Những startup có mô hình bền vững sẽ thu hút nhà đầu tư
Theo Quỹ đầu tư Nextrans, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm “ảm đạm” của thị trường đầu tư công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các startup bền vững có lợi nhuận sớm hoặc các lĩnh vực như xe điện, công nghệ xanh… sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Sẽ là một thành công nếu vốn đầu tư năm 2023 tương đương năm 2022
Đánh giá về thị trường đầu tư startup tại Việt Nam năm 2023, theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans, năm nay là một năm rất khó khăn đối với các startup, thậm chí còn hơn cả năm 2022. Mặc dù năm 2022, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm hơn 50% so với năm 2021 do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu.
Qua đó, đại diện quỹ Nextrans cho biết, năm 2023 dự báo số vốn đầu tư mạo hiểm sẽ còn giảm thấp hơn năm 2022. Bởi vì, Việt Nam chịu ảnh hưởng chung của thị trường toàn cầu. Đặc biệt, số lượng đầu tư vào Việt Nam chưa thực sự ổn định, nên sẽ có những thời điểm tăng/giảm rất mạnh. Năm 2023 cũng là giai đoạn mà thị trường đầu tư trên thế giới đang khá thận trọng nên khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam khó có thể bùng nổ được. Chưa kể, thị trường Việt Nam luôn có độ trễ nhất định từ 6 tháng đến 1 năm.
“Do đó, nếu năm 2023, tổng số vốn đầu tư tương đương hoặc giảm một chút so với năm 2022 đã có thể coi là một thành công”, bà Tuệ Lâm nhận định.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam cũng đa phần là các thương vụ đầu tư nhỏ và hầu như vắng bóng những thương vụ lớn. Bởi vì, hiện các nhà đầu tư đang chuyển sự tập trung vào các startup giai đoạn sớm hoặc trước IPO để có thể chắc chắn sớm thoái vốn.
Còn về tín hiệu đáng mừng về thị trường đầu tư Việt Nam, bà Tuệ Lâm cho rằng, đó là việc luân chuyển đầu tư mạo hiểm giữa các lĩnh vực.
Cụ thể, hiện tại, các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) sẽ gặp khó khăn hơn trong việc gọi vốn vì gần như đã đạt đến mức độ bão hoà của thị trường nhưng phần lớn vẫn chưa có lãi, trong khi lượng tiền “đốt” để chiếm giữ thị trường không hề nhỏ. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang chú ý đến những startup có lợi nhuận hoặc tối thiểu phải hoà vốn.
Ngược lại, những mảng thu hút nhà đầu tư như công nghệ giáo dục (edtech) do có thể “ra tiền” ngay nếu tập trung làm sản phẩm với nội dung đủ tốt.
Tiếp theo, tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng sẽ quyết định đến nguồn vốn đầu tư của các quỹ, ví dụ như fintech hiện nay tại Việt Nam, mỗi lần gọi vốn sẽ từ vài triệu, chục triệu, cho đến cả trăm triệu USD như MoMo, VnPay. Còn edtech do là lĩnh vực “sinh sau đẻ muộn” nên chưa có nhiều công ty đủ trưởng thành để gọi các vòng vốn lớn.
“Chúng ta kỳ vọng thị trường đầu tư sẽ chuyển dịch sang những lĩnh vực mới như giao vận (logistic), công nghệ bất động sản (proptech), nông nghiệp thông minh (agritech)..”, bà Tuệ Lâm chia sẻ thêm.
Còn trong khu vực Đông Nam Á, trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam là một thị trường ổn định nhưng mức độ mở vẫn chưa thực sự cao. Đồng thời, các chính sách liên quan đến đầu tư như thoái vốn, IPO, thuế… còn khó khăn.
Xe điện, công nghệ xanh sẽ là những lĩnh vực "hot" trong mắt nhà đầu tư
Cũng theo Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans, thông thường khi các quỹ giảm hay tăng số vốn đầu tư vào các lĩnh vực thì họ đều đã có lộ trình thực hiện từ 2 - 3 năm trước. Bởi vì, ngay cả với Nextrans, đơn vị này đã đầu tư vào edtech từ cách đây vài năm, do người Việt Nam đầu tư rất nhiều cho giáo dục, thậm chí còn nhiều hơn TMĐT, fintech trong khi chưa có một kỳ lân công nghệ nào về edtech.
“Do đó, không sớm thì muộn, chắc chắn Edtech tại Việt Nam sẽ cất cánh”, bà Tuệ Lâm nhận định.
Một lĩnh vực khác sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là Phần mềm như một dịch vụ (Software as a services - SaaS) khi số lượng doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam rất lớn. Thị trường SaaS rất tiềm năng nếu như sản phẩm giải quyết trúng nhu cầu của DN.
Một số quỹ đầu tư sẽ có những danh mục ưu tiên khác nhau nhưng với Nextrans, bà Tuệ Lâm cho rằng, đơn vị này sẽ dành nhiều sự quan tâm cho ddtech và nhất là các lĩnh vực bền vững như xe điện, công nghệ xanh… vì nguồn vốn toàn cầu dành cho những ngành này đang tăng lên rất nhanh, trong khi các mảng TMĐT, fintech bắt đầu giảm. Vì vậy, thời gian tới, những lĩnh vực này ở Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi và thu hút lớn các quỹ đầu tư.
“Nextrans đã đầu tư vào một công ty sản xuất xe điện từ năm 2019. Để rồi đến nay, thị trường này với sự tham gia của Vinfast đã bắt đầu được chú ý nên nếu bây giờ mới đầu tư thì khó có thể tìm được những công ty tốt có khả năng cạnh tranh”, bà Tuệ Lâm nói.
Startup cần tập trung vào sản phẩm, dịch vụ và khách hàng
Điểm khác biệt của các quỹ đầu tư trước và sau dịch COVID-19 là hiện nay sự quan tâm dành cho những mô hình kinh doanh mang tính chất bền vững, có thể nhìn thấy mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận sau một khoảng thời gian tăng trưởng nhất định. Những startup mà phải "đốt tiền” trong trong nhiều năm mà không thấy cánh cửa "có lãi" thì rất khó nhận được "cái gật đầu" từ nhà đầu tư. Do hiện tại sự kiên nhẫn của nhà đầu tư có giới hạn hơn, khẩu vị cũng khắt khe hơn.
Trước câu hỏi dự đoán về “khẩu vị” các nhà đầu tư sau khi kinh tế đã có sự khởi sắc trong những năm tiếp theo, bà Tuệ Lâm cho rằng, sẽ rất khó đoán vì mọi thứ thay đổi rất nhanh.
Giống như câu chuyện của ChatGPT đã khiến trí tuệ nhân tạo (AI) thu hút được rất nhiều sự chú ý. Điều này nằm ngoài sự suy đoán của rất nhiều quỹ nên sẽ rất khó để đoán định được sẽ có những câu chuyện tương tự hay không.
“Thị trường thay đổi rất nhanh chóng nên chúng ta cần học cách thích nghi với nó”, bà Tuệ Lâm nhấn mạnh.
Dù vậy, trong 1-2 năm tới, khi kinh tế thế giới có sự hồi phục, các quỹ sẽ tự tin hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Nhưng khi đó, lĩnh vực nào sẽ là xu hướng nổi bật nhất thì sẽ phải chờ thời gian quyết định.
Về AI, đại diện quỹ Nextrans cho rằng, nó giống như một công cụ để bổ trợ, tạo ra giá trị cho người dùng. Bởi vì, không ít sản phẩm ứng dụng AI nhưng không có nhiều người sử dụng như thực tế ảo, thực tế tăng cường. Ngược lại, cũng có không ít nền tảng ứng dụng nhiều ÁI lại được nhiều người quan tâm như sàn TMĐT Coolmate.
“AI không phải điều kiện tiên quyết để các quỹ đầu tư mà quan trọng là việc ứng dụng vào sản phẩm phục vụ khách hàng như thế nào”, bà Tuệ Lâm bày tỏ.
Lời khuyên cho các startup trong giai đoạn này, bà Lâm cho rằng, các startup là người rõ nhất về thực tế cũng như khó khăn về gọi vốn, kinh doanh… mà đơn vị mình đang gặp phải. Để được đầu tư, điều quan trọng nhất, các startup cần phải có kết quả kinh doanh tốt với mô hình bền vững.
“Startup cần tập trung vào sản phẩm, dịch vụ, khách hàng. Đồng thời, chỉ nên nghĩ đến gọi vốn khi tài chính là yếu tố cuối cùng còn thiếu để tăng trưởng đột phá, thay vì đặt nó là điều kiện tiên quyết, mục tiêu phải có”, bà Tuệ Lâm kết luận./.