Truyền thông

Việt Nam phấn đấu phát triển nền công nghiệp Dược đạt cấp độ 4

P.V 21:59 19/10/2023

Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ huy động nhiều nguồn lực, triển khai các giải pháp để trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; phấn đấu phát triển nền công nghiệp Dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

xu-huong-du-lieu-hoa-ca-nhan-dung-dang-sau-thanh-cong-cua-cac-cong-ty-duoc-pham-duoc-1-1554344021-187-width660height430.jpg
Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường.

Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2 - 5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.

Chiến lược phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số ngành Dược; số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật vào Ngân hàng dữ liệu ngành Dược; 100% cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc trên toàn quốc được kết nối liên thông; đảm bảo duy trì hoạt động 100% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành Dược.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật; quy hoạch; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành Dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; hợp tác quốc tế; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phấn đấu phát triển nền công nghiệp Dược đạt cấp độ 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO