Việt Nam nằm trong top các quốc gia có giá cước Internet di động rẻ nhất thế giới

TH| 03/03/2022 12:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Giá cước Internet di động trung bình tại Việt Nam cho 1 GB dữ liệu hiện ở mức thấp so với thế giới, chỉ là 0,57 USD. Với việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ 6G trong năm 2022, các chuyên gia tin rằng mạng 6G sẽ tạo ra những chuyển đổi lớn cho đất nước

Thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam có hơn 18,8 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định. Tại thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 71 triệu thuê bao băng rộng di động, với 89,81% là thuê bao trả trước và 10,19% là thuê bao trả sau.

Theo số liệu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), giá cước Internet cố định/bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam ở mức thấp, bằng khoảng 41% mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, giá cước Internet di động/bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam ở mức rất thấp, bằng 1/3 so với mức trung bình của thế giới.

Theo thống kê tại 155 quốc gia về giá cước truy cập Internet di động trung bình cho 1GB dữ liệu, Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất, xếp thứ 10 với 0,57 USD (khoảng 13.300 đồng)/GB. Tính theo giá trị trung bình, tốc độ download/upload của Việt Nam đạt 78,34/69,41 Mbps, xếp hạng 59/138 quốc gia. Thông số này được đánh giá xếp ở mức độ khá, so với mức trung bình của thế giới là 113/62 Mbps.

Mức độ tăng trưởng tốc độ Internet băng rộng cố định trung bình của Việt Nam trong 12 tháng qua đạt 50%, tăng từ 42,07 Mbps lên thành 64,67 Mbps.

Về với tốc độ Internet di động, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xếp hạng cao hơn Philippines (thứ 67) và Malaysia (thứ 77) nhưng thấp hơn Thái Lan (thứ 36) và Singapore (thứ 18).

Trong năm 2021, thuê bao mạng 4G chiếm 89,42% tổng thuê bao, thuê bao 3G chiếm 10,05% và thuê bao 5G chiếm 0,54%. Dự kiến, cơ sở hạ tầng Internet tại Việt Nam sẽ được đầu tư đáng kể trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng. Chính phủ cũng có kế hoạch tập trung vào việc nâng cấp băng thông và dung lượng của các thiết bị modem, mở rộng băng thông trong nước và quốc tế cũng như sửa đổi các tiêu chuẩn Internet.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng băng rộng. Trong năm 2022, Việt Nam sẽ tập trung vào công nghệ 6G. Ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam.

Nghiên cứu đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, phát triển tiêu chuẩn công nghệ thông tin di động 6G trên cơ sở hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ thông tin di động 6G của doanh nghiệp Việt Nam.

Ban chỉ đạo sẽ theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới; kết hợp nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 6G, lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.

Các chuyên gia tin rằng mạng 6G sẽ tạo ra những chuyển đổi lớn cho đất nước. Mặc dù tốc độ của mạng 5G có thể đạt 20 Gbps nhưng mạng 6G có thể nâng tốc độ lên terabit trên giây. Các quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Phần Lan hiện đã tham gia vào cuộc đua phát triển mạng 6G./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nằm trong top các quốc gia có giá cước Internet di động rẻ nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO