễn ra chiều ngày 15/9 tại Hà Nội.

Theo đó, phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp; Trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân (AI) tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; Đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến AI.

150920230454-909090.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp".

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST bao trùm

Chia sẻ tham luận tại hội nghị, chuyên gia về Xã hội dân sự và Thanh niên, Nhóm Quản lý Chính phủ và Xây dựng Hòa bình tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Beniam Gebrezghi cho biết, hiện nay, UNDP có một chương trình khởi nghiệp thanh niên lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 202 đối tác.

Trước khi có dự án này, UNDP nhận thấy có nhiều sáng kiến đang được thực hiện nhưng chưa có kênh mang tính khu vực để có “vườn ươm” tập trung cho sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên. Khác biệt với những dự án khác, dự án này của UNDP tập trung vào tinh thần khởi nghiệp và những kỹ năng dành cho thanh niên trong thế kỉ 21 để cung cấp kỹ năng cho thanh niên để có thể thích ứng trong môi trường, bối cảnh thế giới đang thay đổi.

Theo đại diện của UNDP, chương trình này hiện có các đối tác như Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), hay các định chế tài chính như Ngân hàng Phát triên châu Á (ADB)… Từ đó thành lập các trung tâm chiến lược tại các quốc gia và tiến hành các dự án mang tính định hướng quốc gia tại một số quốc gia.

Để đánh giá tính bao trùm của các chính sách về ĐMST, khởi nghiệp đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, mới đây UNDP đã xuất bản sổ tay về bộ công cụ đánh giá chính sách, khuôn khổ pháp luật tạo điều kiện cho thanh niên về 6 lĩnh vực như nhân lực, văn hóa, pháp lý... đồng thời cung cấp bài học kinh nghiệm cho các quốc gia.

Bên cạnh đó, UNDP cũng có nhiều bộ công cụ khác cho startup, khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST bao trùm và nhấn mạnh sự tham gia của cả cộng đồng trong các nỗ lực này.

Trong khi đó, chia sẻ về cơ chế của Algeria để trao quyền cho thanh niên, khuyến khích thanh niên tham gia đóng góp vào xã hội thông qua ĐMST, khởi nghiệp, công nghệ thông tin, đại biểu cho biết, Algeria đã có chính sách phát triển ĐMST năm 2016, hướng tới việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Những mục tiêu Algeria đặt ra đều chịu sự tác động mạnh mẽ bởi sự chuyển dịch và phát triển của CNTT, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) trên tất cả các lĩnh vực.

Algeria có Ủy ban Hỗn hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển này, thúc đẩy ĐMST và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Qua 2 năm hoạt động, Algeria đã thúc đẩy nhiều dự án ĐMST.

Trong 2 năm qua, Algeria đã có những chương trình thúc đẩy nền kinh tế dựa trên tri thức, đặc biệt là quan tâm tới những dự án do thanh niên khởi xướng, tạo ra những vườn ươm doanh nghiệp. Algeria cũng có gần 100 dự án, 15% các dự án này được triển khai xây dựng từ bậc đại học và các bạn trẻ...

150920230401.jpg
Ông Denis Naughten, Nghị sĩ Ireland, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ của IPU đề cao tầm quan trọng của việc khuyến khích tinh thần ĐMST và khởi nghiệp trong chương trình học.

Đặc biệt, phát biểu dẫn đề phiên thảo luận, ông Denis Naughten, Nghị sĩ Ireland, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ của IPU đề cao tầm quan trọng của việc khuyến khích tinh thần ĐMST và khởi nghiệp trong chương trình học, sử dụng khoa học công nghệ của các quốc gia.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần đẩy mạnh cần nghiên cứu trong tất cả các mảng kinh doanh và thiết lập mạng lưới doanh nghiệp (DN) hỗ trợ các sáng kiến công nghệ mới.

ĐMST và khởi nghiệp là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ĐMST và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.

Việc phát triển ĐMST và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi phát mạnh mẽ năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều Luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ...

Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMTS quốc gia đến 2025”. Điều đó thể hiện rõ chủ trương, chính sách khuyến khích ĐMTS, khởi nghiệp, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và ĐMTS.

150920230536.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa: ĐMST và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.

Ông Nghĩa cho biết, đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm ở Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng của thế giới, với nhiều giải pháp, DN ĐMST, đặc biệt và trong việc khai thác tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng các DN lớn, tập đoàn tại Việt Nam cũng đã quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), đã tham gia sâu hơn vào hoạt động ĐMST, khởi nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Với vai trò là những Nghị sĩ trẻ, đại diện cho các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, cùng nhau chung tay để thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST ở phạm vi toàn cầu, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đã đưa ra một số đề xuất.

Một là, Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc ĐMST, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ những mô hình ĐMST, khởi nghiệp (sandbox); đặc biệt là, cần tôn trọng và khuyến khích và chuyển tải những tư duy đồng hành, hỗ trợ các chủ thể của ĐMST và khởi nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật.

Đại biểu đề xuất các thành viên IPU xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về ĐMST để đồng hành cùng chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua ĐMST.

Hai là, phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động ĐMST, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, DN thực hành ĐMST và khởi nghiệp. Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt cho nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, trung tâm của ĐMST, của khởi nghiệp phải được xác định là con người, là thế hệ trẻ. Các chính sách cần hướng tới thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST trong thanh niên, sinh viên; Tăng cường đào tạo, hướng nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của ngành./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đề xuất thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về ĐMST
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO