Truyền thông

Việt Nam tiếp tục thành công trong thu hút FDI

P.V 15:55 21/09/2023

Những đối tác truyền thống của Việt Nam như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến cuối tháng 7/2023, cả nước có 37.839 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 452,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 285,58 tỷ USD, bằng 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, cho thấy, các nhà đầu tư quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường Việt Nam.

img_20190115161548.jpg

Các dự án đầu tư mới tập trung vào các tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư... như: Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai… Đặc biệt, với việc mở rộng dự án LG Innotek Hải Phòng thêm 1 tỷ USD, Hải Phòng đã vượt lên đứng thứ hai và thu hút được lượng vốn đầu tư lớn trong 7 tháng/2023.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư đến từ Châu Á - các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn, cụ thể: Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,2% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng/2023.

Việt Nam đang tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện... Các chuyên gia cho rằng sẽ có dự án tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hôm 26/7, Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội các dự thảo, Nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế tại kỳ họp vào tháng 10 tới. Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... được xem là những giải pháp quan trọng để tăng cường thu hút, nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tiếp tục thành công trong thu hút FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO