Việt Nam kêu gọi các nước xóa bỏ rào cản, định kiến đối với nữ giới trong gìn giữ, xây dựng hòa bình

PV| 03/11/2020 21:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nước cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, phòng ngừa xung đột, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hòa bình, khôi phục và tái thiết sau xung đột. Các nước cần đảm bảo phụ nữ được tham gia bình đẳng ngay từ đầu trong mọi tiến trình hòa bình và chính trị.

Đó là phát biểu nhấn mạnh của Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Đặng Đình Quý, tại cuộc thảo luận mở trực tuyến về chương trình nghị sự "Phụ nữ, hòa bình, an ninh" (WPS) dưới sự chủ trì của Nga (Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng 10/2020), do Hội đồng Bảo an LHQ vừa tổ chức.

Phiên thảo luận với mục đích nhằm chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp, thành tựu, cũng như thách thức trong thực hiện chương trình nghị sự này nói chung và thực hiện Nghị quyết 1325 nói riêng trong 20 năm qua.

Với tư cách, đại diện, dẫn đầu đoàn Việt Nam dự phiên thảo luận, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý, nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh những tiến bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 1325 và các nghị quyết liên quan, kêu gọi các nước xóa bỏ rào cản và định kiến đối với phụ nữ trong gìn giữ và xây dựng hòa bình.

Cũng theo Đại sứ Quý, các nước cần tích cực thực hiện, ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Gutteres về ngừng bắn toàn cầu và chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở mọi nơi trên thế giới; tạo điều kiện thuận lợi cho hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Nhân dịp này, Đại sứ Quý khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của phụ nữ và dẫn chứng các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục cung cấp tối thiểu 15% vốn ODA cho các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác và sự điều phối hiệu quả của LHQ.

Việt Nam kêu gọi các nước xóa bỏ rào cản và định kiến đối với phụ nữ trong gìn giữ và xây dựng hòa bình - Ảnh 1.

Các nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. - Ảnh minh họa Internet.

Đồng tình với quan điểm của Việt Nam, các nước thành viên Hội đồng bảo an nhất trí cho rằng Nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do đó nhiều nước thống nhất nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện các trụ cột của chương trình nghị sự liên quan đến nghị quyết này ở cấp quốc gia và khu vực; đồng thời kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho phụ nữ và trẻ em gái ở các nước chịu ảnh hưởng của xung đột.

Ngoài ra, các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, tăng cường đào tạo chống bạo lực tình dục cho các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền và hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.

Cũng tại cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Gutteres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới phụ nữ và trẻ em, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của phụ nữ, theo ông Gutteres, hiện nay phụ nữ chiếm tỷ lệ lãnh đạo 7% ở các nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong các đoàn đàm phán còn thấp, trong khi chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu là 1,9 nghìn tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

"Việc cắt giảm quân sự hóa, thúc đẩy phát triển bao trùm, bình đẳng và ngăn ngừa xung đột luôn là điều cần thiết. Các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần coi bình đẳng giới là biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin và gắn kết xã hội", Tổng Thư ký LHQ Antonio Gutteres nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức
    Nền kinh tế số Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ mức độ số hoá, thâm nhập và sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2016, số người dùng Internet trong khu vực đã tăng gấp đôi ở 6 quốc gia lớn nhất: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam kêu gọi các nước xóa bỏ rào cản, định kiến đối với nữ giới trong gìn giữ, xây dựng hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO