Truyền thông

Củng cố khung pháp lý định hướng cho chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam

P.V 31/10/2023 15:14

Việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật chặt chẽ, đồng bộ là điều kiện để tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số ngành Du lịch một cách mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới ngành Du lịch.

Bối cảnh nhiều khó khăn

Trong 3 năm liên tiếp từ năm 2020 đến năm 2022, đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng tác động mạnh mẽ tới ngành Du lịch thế giới và Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tác động đối với cầu du lịch gần như ngay lập tức khi dịch bệnh xảy ra, tăng theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và kéo dài sau dịch bệnh.

ket-noi.jpg
Do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, lượng du khách đến Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ngay sau dịch bệnh bùng phát, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Thời điểm hiện nay, ngành Du lịch đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là tăng trưởng nhanh trở lại với du lịch nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại du lịch Việt Nam, nhất là ở một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, châu Âu.

Mặc dù thị trường du lịch nội địa có nhiều khởi sắc và là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau mùa dịch COVID-19 nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ phục hồi du lịch thấp nhất so với các nước trong vùng, đặc biệt là giảm số khách quốc tế so với trước khi có dịch. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,66 triệu người, thấp hơn 83% so với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19 và chỉ đạt 73% so với mục tiêu đề ra.

Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam

Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thông qua các hoạt động như: xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh;...

2455951603957267920342772876565084226830905n-16340952889901461729178-1634117366875-16341173669681809009722-1825_20221006_868-191136.jpeg
Tiến trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch; kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ trung ương đến cơ sở... Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam nhằm thích nghi linh hoạt với dịch bệnh.

Ở quy mô quốc gia, ngành Du lịch Việt Nam đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích, nổi bật nhất có thể kể đến app "Du lịch Việt Nam an toàn". Đặc biệt, công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số ngày càng được đẩy mạnh. Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành phố nhận rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, do vậy đã nhanh nhạy làm mới cách tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm tiến cận và đáp ứng nhu cầu du khách.

Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số ngành Du lịch

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý cũng như các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường và sản phẩm còn khá hạn hẹp, trong khi phải cạnh tranh với các công ty du lịch nước ngoài với tiềm lực mạnh.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, nhằm tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số ngành Du lịch một cách mạnh mẽ.

Cùng với đó, ngành Du lịch Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực đã thực hiện thành công chuyển đổi số ngành Du lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… từ đó áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

Tổng cục Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng triển khai chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng số cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ ở Việt Nam, từ đó khai thác các giá trị từ môi trường số, góp phần đưa du lịch phục hồi và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động, nỗ lực trong việc tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên về kỹ năng, kiến thức công nghệ mới được áp dụng, qua đó nâng cao trình độ và đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Trong thời đại số, các hình thức tiếp thị thông qua các công cụ tìm kiếm chung và các nền tảng truyền thông như Google, YouTube, Facebook hoặc Instagram, Tiktok,… cần tiếp tục đẩy mạnh. Vì đây được xem là một trong số những xu hướng lớn tác động đến ngành Du lịch, do khách hàng chủ yếu sử dụng các nền tảng công nghệ để tiếp cận, tìm hiểu và đưa ra quyết định đối với các sản phẩm du lịch.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Củng cố khung pháp lý định hướng cho chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO