Chuyển động ICT

Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi hợp tác chuyên sâu về ICT

Mai Phương 05/08/2023 17:30

Chiều ngày 04/8/2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm đã có phiên họp trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc Park Yun Kyu thảo luận về các cách thức, nhiệm vụ cần triển khai tiếp theo để có thể xúc tiến hoạt động hợp tác giữa 2 bên.

Tham dự phiên họp, về phía Bộ TT&TT Việt Nam có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Công nghiệp CNTT-TT (ICT), Cục Chuyển đổi số quốc gia, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT).

_y7a3013.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT tham dự phiên họp

Về phía Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc có đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp An toàn thông tin (ATTT), Cục Chính sách Dịch vụ viễn thông, Nhóm tuyên truyền, phổ biến về AI, Cục thúc đẩy dữ liệu, Cục Công nghiệp phần mềm, Cục Hợp tác châu Mỹ, châu Á, Cục Chính sách Công nghiệp ICT.

Chia sẻ tại phiên họp, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, sau chuyến thăm và làm việc của Thứ trưởng Park Yun Kyu với Bộ TT&TT hồi tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, trao đổi và làm sâu sắc hơn những đề xuất mà hai bên đã thảo luận và trên cơ sở đó có thể thảo luận kỹ hơn về các cách thức và các biện pháp, nhiệm vụ cần triển khai tiếp để có thể xúc tiến hoạt động hợp tác giữa hai bên.

_y7a3018.jpg
Thứ trưởng Phan Tâm trao đổi tại buổi làm việc

“Trong buổi làm việc này, Bộ TT&TT mong muốn hai bên sẽ xác định được các đầu mối chịu trách nhiệm để triển khai những nội dung cụ thể, cũng như chỉ rõ ra những nhiệm vụ cụ thể mà các đơn vị chuyên môn có liên quan thực hiện”, Thứ trưởng cho biết.

4 đề xuất của Hàn Quốc

Chia sẻ tại phiên họp, Thứ trưởng Park Yun Kyu đã đưa ra 4 nội dung đề xuất cụ thể để cả hai bên cùng trao đổi, thảo luận, từ đó đưa ra phương án hợp tác tích cực nhất.

thu-truong-park.jpg
Thứ trưởng Park Yun Kyu trao đổi về 4 nội dung hợp tác

Theo đó, về đề xuất của Hàn Quốc đối với cuộc thi AI, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Cục Công nghiệp CNTT-TT sẽ là đầu mối triển khai cụ thể. Hàn Quốc cần cung cấp thông tin rõ hơn để Bộ TT&TT tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam về cuộc thi, từ đó sẽ có thêm nhiều các DN đăng ký tham gia cuộc thi này.

Thứ trưởng cũng đề nghị phía Hàn Quốc cho biết rõ hơn về vai trò và nội dung tham gia của đại diện Bộ TT&TT, để Cục Công nghiệp CNTT-TT tham mưu cử đại diện phù hợp tham gia đóng góp tích cực tại cuộc thi diễn ra ở Jakarta, Indonesia.

Về hợp tác đào tạo tài năng CNTT, hai bên nên triển khai thí điểm thiết lập mô hình hợp tác hiệu quả giữa các trường Đại học (ĐH) ICT Việt Nam với đối tác Hàn Quốc, từ đó triển khai nhân rộng hơn.

Bộ TT&TT có PTIT có tiềm năng để phát triển nhiều tài năng về CNTT. PTIT cũng đã có hợp tác với một số trường ĐH Hàn Quốc, Tập đoàn ICT Hàn Quốc như LG, Samsung nhưng cần vươn đến trở thành trung tâm đào tạo tài năng. Đây là hướng đi nhưng cần xác định một khái niệm chung từ đó thiết lập mô hình đào tạo tài năng, mở rộng trên toàn Việt Nam và mở rộng sang các nước ASEAN.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh, về đào tạo tài năng, nên bắt đầu bằng bước đi nhỏ, sớm có kết quả để thuyết phục cộng đồng 2 nước hợp tác với nhau.

Đối với nội dung xây dựng dữ liệu và sử dụng trong hệ thống AI, Hàn Quốc hiện đang tiến hành xây dựng catalogue tiếng Anh cho khoảng 80 vạn dữ liệu và dự kiến sẽ gửi thông tin đến Bộ TT&TT vào giữa tháng 8. Sau khi nhận catalogue này, Bộ TT&TT sẽ tiến hành rà soát doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm để hai bên trao đổi, cũng như chỉ định đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Phan Tâm bày tỏ lòng cảm ơn đối với Hàn Quốc về việc chia sẻ bộ dữ liệu đào tạo AI. Đồng thời, hoàn toàn nhất trí với cách tiếp cận Hàn Quốc là hình thành bộ dữ liệu khác nhau, trên cơ sở đó, xác định nhu cầu của DN Việt Nam, sau đó Hàn Quốc xem xét chia sẻ trên tinh thần không chỉ cùng nhau phát triển AI, mà quan trọng là phát triển ứng dụng AI. Từ đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương, thương mại, đầu tư, ngoại giao nhân dân giữa hai nước.

Về nội dung giảm cước phí roaming, chia sẻ tại cuộc họp đại diện phía Hàn Quốc chia sẻ hai nước cần trao đổi để có thể hạ mức cước roaming phù hợp để thu hút khách du lịch.

bo-ict-han-quoc-04082023.jpg
Thứ trưởng Park Yun Kyu và đoàn công tác Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc

Hàn Quốc mong muốn Bộ TT&TT chỉ đạo để 3 nhà mạng Việt Nam có thể hợp tác thỏa thuận với 3 nhà mạng Hàn Quốc về cước roaming. Trong trường hợp cần thiết, 2 nước có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết vấn đề này và đảm bảo cả hai bên cùng có lợi.

Đối với nội dung này, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Bộ TT&TT ghi nhận đề nghị của Hàn Quốc, sẽ tổ chức họp với các nhà mạng Việt Nam để phân tích kỹ lưỡng việc giảm cước roaming theo hướng hai bên nghiên cứu cùng giảm.

Để chuẩn bị cho cuộc họp giữa các nhà mạng, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị nhà mạng Hàn Quốc cung cấp số liệu, xu hướng chung về lưu lượng trao đổi giữa hai nước trong thời gian qua, cũng như xu hướng về giảm cước roaming chung trong khu vực.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng hoan nghênh ý tưởng 2 Bộ cùng có chỉ đạo tới các nhà mạng hai nước nhằm tìm ra giải pháp giảm cước roaming.

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, để chuẩn bị cuộc họp như vậy, nhà mạng Hàn Quốc với kinh nghiệm, tiềm lực nghiên cứu kinh tế lớn hơn, có thể nghiên cứu pricing elasticity (độ co giãn của cầu theo giá) để xem mức giảm bao nhiêu có ý nghĩa với người tiêu dùng, giảm ở mức bao nhiêu không những tốt cho DN, mà kể cả khi thúc đẩy lưu lượng người sử dụng doanh thu vẫn bảo đảm. Các nhà mạng lớn như KT, SK, LG hoàn toàn có thể tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng để có thêm cơ sở thuyết phục các nhà mạng giảm cước roaming có ý nghĩa.

Đầu mối Việt Nam về cước chuyển vùng sẽ là Cục Viễn thông thực hiện. Ngay khi có thông tin bổ sung, đặc biệt là kết quả nghiên cứu của Hàn Quốc về pricing elasticity, Bộ TT&TT sẽ họp và chọn thời điểm tổ chức họp 4 bên nếu cần thiết.

Thứ trưởng Park Yun Kyu cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng Phan Tâm là nhà mạng Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, cũng như thực hiện một số nội dung yêu cầu mà Việt Nam đề xuất. “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra phương án hợp tác không ảnh hưởng đến doanh thu nhà mạng, đồng thời lại có thể giảm cước phí cho người sử dụng”, Thứ trưởng Park Yun Kyu chia sẻ.

Đối với đề xuất đơn giản hóa thủ tục cấp phép thiết bị bảo mật, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định, Bộ TT&TT luôn quán triệt tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ví dụ như, cấp phép nhập khẩu thiết bị an toàn thông tin, hiện nay, thủ tục này có thể thực hiện trực tuyến trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ với thời gian thực hiện là 5 ngày.

Bộ TT&&TT đề nghị Hàn Quốc phối hợp triển khai các đề xuất hợp tác

Tại cuộc họp trước đó giữa hai bên, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra các đề xuất phối hợp triển khai hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể.

_y7a3025.jpg
Bộ TT&TT trao đổi các nội dung hợp tác với Hàn Quốc

Đối với nội dung đề nghị các công ty ICT Hàn Quốc tham gia vào quá trình thiết lập cơ sở dữ liệu (CSDL) của các công ty ICT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc Park Yun Kyu hoan nghênh hợp tác này và mong muốn có thêm thông tin về DN ICT của Việt Nam. Sau khi nhận tài liệu của Việt Nam, Hàn Quốc sẽ chia sẻ với DN liên quan để thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các DN hai nước.

Về CSDL của DN, kinh nghiệm vận hành, Hàn Quốc thu thập dữ liệu, đảm bảo dữ liệu đầy đủ và cập nhật, cách khai thác giá trị từ CSDL đem lại lợi ích cho DN tham gia vào CSDL này.

Trong khi đó, về đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục xem xét việc tư vấn, chuyển giao hệ thống chứng nhận phần mềm cho Việt Nam (GS certification system), Thứ trưởng Phan Tâm nhất trí nếu chưa bố trí được kinh phí, thì bắt đầu bằng đào tạo nhân lực đánh giá phần mềm ứng dụng.

Đề xuất cuối cùng là tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Học viện PTIT và các trường đại học ICT của Hàn Quốc.

Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ, Bộ trưởng Bộ TT&TT rất ấn tượng với chỉ số số lượng sinh viên Đại học, đặc biệt sinh viên ICT/1.000 dân của Hàn Quốc. Điều này có được là do Hàn Quốc có rất nhiều Đại học số.

Theo đó, Việt Nam rất mong muốn học hỏi kinh nghiệm triển khai đại học số của Hàn Quốc trong trên 2 khía cạnh: Tạo cơ sở pháp lý cho đại học vận hành, có giá trị ngang Đại học truyền thống; Giải pháp công nghệ để chuyển việc học truyền thống lên môi trường số.

“Đề nghị Hàn Quốc quan tâm chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam phát triển đại học số, qua đó có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, dồi dào, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn CNTT Hàn Quốc lớn đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, LG”, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị.

Đối với đề xuất này, Thứ trưởng Hàn Quốc Park Yun Kyu đã cam kết sẽ nắm bắt và chia sẻ những kinh nghiệm với Việt Nam trong việc triển khai đại học số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi hợp tác chuyên sâu về ICT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO