Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về tiến bộ chuyển đổi số

Hoàng Linh| 18/11/2021 08:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Trung tâm Châu Âu về Cạnh tranh số (ECDC) vừa công bố báo cáo Digital Riser Report 2021. Theo đó, Việt Nam xếp đầu bảng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về mức độ tiến bộ về chuyển đổi số (CĐS).

Chương trình CĐS quốc gia là"ngọn hải đăng" của quá trình CĐS Việt Nam

Báo cáo Digital Riser Report 2021 dựa trên dữ liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng thế giới (WB) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) để phân tích mức độ tiến bộ về CĐS của một quốc gia trong khoảng 03 năm. Có 02 nhóm chỉ số chính để đánh giá mức độ tiến bộ là hệ sinh thái (ecosystem) và tư duy (mindset).

Theo báo cáo, Việt Nam xếp đầu bảng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tăng 339 điểm, cao nhất trong cả 2 nhóm chỉ số ecosystem (+139) và nhóm mindset (+200), với mức điểm tăng khá xa so với nước đứng thứ 2 là Trung Quốc (211 điểm với chỉ số ecosystem là +81 và mindset là +130).

Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về tiến bộ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Việt Nam xếp đầu bảng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về mức độ tiến bộ CĐS (Nguồn: Digital Riser Report 2021)

Báo cáo cũng cung cấp các thực tiễn về sáng kiến, quy định và môi trường đầu tư liên quan tới CĐS của các nước có sự tiến bộ nằm trong top 3 các khu vực. Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam được cho là "ngọn hải đăng" của quá trình CĐS Việt Nam và mục tiêu kinh tế số đạt 30% GDP là khát vọng lớn của Việt Nam được ghi nhận trong báo cáo này.

Chương trình CĐS quốc gia của Việt Nam được đánh giá là nền tảng thúc đẩy triển khai các công nghệ và mô hình mới, các hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển một môi trường số an toàn, bảo mật và nhân văn.

Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về tiến bộ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Mô hình trạm quan trắc thời tiết thông minh metos phục vụ việc chăm sóc sự sinh trưởng và phát triển của cây chè Thái Nguyên (Ảnh: thainguyentv.vn)

Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam đạt được mức độ tiến bộ rõ rệt về CĐS thì Nhật Bản tụt lại đáng kể phía sau. Khi phân tích các kết quả ở khía cạnh hệ sinh thái và tư duy, Việt Nam đã cải thiện nhiều nhất ở cả hai khía cạnh này. Đáng ngạc nhiên là các quốc gia ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số như Singapore và Hàn Quốc chỉ được xếp hạng tương đối tốt, lần lượt chiếm vị trí 8 và 9.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy công nghệ số không chỉ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quốc gia vượt qua thời điểm thách thức. Các công nghệ số không chỉ hỗ trợ học tập và làm việc trực tuyến mà còn đáp ứng những hoạt động của các công ty và cơ quan nhà nước hiệu quả hơn bao giờ hết.

Các quốc gia tiến bộ về CĐS có các mục tiêu đầy tham vọng

Hầu hết các nước thành công về mức độ tiến bộ CĐS đều có chung đặc điểm là có những mục tiêu đầy tham vọng. Trung Quốc đã thực hiện thúc đẩy toàn diện tinh thần khởi nghiệp và đổi mới. Việt Nam mong muốn nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030 và Hungary đã xác định mục tiêu trở thành 1 trong 10 quốc gia hàng đầu về công nghệ số ở châu Âu vào cuối thập kỷ này.

Ngoài ra, theo báo cáo, các nước đạt mức độ tiến bộ CĐS cũng có các chương trình mục tiêu và toàn diện với sự hỗ trợ ở cấp cao nhất, chẳng hạn như chương trình Made in China 2025 (Trung Quốc), Kế hoạch đổi mới và kỹ năng (Canada) và Chương trình CĐS (Việt Nam).

Các nước điển hình khác có mức độ CĐS tiến bộ có thể kể đến như Campuchia, quốc gia đã đầu tư đáng kể cho giáo dục số. Vào năm 2019, Campuchia này đã công bố kế hoạch tăng số lượng trường học theo chương trình Trường học thế hệ mới (New generation school programme), lên khoảng 150 trường.

Tương tự, Georgia đã ban hành Chiến lược thống nhất về giáo dục và khoa học cho giai đoạn 2017 - 2021, nhằm mục đích cuối cùng là hiện đại hóa khoa học, công nghệ và hệ thống đổi mới.

Có sự chênh lệch lớn về tốc độ CĐS giữa các quốc gia trên thế giới

Canada và Georgia nằm trong số những nước có sự gia tăng mức độ tiến bộ số hàng đầu trên toàn thế giới. Các chính sách cơ bản mà hai nước đã thực hiện trong ba năm qua cho thấy một sự thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện đối với CĐS. Cả hai quốc gia đều chứng minh rằng có thể tăng tốc độ CĐS.

Châu Âu là khu vực duy trì hai kiểu tốc độ CĐS. Trong năm 2020, Pháp đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong khả năng cạnh tranh số (tăng 28 bậc), trong khi Đức giảm khá đáng kể trong cùng khoảng thời gian (giảm 176 bậc). Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy rằng sự thay đổi có thể xảy ra nhanh chóng với các biện pháp phù hợp. Ví dụ, Italia đã cải thiện vị trí của mình từ vị trí cuối cùng vào năm 2020, lên vị trí thứ hai trong Nhóm G7 vào năm 2021.

Khi nhìn vào hai siêu cường kỹ thuật số là Hoa Kỳ và Trung Quốc, báo cáo phân tích cho thấy Trung Quốc đã tăng điểm về năng lực cạnh tranh số (+211 bậc), trong khi Hoa Kỳ giảm thế mạnh trong ba năm qua (-72 bậc). Trong khi sự suy giảm của Hoa Kỳ được là do khía cạnh hệ sinh thái, thì Trung Quốc lại tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở khía cạnh tư duy.

Các quốc gia điển hình về tinh thần khởi nghiệp

Báo cáo cũng tập trung đánh giá nội dung thu hút nhân tài quốc tế và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Một ví dụ điển hình là Tây Ban Nha khi quốc gia này đã ban hành Chiến lược khởi nghiệp quốc gia của Tây Ban Nha, bao gồm Đạo luật khởi nghiệp, ra mắt của Văn phòng khởi nghiệp Quốc gia, một chương trình quốc tế nhằm thu hút phụ nữ tài năng và một chương trình thị thực cho các chuyên gia nước ngoài.

Italia là điển hình tiếp theo khi quốc gia này đã ban hành Đạo luật khởi nghiệp của Italia (ISA), một khung pháp lý đáp ứng các chính sách thị thực thuận lợi và ưu đãi thuế, đã thúc đẩy hơn 10.000 công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đăng ký thành lập ở nước này tính đến năm 2019.

Trung Quốc cũng là quốc gia được báo cáo đánh giá cao về tinh thần khởi nghiệp khi đã tuyên bố tinh thần khởi nghiệp là một phần của giấc mơ Trung Hoa.

Báo cáo cũng đánh giá việc đầu tư vào đổi mới dựa trên công nghệ. Brazil là quốc gia đã thành lập Quỹ Thiên thần để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và các ý tưởng đổi mới, trong khi Campuchia thiết lập một sáng kiến chung với 500 công ty khởi nghiệp để hỗ trợ các doanh nhân trong việc xây dựng các công ty khởi nghiệp dựa trên công nghệ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về tiến bộ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO