Giải thưởng TPTM Việt Nam 2021 (Smart City Award Việt Nam 2021) là giải thưởng thường niên được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trong lễ trao giải được tổ chức vào sáng ngày 18/12/2021, nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot và Nền tảng thị giác máy tính Viettel Cybervision được phát triển trên nền tảng trí tuệ nhân tạo Viettel AI đã được xướng tên trong 3 lĩnh vực quan trọng. Trong đó, Viettel Cyberbot được bình chọn "5 sao" tại hạng mục "Giải pháp cho chính quyền số"
Nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot được phát triển bởi Trung tâm Không gian mạng Viettel ra mắt năm 2020, ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý hội thoại, giọng nói tiếng Việt tốt nhất hiện nay giúp tổ chức xây dựng hệ thống tổng đài tự động callbot, chatbot tương tác thân thiện và tự nhiên đến với khách hàng.
Việc đưa AI ứng dụng vào lĩnh vực hành chính công trong 2 năm trở lại đây đã không còn xa lạ. Callbot và Chatbot được cho là một trong những giải pháp có thể triển khai nhanh chóng, nâng cao năng suất làm việc và tối ưu chi phí cho tổ chức. Trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã đưa vào sử dụng Tổng đài giải đáp hành chính công của Viettel như: Hậu Giang, Thái Bình, Sầm Sơn,… giúp phục vụ hàng chục nghìn cuộc gọi giải đáp thắc mắc của công dân mỗi ngày.
Theo báo cáo mới nhất từ đơn vị triển khai Viettel Cyberbot tại Thái Bình, tại cùng một thời điểm cán bộ tỉnh chỉ tiếp nhận được 3 cuộc gọi, nhưng khi triển khai callbot, số lượng cuộc gọi tiếp nhận đồng thời đạt 600 cuộc.
Viettel là đơn vị tiên phong triển khai giải pháp trợ lý ảo cho các cơ quan Bộ/Ban/Ngành, chính quyền. Ngoài ra, trong năm vừa qua, Viettel cũng đã triển khai Cyberbot "đồng hành" cùng người dân trong đại dịch COVID-19. Chỉ trong thời gian ngắn 1 - 2 ngày, Viettel Cyberbot đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi nhắc nhở tới người dân đang ở các điểm nóng vùng dịch cài đặt ứng dụng Bluezone sau này là PC-Covid, tạo hiệu ứng đồng bộ và đáp ứng tính cấp bách của tình hình, điều mà khi sử dụng nhân công không thể thực hiện được.
Nền tảng thị giác máy tính Viettel Cybervison phát triển dựa trên các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thị giác máy tính để phân tích để xử lý tự động các tín hiệu gửi về từ camera giúp giải quyết các bài toán quản lý giao thông, an ninh trật tự trong thành phố.
Hiện nay, nền thị giác máy tính Cybervision của Trung tâm Không gian mạng Viettel đã được tích hợp trong 30 Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các tỉnh thành, bước đầu mang lại nhiều giá trị tích cực cho chính quyền và người dân./.