Việt Nam tích cực đánh giá phổ tần 6 GHz mang lại lợi ích cho người dùng

Hoàng Linh| 08/11/2022 21:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam là một trong số các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tích cực đánh giá phổ tần số 6 GHz và xem xét các phương án để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này với mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất cho người dùng.

Tiếp nối sự thành công của hội thảo về "Kết nối băng rộng WiFi trên băng tần 6 GHz" được tổ chức trực tuyến tháng 07/2022, Hội thảo "Kết nối băng rộng không dây trên băng tần 6 GHz" đã được tổ chức ngày 08/11/2022 tại Hà Nội. Đây là cơ hội để các chuyên gia về kết nối WiFi băng rộng trực tiếp gặp gỡ để tiếp tục thảo luận và lắng nghe chia sẻ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cũng như đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng nghiên cứu và tiếp cận hài hòa băng tần 6 GHz trong tương lai.

Ông Lê Thái Hoà, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ TT&TT cho biết: chuyển đổi số (CĐS) là một hành trình đặc biệt trong quá trình phát triển của thế giới hôm nay, là cuộc chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới kỹ thuật số, đây là cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức đối với tất cả chúng ta. Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra các mục tiêu và chủ trương, định hướng lớn cho quá trình CĐS quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ nhận định một trong những giải pháp đột phá để tăng tốc CĐS quốc gia là làm chủ, xây dựng hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, xã hội. Kết nối băng rộng bao gồm vô tuyến băng rộng đóng vai trò quan trọng để có thể chuyển sang môi trường số một cách thuận lợi.

"Kết nối băng rộng vẫn luôn là chủ đề chính của lĩnh vực công nghệ số và hiện nay thế giới đang hướng sự chú ý của mình vào việc khai thác băng tần 6 GHz để cung cấp kết nối băng rộng không dây tới người dân và tới các ngành công nghiệp một cách hiệu quả nhất. Đây là một trong những chủ đề nóng tại nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về thông tin vô tuyến trong thời gian vừa qua", ông Lê Thái Hòa chia sẻ thêm.

Phổ tần miễn cấp phép cho Wi-Fi: tài nguyên thiết yếu để phát triển kinh tế số

Bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách công, Việt Nam, Tập đoàn Meta chia sẻ phổ tần miễn cấp phép cho WiFi là một tài nguyên thiết yếu để phát triển nền kinh tế số khi mạng WiFi đã trở thành một phần không thể thay thế để cung cấp kết nối băng rộng. Nhu cầu kết nối và lưu lượng băng thông rộng đã và đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, tính trung bình, có tới 80% lưu lượng truy cập không dây được truyền qua mạng WiFi. Đặc biệt, các thế hệ WiFi mới/WiFi 6E sẽ cho phép rất nhiều ứng dụng mới và mang lại cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.

Ngành công nghiệp WiFi đã chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp công nghệ và thiết bị WiFi tiêu chuẩn 6E trong thời gian nhanh nhất: 1400 triệu thiết bị WiFi 6E sẽ gia nhập thị trường vào năm 2025.

Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia quyết định mở băng tần 6 GHz cho WiFi và hơn 20 quốc gia bắt đầu thủ tục hướng tới việc mở băng tần 6 GHz. Cách tiếp cận để khai thác và sử dụng băng tần 6 GHz như thế nào nhằm đạt được lợi ích tối đa dự kiến là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC-23) sẽ diễn ra trong năm 2023. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang tích cực đánh giá phổ tần số 6 GHz và xem xét các phương án để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này với mục tiêu là đem lại lợi ích cao nhất cho người dùng.

Băng tần 6 GHz đang được tiếp cận theo 3 hướng

Hội thảo tập trung thảo luận theo 3 phiên: Phiên 1 về kết nối băng rộng không dây với các nội dung: Sự cần thiết của kết nối băng thông rộng không dây và các trường hợp sử dụng, Công nghệ băng thông rộng không dây mới nhất; Phiên 2 đề cập sự phát triển của Wi-Fi đề cập các giải pháp kết nối khác nhau: WiFi 6E kết hợp với 5G, công suất tiêu chuẩn cho WiFi 6GHz và kỹ thuật AFC; Phiên 3 tập trung đề cập khám phá khả năng truy cập không dây cho Việt Nam và Phiên 4 là các vấn đề liên quan đến phổ tần.

Qua các bài trình bày tại Hội thảo, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết băng tần 6 GHz đang được cơ quan quản lý tần số các nước nghiên cứu và tiếp cận về quy hoạch cho các hệ thống cấp phép (như IMT) và/hoặc miễn cấp phép (như WiFi) theo các hướng tiếp cận khác nhau, đó là:

Cách tiếp cận thứ nhất: Quy hoạch toàn bộ 1200 MHz của băng tần 6 GHz thành băng tần miễn cấp phép, chủ yếu sử dụng cho Wi-Fi.

Cách tiếp cận thứ hai: Quy hoạch toàn bộ 1200 MHz của băng tần 6 GHz thành băng tần cấp phép, chủ yếu sử dụng cho thông tin di động IMT.

Cách tiếp cận thứ ba: Quy hoạch 500 MHz đoạn băng tần dưới (5925-6425 MHz) thành băng tần miễn cấp phép và 700 MHz đoạn băng tần trên (6425-7125 MHz) thành băng tần cấp phép cho IMT.

Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết năm 2023 tới đây, trong lĩnh vực thông tin vô tuyến sẽ diễn ra sự kiện quan trọng nhất cho cả một chu kỳ nghiên cứu phát triển 4 năm kể từ 2019, đó là Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2023 (WRC-23). Hội nghị WRC-23 sẽ xem xét khoảng 40 nội dung về quy hoạch tần số và quy đạo vệ tinh, trong đó có chương trình nghị sự 1.2 của WRC-23 sẽ xem xét khả năng quy hoạch hài hòa nửa trên của băng tần 6 GHz, gồm băng tần 6425-7025 MHz, cho Khu vực 1 và băng tần 7025-7125 MHz cho toàn cầu để triển khai thông tin di động IMT (gồm có 5G và thế hệ tiếp theo).

Qua gần 3 năm nghiên cứu, thảo luận, Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã sơ bộ đưa ra được một số phương án quy hoạch băng tần nói trên. Chúng ta, những nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và cả nhà sản xuất thiết bị cần nhanh chóng rà soát lại các kết quả nghiên cứu và phương án quy hoạch, đánh giá cơ hội và thách thức trong mỗi phương án để cùng nhau lựa chọn giải pháp tối ưu về công nghệ, hài hòa với quốc tế, nhưng trên hết là đem lại lợi ích tối đa cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

"Hội thảo hôm nay đã đề cập đến nhiều khía cạnh kỹ thuật và ứng dụng trên cơ sở phát triển công nghệ WiFi 6E, bao gồm cả giải pháp chia sẻ phổ tần với các hệ thống hiện hữu khác như AFC, hệ sinh thái Wi-Fi với hàng tỷ thiết bị được đưa ra thị trường, nhu cầu hài hòa tần số với cả 2 công nghệ....", Cục trưởng Lê Văn Tuấn tổng kết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tích cực đánh giá phổ tần 6 GHz mang lại lợi ích cho người dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO