Việt Nam hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất ASEAN

Hoàng Linh| 16/12/2022 17:21
Theo dõi ICTVietnam trên

ASEAN và Việt Nam hướng tới hạ tầng số phát triển mạnh mẽ, đáp ứng phát triển kinh tế số là nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo "Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn cho phát triển cơ sở hạ tầng số tại ASEAN" ngày 16/12.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện của 6 nước thành viên ASEAN bao gồm: Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Việt Nam và đại diện của Ban thư ký ASEAN; các chuyên gia quốc tế từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào,… cũng như đại diện các đơn vị Bộ TT&TT, các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VTC,…

Hiện đại hóa hạ tầng số ASEAN

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số Bộ TT&TT cho biết: Là một trong những khu vực đông dân và đa dạng nhất trên thế giới, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trở thành top 5 nền kinh tế số hàng đầu vào năm 2025. Tham vọng số của ASEAN đã được đưa ra trong Kế hoạch tổng thể số ASEAN 2025 (ADM2025), thúc đẩy "ASEAN trở thành một cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế hàng đầu, được hỗ trợ bởi các dịch vụ, công nghệ và hệ sinh thái số an toàn và chuyển đổi".

Việt Nam hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất ASEAN - Ảnh 1.

Ông Trần Minh Tuấn: nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tốt nhất cho phát triển cơ sở hạ tầng số trong ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng

Như đã đề cập rõ trong ADM2025, việc đạt được tầm nhìn của ADM2025 sẽ yêu cầu cơ sở hạ tầng số rộng khắp và chất lượng cao. ASEAN công nhận vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng số đối với sự phát triển CNTT-TT của các quốc gia thành viên (AMS). Do đó, ASEAN đã thực hiện các bước để biến cơ sở hạ tầng số vừa là động lực vừa là kết quả của các sáng kiến hợp tác nâng cao.

Mặc dù ASEAN đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng số, nhưng ông Trần Minh Tuấn cho biết nhiều quốc gia ASEAN gặp khó khăn trong việc triển khai các biện pháp thúc đẩy cũng như tận dụng các lợi thế và lợi ích của mình.

"Điều ASEAN cần là một hướng dẫn thực tiễn duy nhất để phát triển cơ sở hạ tầng số trong ASEAN cung cấp hướng dẫn cho các quốc gia thành viên hợp lý hóa, hiện đại hóa và hài hòa hóa các chính sách và quy định của họ", ông Tuấn nhấn mạnh.

Các hướng dẫn tốt nhất nên xác định các nguyên tắc hướng dẫn chung, được hỗ trợ bởi các quy trình và kết quả minh bạch. Do đó, việc nghiên cứu để xây dựng hướng dẫn tốt nhất cho phát triển cơ sở hạ tầng số trong ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng cho khu vực năng động, kết nối và đổi mới hơn mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự định tạo ra.

Hội thảo này là một phần của Dự án Hợp tác ASEAN, với mục đích tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, chuyên gia CNTT-TT từ các quốc gia thành viên ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các hướng dẫn khu vực về phát triển cơ sở hạ tầng số trong ASEAN.

Mục tiêu chính của hội thảo là: (i) rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng số tại các nước ASEAN; (ii) xây dựng các hướng dẫn thực hành tốt nhất để phát triển cơ sở hạ tầng số ở các nước ASEAN và (iii) cung cấp một nền tảng chung để đại diện của các nước thành viên ASEAN cân nhắc các hướng dẫn và thực tiễn tốt nhất để phát triển cơ sở hạ tầng số.

Việt Nam hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất ASEAN - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất trong ASEAN

Theo Viện chiến lược TT&TT, cơ sở hạ tầng số đóng vai trò là nền tảng cho những sáng tạo "Công nghiệp 4.0", các hoạt động số gia tăng giá trị và cải tiến năng suất đáng kể. Hạ tầng truyền tải đường trục (5G, cáp quang) sẽ hỗ trợ các hoạt động trong nước và quốc tế. Đối với các thị trường mới nổi, kết nối là ưu tiên hàng đầu. Một khi cơ sở hạ tầng kết nối đang hình thành, hạ tầng trung tâm dữ liệu trong nước được thiết lập để hỗ trợ triển khai dịch vụ số và sự phát triển hệ sinh thái số địa phương.

Có 3 xu hướng hạ tầng số ở ASEAN là: nâng cao chất lượng và khả năng kết nối trong toàn ASEAN; tăng chất lượng và vùng phủ sóng của hạ tầng băng rộng cố định và di động; các dịch vụ và ứng dụng đang thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng.

Cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh sẽ là trung tâm của bất kỳ quá trình chuyển đổi số (CĐS) nào. Để thúc đẩy CĐS, cơ sở hạ tầng viễn thông trong ASEAN phải được nâng cấp lên tốc độ dữ liệu cao hơn, có khả năng phục hồi một cách kịp thời, tiết kiệm chi phí và mở rộng đến các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, theo Viện Chiến lược TT&TT, kết nối và cơ sở hạ tầng giao thông đã được phát triển, nhưng không đồng đều; cơ sở hạ tầng dữ liệu của ASEAN đang phát triển nhanh chóng, nhưng năng lực vẫn thua kém các khu vực phát triển; khi tốc độ tăng trưởng của điện thoại thông minh chậm lại, thiết bị đầu cuối và thiết bị sẽ bị thống trị bởi IoT.

Khu vực ASEAN có tỷ lệ sử dụng Internet trung bình khoảng đạt 70%. Brunei đạt tỷ lệ kết nối Internet cao nhất với 95% và Myanmar có tỷ lệ kết nối Internet thấp nhất là 43,3%. Nhìn chung, 460 triệu người dùng được kết nối của khu vực chỉ chiếm dưới 10% người dùng Internet toàn cầu và nhiều công ty công nghệ toàn cầu coi khu vực này là một thị trường tăng trưởng.

Theo đó, khuyến nghị cho khu vực là thúc đẩy hạ tầng đám mây, trung tâm dữ liệu, cắt giảm thủ tục và cùng đầu tư cho xây dựng cáp quang biển, tăng đầu tư cho hạ tầng số.

Việt Nam hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất ASEAN - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên hội thảo

Theo ông Vũ Ngọc Dương, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, hiện 73,2% dân số Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày, đứng thứ 13 toàn cầu. Hạ tầng băng rộng di động phủ tới 99,73% thôn, bản trên toàn quốc; cáp quang đã đến tất cả các xã, phường, thị trấn, 91% số thôn và tất cả các trường học; 94,2 triệu thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trong khi có hơn 82,2 triệu thuê bao băng rộng di động.

"Kể từ khi có Internet cách đây 25 năm, Việt Nam đã trở thành một cường quốc viễn thông, đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới", ông Dương nhấn mạnh.

Chia sẻ về định hướng phát triển hạ tầng số, đại diện Cục Viễn thông cho biết: "Đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất trong ASEAN". Theo đó, hạ tầng cáp quang sẽ được triển khai đến hơn 80% các hộ gia đình, 100% các làng xã. Đến năm 2030, dịch vụ di động 5G sẽ phủ sóng toàn quốc, giúp mọi người có thể truy cập dịch vụ Internet băng thông rộng với chi phí thấp.

Để đạt các mục tiêu này, các nhiệm vụ chủ yếu là thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng băng thông rộng cố định tốc độ cao thông qua thúc đẩy và khuyến khích hợp tác công tư để huy động nguồn lực từ các DN trong khu vực; khu vực tư nhân phục vụ phát triển hạ tầng theo nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Lĩnh vực cũng đẩy mạnh đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng mạng băng rộng di động chất lượng cao (5G và các thế hệ tiếp theo) trên toàn quốc: xây dựng và triển khai cấp phép mạng băng rộng di động chất lượng cao (5G và các thế hệ tiếp theo) với các chính sách ưu tiên dùng chung hạ tầng mạng vô tuyến, roaming giữa các DN để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sớm bao phủ 100% dân số; xây dựng lộ trình dừng các công nghệ không còn phù hợp để sử dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ mới (4G, 5G và thế hệ tiếp theo) nhằm giảm chi phí vận hành cho các nhà mạng, góp phần phổ cập dịch vụ băng rộng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến nhất ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO