Việt Nam sẽ trở thành Digital Hub khu vực vào năm 2030?

Ánh Dương| 11/10/2021 07:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu xét về các điều kiện cần, Việt Nam có một số lợi thế chiến lược phù hợp về mặt không gian lãnh thổ địa lý để trở thành trung tâm số (digital hub) khu vực.

Một trong những mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu (TTDL) đó là thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia xây dựng thêm các TTDL quốc tế tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực...

Bức tranh thị trường TTDL Việt Nam

Thị trường TTDL Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh do nhu cầu phát triển công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) và sự chuyển dịch dữ liệu của các doanh nghiệp (DN) sang nền tảng đám mây.

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Research And Markets, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường TTDL mới nổi của thế giới.

Thị trường TTDL Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép trên 14,64% cho đến năm 2026. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi các dự án và sáng kiến của Chính phủ.

Việt Nam sẽ trở thành Digital Hub khu vực vào năm 2030? - Ảnh 1.

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường TTDL mới nổi của thế giới. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 27 TTDL do 11 DN trong nước đầu tư với hơn 113.120 máy chủ, tổng diện tích mặt sàn là 173.619m2 với tổng công suất 15MW, đang cung cấp cho hơn 26.500 khách hàng và có khả năng lưu trữ 60.000 TB dữ liệu.

Hiện nay, các TTDL tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, top 5 đơn vị cho thuê hạ tầng TTDL gồm VNPT, Viettel IDC, FPT, CMC và Hanoi Telecom.

Các TTDL giúp cho các đơn vị, DN, tổ chức cá nhân có thể tiết kiệm chi phí khi hoạt động trên môi trường đám mây, giúp các đơn vị CĐS nhanh, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh công công nghệ số phát triển mạnh mẽ, công cuộc CĐS được đẩy mạnh, bảo vệ dữ liệu đang trở thành một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam. Các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu, cộng với nhu cầu về tốc độ xử lý tốt hơn để hỗ trợ người dùng Việt Nam là những động lực chính, được dự đoán sẽ tăng đáng kể nhu cầu về TTDL tại Việt Nam.

Thị trường TTDL Việt Nam cũng được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch dữ liệu của DN sang nền tảng đám mây. Điều này dẫn đến sự gia tăng trong việc áp dụng các giải pháp lưu trữ dữ liệu, do đó sẽ có những tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường.

Ngoài ra, việc áp dụng ngày càng nhiều các giải pháp dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và các giải pháp dựa trên đám mây... dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Với xu hướng và tiềm năng phát triển đó, dự thảo quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bộ TT&TT đưa ra cũng đã nhấn mạnh tới yêu cầu, định hướng phát triển TTDL.

Theo đó, Chính phủ muốn xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, với tinh thần "đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam". Hình thành hệ thống TTDL quốc tế, quốc gia, các TTDL vùng và TTDL điện toán biên kết nối đồng bộ và thống nhất nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.

Dự thảo Quy hoạch nêu yêu cầu phát triển đến năm 2025, sẽ có khoảng 70% dịch vụ TTDL chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM); Hình thành từ 3 - 6 TTDL quốc gia dự phòng lẫn nhau phục vụ lưu trữ, xử lý và dự phòng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương.

TTDL quốc gia ưu tiên đặt tại những nơi có quy mô người dùng lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng; các hành lang kinh tế vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có nguồn năng lượng dự trữ, khí hậu lạnh, nguồn nhân lực CNTT và giao thông thuận lợi. Một Trung tâm giám sát thông minh các TTDL tích hợp sẽ nằm trong Trung tâm giám sát quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT).

Các TTDL của Việt Nam cũng sẽ cung cấp dịch vụ ra quốc tế. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đặt mục tiêu thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đầu tư tối thiểu 01 TTDL quốc tế ưu tiên đặt tại các trung tâm tài chính của Việt Nam… Mục tiêu đến năm 2030 là thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia xây dựng thêm các TTDL quốc tế tại Việt Nam.

Trên thực tế, vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam đóng vai trò quyết định đến sự thành công của CPĐT, nền kinh tế số, hay nói cách khác Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 hay không, để đất nước phát triển dựa trên công nghệ cao phát triển thành trung tâm số thì điều kiện tiên quyết chính là hạ tầng số.

Việt Nam sẽ trở thành Digital Hub khu vực vào năm 2030? - Ảnh 2.

Việt Nam tham vọng trở thành digital hub khu vực vào năm 2030

Dự thảo quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030 được Bộ TT&TT xây dựng đã đặt ra yêu cầu phát triển đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành digital hub của khu vực.

Đối với định hướng phát triển digital hub, dự thảo nêu rõ sẽ hình thành và phát triển hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối khu vực "digital hub" - nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới với yêu cầu phát triển đến năm 2025 là hình thành tối thiểu 01 TTDL phục vụ mục tiêu trung tâm cho khu vực và quốc tế; đến năm 2030, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của digital hub.

Thực tế, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như vị trí địa lý của Việt Nam. Nếu chiến lược này có thể thực hiện được, vị thế của ngành CNTT Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nhiều.

Tuy nhiên, để trở thành trung tâm số của khu vực, theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam cần phải đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy và giá cả phải chăng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đáp ứng được các tiêu chí hạ tầng pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân hoàn thiện; sự sẵn sàng và tiềm năng phát triển nền kinh tế Internet; và sự liên kết, hợp tác quốc tế...

Nếu xét về các điều kiện cần, theo Bộ TT&TT, Việt Nam có một số lợi thế chiến lược phù hợp về mặt không gian lãnh thổ địa lý để trở thành trung tâm số khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gần các trung tâm phát triển lớn và năng động trong khu vực và trên thế giới, nơi có nhiều nền kinh tế đóng vai trò là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới; Việt Nam nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm nối liền tuyến đường cao tốc châu Á, phát triển giao thương đường bộ giữa các nước khu vực châu Á và châu Âu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trên trục chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp; Việt Nam có chiều dài bờ biển dài, có nhiều khu vực xây dựng cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu, cho phép Việt Nam đóng một vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam có điều kiện vị trí thuận lợi để đầu tư phát triển các tuyến cáp quang biển để mở rộng kết nối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, để kinh tế số Việt Nam phát triển, đưa đất nước vươn lên thành một trung tâm số của khu vực, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào các yếu tố mang tính chất nền móng như con người, thể chế, công nghệ và dữ liệu. Những yếu tố mang tính đột phá bao gồm: tăng khả năng kết nối, xây dựng khung chính sách pháp lý cập nhật, bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới và khu vực, tăng cường năng lực bảo vệ an toàn, an ninh mạng, nhất là bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh hiện nay.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện có 3 trung tâm số chính là Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, trong đó xét trên sự ủng hộ về chính sách cấp quốc gia, độ mở và đa dạng kết nối thì Singapore và Hồng Kông đang được đánh giá cao nhất.

Singapore được xếp hạng nhất châu Á về hạ tầng số, top đầu về số lượng cáp biển kết nối quốc tế với 23 tuyến cáp (8 tuyến cáp đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành chậm nhất vào năm 2024), 7 trạm cập bờ, tốc độ kết nối băng rộng nhanh nhất thế giới với độ trễ kết nối thấp nhất, 159% dân số sử dụng điện thoại di dộng và trên 50% năng lực TTDL khu vực Đông Nam Á được lưu trữ tại Singapore. Bên cạnh đó, Singapore cũng đã ký một loạt các thỏa thuận thương mại số (như thỏa thuận với Úc, Chile, New Zealand…) để nuôi dưỡng hệ sinh thái số và thúc đẩy kinh tế số.

Hay như Hồng Kông - một trung tâm số khác trong khu vực có một nền kinh tế số được xếp vào top hàng đầu thế giới, liên tục đạt thứ hạng hàng đầu về mức độ sẵn sàng kỹ thuật số và khả năng truy cập Internet. Hồng Kông có tổng cộng 8 trạm cập bờ, 11 tuyến cáp quang biển đang hoạt động (02 tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2022), 20 tuyến cáp quang nội địa, 11 vệ tinh để kết nối Hồng Kông với thế giới. Tỷ lệ hộ gia đình kết nối băng rộng là 95,2%, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động đạt 289,3% (thuộc nhóm các nước cao nhất thế giới). Hiện Hồng Kông có khoảng 21 nhà cung cấp dịch vụ TTDL với 42 TTDL lớn, 13 trung tâm IX, 28 điểm cloud và 9 trung tâm phục hồi thảm họa.

Ngoài các quốc gia kể trên, trung tâm số cũng được rất nhiều nước hướng đến và thúc đẩy trong nhiều năm qua. Do đó, để trở thành trung tâm số của khu vực ngoài việc hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số quốc gia khác đặc biệt là Thái Lan, Malaysia trong cuộc đua giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực sau Singapore, Hồng Kông.

Rõ ràng đây đều là những quốc gia cũng có tiềm lực lớn để cạnh tranh với Việt Nam trong tham vọng trở thành trung tâm số của khu vực. Thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng số cũng như tận dụng được tối đa lợi thế của mình để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

Chia sẻ về tiềm năng trở thành trung tâm số của khu vực với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: "Khi xem xét các yếu tố chính quyết định tới việc trở thành trung tâm số, các chuyên gia quốc tế cũng như Tập đoàn Công nghệ CMC đánh giá và tin tưởng Việt Nam hội tụ các điều kiện cần và đủ như: Vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, Data Center trung lập quy mô lớn, thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu…".

Tham vọng trở thành trung tâm số khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc gia và nền kinh tế của đất nước, đặc biệt trong thời đại nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam - Khẳng định thương hiệu quốc gia
    Trên hành trình dài của mình, thương hiệu Bưu điện Việt Nam (BĐVN) khẳng định vai trò là một doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bưu chính, trở thành biểu tượng tin cậy của khách hàng, người dân và xã hội và được sự công nhận của Chính phủ và chính quyền các cấp.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
  • Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
    Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ trở thành Digital Hub khu vực vào năm 2030?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO