Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất

Xuân Tuấn| 28/12/2020 11:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa”.

Sáng nay (28/12), Hội nghị Chính phủ với các địa phương chính thức khai mạc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành trung ương đã dự Hội nghị.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nền kinh tế đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước. Đây là sự kiện không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn nhìn lại cả 4 năm trước đó.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Sau 5 năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố. Đất nước ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.

Riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn là quốc gia duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh.

"Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam".

Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp (DN), chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào.

Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên...

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông ta đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp chúng ta đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.

"Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa".

Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân

Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng. Ở trong nước, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Tinh thần chung trong chỉ đạo điều hành là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, Chính phủ chú trọng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai linh hoạt, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, nhân văn, tốt đẹp.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN và nhân dân cả nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Những thành tựu quan trọng

Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Trong khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất - Ảnh 3.

Chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD).

Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia có bước phát triển. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020…

Cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; kinh tế hợp tác và DN nông nghiệp phát triển mạnh; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến nay đã có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%); xuất khẩu nông sản năm 2020 ước đạt trên 41 tỷ USD.

Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính sách đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện, đời sống người có công được nâng lên; đến nay có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020.

Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 75% năm 2015 lên 90,85% năm 2020.

Giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai đổi mới căn bản, toàn diện; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên. Trong bối cảnh dịch Covid-19, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực; các giá trị tốt đẹp của dân tộc được phát huy.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội nghị.

Các chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long) được thực hiện hiệu quả. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tập trung thực hiện. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đi vào nền nếp, chất lượng giải quyết hồ sơ có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trên 97%.

Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi; các mô hình kinh doanh mới và phong trào đổi mới, sáng tạo được đẩy mạnh. Mỗi năm có trên 100 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng k bình quân tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015…

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững chắc.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng; ký kết và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do. Đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam được khẳng định và nâng cao.

"Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính trị - xã hội ổn định, vị thế uy tín quốc tế cao. Việt Nam được đánh giá là quốc gia nhiều tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, cơ cấu dân số vàng; không gian phát triển rộng mở với 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO