Viettel Money kỳ vọng giải bài toán số hóa nền kinh tế, xã hội

Thế Khiêm| 03/12/2021 08:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money ra mắt được kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bài toán lớn nhất là làm sao để thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán của khách hàng, sang cuộc sống không tiền mặt.

Tiên phong thực hiện nhiệm vụ kiến tạo xã hội số, kinh tế số

Ngày 01/12/2021, Viettel đã chính thức công bố việc ra mắt Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money tới toàn bộ khách hàng đang sử dụng mạng di động Viettel trên toàn quốc. Theo đó, Viettel Money là hệ sinh thái tài chính số toàn diện, phục vụ đầy đủ các nhu cầu của khách hàng. Là hệ sinh thái tài chính số có nhiều tính năng nhất tới thời điểm này, Viettel Money có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống...

Ở bất kỳ đâu có sóng di động của Viettel, ngay cả khi không có kết nối Internet, khách hàng đều có thể sử dụng Viettel Money. Mạng viễn thông của Viettel đã phủ sóng đến 99% diện tích Việt Nam, cung cấp dịch vụ tại 11.000 phường/xã trong cả nước, trong đó có các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gồm cả vùng mặt biển cách đất liền tới 100km. Viettel Money được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, kiến tạo cuộc sống mới, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo vốn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống.

Theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, đơn vị phát triển Viettel Money, việc ra mắt Viettel Money không phải là sự thay đổi đơn thuần về mặt tên gọi thương hiệu từ ViettelPay. Nó đánh dấu cột mốc Viettel được cấp phép kinh doanh Mobile Money (tiền di động) trên thị trường. Thương hiệu mới Viettel Money ra đời, hoàn thiện và trở thành hệ sinh thái thương mại, tài chính số, phục vụ đầy đủ các nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, giúp nâng tầm và kiến tạo cuộc sống mới cho mọi người dân Việt Nam.

Không dừng lại ở việc đa dạng hóa nguồn tiền, không chỉ là tài khoản tiền di động, Viettel Money hội tụ nhiều tính năng ưu việt và lợi thế cạnh tranh so với các phương thức thanh toán khác trên thị trường. Lần đầu tiên chỉ bằng số điện thoại Viettel, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, với đa dạng nguồn tiền, sử dụng mọi nơi, mọi lúc. Quá trình thanh toán, mua bán, nạp, rút, chuyển tiền được tối ưu hóa, trở nên nhanh chóng và tiện lợi - chỉ với thao tác đơn giản trên mọi thiết bị di động, ngay cả khi không có kết nối Internet, Data .

"Viettel Money là kết quả của quá trình nghiên cứu, xây dựng, đúc kết kinh nghiệm hơn 10 năm, tận dụng tất cả các nguồn lực bao gồm hạ tầng, công nghệ, nhân lực, mạng lưới. Viettel Money là sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, tiên phong thực hiện nhiệm vụ kiến tạo xã hội số, kinh tế số", ông Việt chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới đây, sau khi chính thức ra mắt, Viettel Money sẽ tập trung triển khai kinh doanh trên thị trường. Mục tiêu của Viettel Money là mang đến một giải pháp công nghệ, giải pháp thương mại, thanh toán số an toàn, thông minh, tiện lợi, cho mọi người dân, sử dụng mọi lúc, mọi nơi, kể cả không có tài khoản ngân hàng, không có Internet/dữ liệu (data).

Viettel Money sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế, xã hội tại Việt Nam - Ảnh 2.

Mục tiêu của Viettel Money là mang đến một giải pháp công nghệ tiện lợi, cho mọi người dân, sử dụng mọi lúc, mọi nơi, kể cả không có tài khoản ngân hàng, không có Internet/Data.

Đồng thời, xóa bỏ mọi rào cản, kết nối công nghệ, kết nối giao thương giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa người với người, là chìa khóa để mọi người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ số tiện lợi, hiện đại trong hệ sinh thái tài chính số của Viettel.

"Để làm được điều đó, việc đầu tiên cần làm đó là hướng dẫn người dân hiểu được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số với các giải pháp công nghệ hiện đại, từ đó thay đổi thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt của người dân", ông Việt khẳng định.

Từ ngày 01/12/2021, khách hàng của Viettel đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ và sử dụng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề có thể sử dụng Viettel Money mà không cần tài khoản ngân hàng.

Sẽ phải giải bài toán thay đổi hành vi, thói quen thanh toán của khách hàng

Cũng theo ông Việt, việc Mobile Money được triển khai chính thức là kết quả của quá trình chuẩn bị nguồn lực vững vàng về hạ tầng - công nghệ - mạng lưới. Cụ thể, Viettel Money được phát triển trên nền tảng công nghệ tiên tiến, bảo mật ở mức độ cao nhất, do chính Viettel làm chủ. Trong đó, công nghệ lõi tính cước theo thời gian thực (vOCS) có thể xử lý hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày, và có khả năng tích hợp toàn trình các dịch vụ số.

Trong quá trình xây dựng hạ tầng hỗ trợ khách hàng, Viettel Money đã xây dựng hệ thống cùng đội ngũ nhân sự theo dõi chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng 24/7, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tiêu chuẩn an toàn, bảo mật thông tin được đảm bảo ở mức độ cao nhất, khi các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, không gian mạng của Viettel đều trực tiếp tham gia kiểm soát an toàn thông tin cho người dùng Viettel Money.

Viettel Money cũng đã hoàn thiện mạng lưới điểm giao dịch khắp 63 tỉnh/thành, tới 11.000 xã - đảm bảo ở đâu có sóng viễn thông, nơi đó có hạ tầng dịch vụ số.

Song song với đó là chiến lược truyền thông bài bản cho từng nhóm đối tượng khách hàng; cùng chuỗi chương trình khuyến mại hấp dẫn ngay khi ra mắt thương hiệu, khuyến khích khách hàng trải nghiệm và hưởng lợi ngay từ hệ sinh thái tài chính số Viettel Money.

Nói về những sự khác biệt của Viettel Money, ông Việt cho rằng, đầu tiên của Viettel Money đến từ vùng phủ dịch vụ. Thừa kế tiềm lực về mạng lưới viễn thông và cộng đồng người dùng của Viettel, Viettel Money hiện là hệ sinh thái tài chính số có phạm vi phục vụ rộng nhất trên thị trường hiện nay - không chỉ là 63 tỉnh/thành mà còn phủ sóng dịch vụ tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bao gồm cả vùng mặt biển cách đất liền tới 100km.

Tiếp theo, sự chuẩn bị sẵn sàng về không chỉ về mạng lưới mà còn cả hạ tầng, công nghệ giúp Viettel Money lập tức phục vụ mọi nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng, mọi lúc, mọi nơi ngay tại thời điểm ra mắt.

Trong vai trò một hệ sinh thái tài chính số, Viettel Money hiện đang là hệ sinh thái có hơn 300 tiện ích. Tất cả được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng như mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống.

Ngoài ra, khách hàng sử dụng Viettel Money cũng được hưởng lợi từ dịch vụ tài chính số nhanh và tiện lợi nhất. Không cần smartphone, Internet, thậm chí chưa cần tải ứng dụng, người dùng chỉ cần duy nhất số điện thoại để sử dụng Viettel Money và Mobile Money.

Từ đó, ông Việt cho rằng, Viettel Money kỳ vọng trở thành hệ sinh thái thương mại, tài chính số toàn diện, phục vụ mọi nhu cầu của người dân. Theo đó việc đa dạng hóa tiện ích, và tối ưu hóa mọi điểm chạm trải nghiệm của khách hàng - từ giao dịch đơn giản nhất như nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện nước, đến việc mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đều đang từng bước kiến tạo cuộc sống mới cho mọi tầng lớp người dân Việt Nam.

Viettel Money sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế, xã hội tại Việt Nam - Ảnh 4.

Lần đầu tiên được cấp phép triển khai chính thức tại Việt Nam, Mobile Money đặt ra bài toán về thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán của khách hàng.

Đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới, Viettel Money đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội giao thương cho tất cả mọi người, xóa nhòa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ. Để người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại.

"Là sản phẩm của trí tuệ Việt, phục vụ người Việt, Viettel Money mang tới giải pháp công nghệ tài chính hiện đại, hỗ trợ toàn diện đời sống người dân và đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế - xã hội tại Việt Nam", ông Việt chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, lần đầu tiên được cấp phép triển khai chính thức tại thị trường Việt Nam, Mobile Money đặt ra bài toán về thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán của khách hàng. "Làm sao để khách hàng từ hiểu đến tin tưởng sử dụng Mobile Money trong cuộc sống không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái tài chính số", ông Việt đặt câu hỏi.

Mặc dù vậy, tất cả đã nằm trong chiến lược toàn diện mà Viettel Money đang và sẽ triển khai, cá nhân hóa đến từng nhóm đối tượng, nhu cầu với nhiều điểm chạm khác nhau trên hành trình khách hàng.

Trước đó, dịch vụ ViettelPay được Viettel ra đời năm 2018, dù khá muộn khi so sánh với những giải pháp trung gian thanh toán khác..., nhưng đây là thời điểm chín muồi để hoàn thiện hệ sinh thái số. Để rồi, nhờ những bước đi phù hợp và tận dụng được sức mạnh từ hệ sinh thái của Viettel, ViettelPay đã có hơn 15 triệu người dùng, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… cùng vài chục nghìn điểm chấp nhận thanh toán. Nhờ đó, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt ViettelPay đã được trao giải nhì hạng mục sản phẩm số xuất sắc tại Giải thưởng Make in Vietnam 2020.

Trả lời phóng viên Tạp chí TT&TT trước đó, đại diện Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel đã khẳng định, khi được cấp phép dịch vụ Mobile Money, nó sẽ là "chìa khoá" để hiện thực hóa chiến lược không dùng tiền mặt thúc đẩy xã hội số, kinh tế số.

Đồng thời, Mobile Money cũng sẽ là miếng ghép để hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số của Viettel, bởi vì sẽ phục vụ cả những người không có tài khoản ngân hàng (un-bank), chỉ cần SIM là có thể sử dụng dịch vụ thanh toán số, nên sẽ dễ dàng tạo ra thói quen cho người dùng. Chính vì vậy, Mobile Money giống như một cú hích đủ mạnh để tạo ra sự bùng nổ, vì nó giống như một tiện ích vào dịch vụ viễn thông vốn đã rất quen thuộc với mọi người nên khả năng bùng nổ thuê bao lớn hơn rất nhiều./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Viettel Money kỳ vọng giải bài toán số hóa nền kinh tế, xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO