Việt Nam sẽ là quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng

PV| 04/04/2022 09:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, mọi mặt của xã hội sẽ thay đổi. Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ rất khác so với hiện tại, vì khi đó cuộc sống số sẽ song hành với cuộc sống thực tại.

Việt Nam sẽ là quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng - Ảnh 1.

Các khung pháp lý rõ ràng với mục tiêu cụ thể đã được triển khai trong dịch vụ công sẽ giúp tất cả giao dịch trên môi trường số có bước chuyển mạnh, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số.

Đây là nhận định của nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn về triển vọng của Việt Nam trong 5-10 năm tới dưới tác động của chuyển đổi số.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, trong 1 năm qua, nhiều nội dung triển khai chuyển đổi số ở nước ta đã có những bước tiến rất quan trọng. Trong đó, nổi bật là hành lang pháp lý để thực hiện chuyển đổi số đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành. Từ nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nền tảng cổng dịch vụ công đến nền tảng cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành các nghị định liên quan trong năm 2021. Các khung pháp lý đều rõ ràng với mục tiêu cụ thể đã được triển khai trong dịch vụ công. Điều này giúp tất cả giao dịch trên môi trường số có bước chuyển mạnh, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quyết định 06/QĐ-TTg về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là tới giai đoạn 2023-2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; Không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Kết hợp với sự bùng nổ trong thanh toán online thời gian qua, ông Huỳnh Quang Liêm khẳng định đó là những mảnh ghép quan trọng giúp chúng ta hướng tới chuyển đổi số một cách thực chất nhất trong những năm tới. Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho rằng hoàn toàn có căn cứ để tin tưởng và hình dung trong 5-10 năm tới, dưới tác động của chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý và dữ liệu. Khi đó, toàn bộ hoạt động của người dân trong giao dịch với chính quyền đều thực hiện trên môi trường số. Đặc biệt, những yêu cầu của người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, nhanh gọn hơn nhiều so với hiện nay. Chính quyền cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Ngay bây giờ, người dân đã gọi xe qua ứng dụng (app) thay vì đi xe ôm; Mua bán hàng hoá qua các trang thương mại điện tử, thậm chí giao dịch online thay vì trực tiếp đến chợ… Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước trong thời gian tới.

Khu vực khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp cũng phát triển mạnh với một số công ty khởi nghiệp phát triển thành công ty kỳ lân - các công ty khởi nghiệp đã mở rộng quy mô và trở thành các tổ chức quốc tế có giá trị hơn 1 tỷ USD. Công nghệ cũng phát triển, các hệ thống cơ khí bị bỏ qua để chuyển sang hệ thống tự động hoàn toàn; Tiền tệ số như cashless money, digital money sẽ lên ngôi; Thành phố thông minh với nhiên liệu sạch, phương tiện tự động, giám sát quản lý giao thông hiện đại… trở thành hiện thực sinh động.

Thuật ngữ "chuyển đổi số" đã xuất hiện phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây, tuy nhiên lại không có một định nghĩa chung chính xác nào về thuật ngữ này. Theo các chuyên gia công nghệ, hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số (Digital Transformation) là ứng dụng công nghệ số để thay đổi, chuyển đổi cách làm truyền thống. Nói cách khác là tích hợp các giải pháp số vào cốt lõi của một tổ chức (Doanh nghiệp, cơ quan…) để thay đổi sâu sắc cách hoạt động của tổ chức đó bằng cách tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng tốt hơn và văn hóa tổ chức hiện đại.

Chính phủ chuyển đổi số bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi cách quản lý và phụng sự nhân dân ngày một tốt hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số bằng cách ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức kinh doanh, giúp trải nghiệm khách hàng ngày một tốt hơn. Người dân chuyển đổi số bằng cách ứng dụng các công cụ công nghệ số để có cuộc sống tiện lợi hơn, tốt hơn, phong phú hơn. Chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, sẽ giải quyết những bức xúc do cách vận hành truyền thống mang lại. Mỗi người dân đóng vai trò then chốt khi tham gia quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, thông qua những thay đổi thói quen, sinh sống, làm việc và giao dịch trong xã hội.

Doanh nghiệp có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, dù lớn, dù nhỏ, cần hợp lực để cùng phát triển hệ thống hạ tầng số và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề có giải pháp chuyển đổi số phục vụ kinh doanh trong tất cả các ngành nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí. Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ là quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO