Việt Nam - điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, doanh nhân công nghệ

Hoàng Linh| 19/09/2022 06:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Được thúc đẩy bởi một hệ sinh thái phát triển, dân số hiểu biết về công nghệ và tư duy đổi mới, các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang bùng nổ với tốc độ chưa từng có.

Theo báo cáo mới có tiêu đề "Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương" (Emerging Giants in Asia Pacific) của KPMG năm 2022, các giao dịch đầu tư mạo hiểm (VC) trong khu vực đạt mức cao nhất mọi thời đại là 152,68 tỷ USD vào năm 2018 trước khi giảm vào năm 2019 - 2020 và chạm mốc 116,91 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, quý I/2022 đã chứng kiến các thoả thuận đầu tư chạm mốc 32,62 tỷ USD.

Một số đặc điểm kinh tế chính được báo cáo đánh giá bao gồm dân số của quốc gia, số lượng thuê bao di động, GDP bình quân đầu người và số lượng người dùng Internet. Đặc biệt, Đông Nam Á tăng trưởng cao nhờ sự gia tăng đáng kể của những người có thu nhập trung bình, "người bản địa kỹ thuật số" (digital native) trẻ và có học thức, và sự hỗ trợ của chính phủ.

Việt Nam có môi trường khởi nghiệp năng động nhất châu Á

Theo báo cáo của KPMG, Việt Nam có một môi trường khởi nghiệp mới và năng động nhất châu Á, nơi chỉ có 1.600 công ty khởi nghiệp khi bắt đầu đại dịch COVID-19, và hiện đã tăng lên hơn 3.000, theo nền tảng dữ liệu khởi nghiệp Tracxn - bao gồm cả 4 kỳ lân.

Việt Nam cần duy trì là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, doanh nhân công nghệ - Ảnh 1.

Những người khổng lồ mới nổi ở APAC - Phân chia theo thị trường. Tỷ lệ công ty có nguồn gốc tại mỗi thị trường trong số 6.472 công ty được xác định. (Nguồn: KPMG và HSBC phân tích dữ liệu Pitchbook của 6.472 công ty mới thành lập ở APAC với định giá từ 500 triệu USD trở xuống)

Nền kinh tế số của Việt Nam được thúc đẩy lực lượng lớn dân số trẻ sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng các dịch vụ tiêu dùng công nghệ mới, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và sự gia tăng tài trợ từ nước ngoài.

Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nhưng nền kinh tế của Việt Nam đang mở rộng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng được dự báo sẽ đạt 5,5% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023, gần mức trước COVID-19.

Nhà cung cấp siêu ứng dụng VNG có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh là công ty khởi nghiệp thành công nhất của Việt Nam cho đến nay. Ra mắt vào năm 2004 với tư cách là một công ty game, nhưng giờ đây VNG có các dịch vụ gồm ứng dụng trò chuyện Zalo, hiện có hơn 60 triệu người dùng và ví điện tử, ZaloPay. VNG trở thành kỳ lân vào năm 2014.

Các nhà đầu tư vào VNG gồm có Temasek của Singapore, Tencent của Trung Quốc và Goldman Sachs. Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), giao hàng và phương tiện truyền thông trực tuyến do đại dịch thúc đẩy, VNLife, đơn vị điều hành nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động B2B VNPay, đã trở thành kỳ lân thứ hai của Việt Nam vào năm 2020. Các thương vụ đầu tư mạo hiểm đã tăng lên 1,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 301 triệu USD năm 2020 và 330 triệu USD vào năm 2019.

Người tiêu dùng Việt Nam hiểu biết về Internet và thích ứng với công nghệ. Điều đó có nghĩa là tất cả các công ty Việt Nam hiện nay cần phải có một chiến lược số để luôn phù hợp. Việt Nam đã có thêm hai công ty cũng trở thành kỳ lân: công ty phát triển trò chơi Sky Mavis và ví điện tử được sử dụng rộng rãi nhất trong nước MoMo.

Ông Kien Nguyen, KPMG, cho biết: "Nguồn vốn mạnh mẽ đang đến từ châu Á, đặc biệt là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông và Nhật Bản. Gần như tất cả nguồn vốn này đã được chuyển cho các công ty giải quyết nhu cầu thị trường nội địa. Nhu cầu nội địa sẽ duy trì mạnh mẽ trong 2 - 3 năm tới trước khi có bất kỳ nhu cầu nào về việc hợp nhất hoặc cho các chiến lược toàn cầu hoặc khu vực".

Theo báo cáo, chính phủ đã tập trung cho tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đáp ứng một số hỗ trợ cho các DN trong nền kinh tế mới thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia và từ năm 2017 trở lại đây, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo fintech để xây dựng và trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kế hoạch hành động hàng năm về việc xây dựng hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng viễn thông do các công ty nhà nước nắm giữ và các công ty trong nước (hầu hết là tư nhân) kiểm soát các dịch vụ dữ liệu, đã cho phép các startup Việt Nam chủ động vạch ra con đường của riêng các công ty.

Luke Treolar, Trưởng bộ phận Chiến lược tại KPMG Việt Nam cho biết: "Ở cấp ứng dụng, có rất ít sự tham gia của nhà nước. Trong trung hạn, câu hỏi lớn hiện nay là liệu Việt Nam sẽ áp dụng mô hình có sự giám sát chính thức nhiều hơn và quy định chặt chẽ hơn hay cách tiếp cận cởi mở như hiện tại. Tuy nhiên, hiện tại, tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục là trọng tâm chính. Mặc dù, TMĐT chỉ chiếm chưa đến 5% tổng doanh số bán lẻ, nhưng giá trị của nó đã tăng hơn một nửa vào năm 2021".

Luke Treolar, Trưởng phòng Chiến lược và Giám đốc Quốc gia về Khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe, KPMG tại Việt Nam cho biết: "Tỷ lệ tăng trưởng cao tương tự có thể được mong đợi trong vài năm tới. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ có nền kinh tế số lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia, vào cuối thập kỷ này. TMĐT chỉ chiếm chưa đến 5% doanh thu bán lẻ tại Việt Nam. Ở Trung Quốc, con số này là khoảng một phần ba. Điều đó có nghĩa là tiềm năng phát triển là rất lớn".

Tim Evans CEO, HSBC Việt Nam cho biết: "Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, cạnh tranh quyết liệt với Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trình độ học vấn, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet cao cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, Việt Nam nên duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nhân công nghệ, biến đất nước trở thành môi trường phát triển mạnh mẽ cho những kỳ lân tiềm năng".

Việt Nam cần duy trì là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, doanh nhân công nghệ - Ảnh 2.

Các lĩnh vực chính mà các startup công nghệ APAC đang tập trung

Cũng theo báo cáo của KPMG, 100 startup tăng trưởng cao tại 12 lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực chính, gồm: công nghệ tài chính (fintech), công nghệ sinh học (biotech), phần mềm như là một dịch vụ (SaaS), chuỗi khối (blockchain), công nghệ y tế (healthtech) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Công nghệ tài chính

Fintech là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực, dự kiến sẽ đạt 382 triệu USD vào năm 2027. Các khoản đầu tư vốn của Đông Nam Á chỉ tăng 7 lần kể từ năm 2015 (khoảng 1,6 tỷ USD).

Juspay có trụ sở tại Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp các tùy chọn thanh toán di động hàng đầu. Vào tháng 3/2020, Juspay đã huy động được 21,6 triệu USD trong vòng tài trợ series B do Vostok Emerging Finance dẫn đầu. Công ty có kế hoạch sử dụng khoản đầu tư này để mở rộng hơn nữa cơ sở khách hàng của mình và làm việc với các ngân hàng để cải thiện tính bảo mật của các giao dịch tài chính.

Một phần mềm thanh toán để giảm gánh nặng quản trị liên quan đến thanh toán của các DN đang phát triển là Spenmo, công ty fintech hàng đầu ở Singapore. Với sự dẫn dắt của Tiger Global Management và 19 nhà đầu tư khác đóng góp, công ty này đã huy động được tổng cộng 121,40 triệu USD trong bốn vòng gọi vốn.

Công nghệ sinh học (biotech)

Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đang tích cực đầu tư vào ngành công nghệ sinh học, mang lại tổng số tiền lên đến 6,2 tỷ USD. Nhưng các nước trong khu vực APAC khác như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang chứng kiến tầng lớp trung lưu tăng nhanh, mang lại cơ hội cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trị giá hàng tỷ USD.

Nền tảng y tế BioMind có trụ sở tại Trung Quốc, được đề cập trong báo cáo KPMG, là một trong những gã khổng lồ mới nổi hàng đầu của đất nước. Công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân này chuyên về AI và học máy (machine learning), công nghệ sức khỏe và ung thư bằng cách cung cấp các chẩn đoán nhanh chóng và chính xác cho các khối u não và các bệnh mạch máu.

Phần mềm như là một dịch vụ (SaaS)

SaaS là một lĩnh vực đang bùng nổ khác nhận được sự đầu tư gia tăng ở Đông Nam Á trong thập kỷ qua. SaaS là cấp phép và đăng ký công nghệ phần mềm, và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đang mở rộng quy mô trên nhiều phân ngành.

Trong các hệ thống đặt chỗ khách sạn và lữ hành ở Ấn Độ, Interglobe Technology Quotient là nhà cung cấp SaaS hàng đầu. Công ty tập trung vào các giải pháp công nghệ du lịch và tạo ra một quy trình liền mạch cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ của mình. Pace Revenue, nhà đầu tư lớn nhất của công ty, đã huy động được 2,9 triệu USD cho công ty vào năm 2017.

Chuỗi khối

Một lĩnh vực đang phát triển khác, công nghệ blockchain, giúp hoạt động kinh doanh diễn ra an toàn và bảo mật hơn. Nhiều công ty sử dụng blockchain để cải thiện dịch vụ khách hàng hoặc chuyển tiền một cách an toàn từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Các công ty chuỗi khối thậm chí còn thành công hơn. Trong số những người chơi blockchain nổi lên có Sky Mavis, nhà phát triển trò chơi mã thông báo không thể thay thế (NFT) của Việt Nam; chủ sở hữu sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số của Hàn Quốc Dunamu và công ty sổ cái phân tán Hyperchain của Trung Quốc.

Catheon Gaming, theo số lượng trò chơi đã ra mắt, là công ty trò chơi tích hợp việc chơi để kiếm tiền (play-to-earn) phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới. Công ty này đã tạo ra hơn 60 triệu USD và mở rộng ra hơn 37 quốc gia. Người sáng lập William Wu gần đây đã đồng ý hợp tác với Polygon Studios, tạo ra một sự hợp nhất giúp cải thiện tốc độ và cơ hội cho việc mở rộng quy mô mới.

Công nghệ y tế

Sự phát triển của công nghệ chăm sóc sức khỏe chắc chắn đã tạo ra những hệ thống mang tính cách mạng cho ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Năm 2019, Đông Nam Á đạt 266 triệu USD đầu tư vào công nghệ y tế.

Ở những nước khác tại APAC, nền tảng y tế từ xa Eucalyptus của Úc chuyên về xây dựng trải nghiệm số cho bệnh nhân. Công ty đã huy động được 30 triệu USD trong vòng Series B từ các nhà đầu tư toàn cầu do NewView Capital dẫn đầu. Các quỹ sẽ giúp hỗ trợ các thương hiệu về sức khỏe tâm thần, quản lý cân nặng và bệnh tiểu đường trong danh mục sức khỏe số của công ty.

AI

APAC phát triển nhanh chóng cho các giải pháp AI hỗ trợ các công ty giảm chi phí, sai sót, gian lận và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu.

Nền tảng công nghệ giáo dục AI và học máy có trụ sở tại Ấn Độ Brightchamps dẫn đầu 10 startup hàng đầu của đất nước trong báo cáo năm 2022. Startup này cung cấp các lớp học eLearning về lập trình và toán học cho trẻ em và được định giá gần 500 triệu USD.

Được dẫn dắt bởi Premji Invest, vòng tài trợ cuối cùng của công ty vào năm 2021 đã huy động được 51 triệu USD, tài trợ cho kế hoạch mở rộng ra hơn 10 quốc gia tại 10 thị trường khác nhau. Đồng sáng lập Ravi Bhushan gần đây đã nói rằng công ty đang phát triển chỉ dựa vào số tiền huy động được từ khách hàng chứ không phải từ các nhà đầu tư.

Theo trang techcollective, với hơn 100 startup công nghệ APAC đang phát triển nhanh chóng và một loạt các ngành công nghiệp đang bùng nổ, không có gì lạ khi APAC được gọi là "động cơ tăng trưởng của thế giới". Những phát hiện trong báo cáo của KPMG củng cố thêm về việc tương lai của khu vực chắc chắn là theo định hướng công nghệ và Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực này./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, doanh nhân công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO