Vĩnh Phúc chuyển đổi để đón dòng vốn xanh
Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp (KCN) theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn, tích cực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội; một trong những bài học kinh nghiệm về thành công của tỉnh Vĩnh Phúc được nhiều nhiệm kỳ tổng kết, đánh giá từ chủ trương đúng đắn của tỉnh qua các thời kỳ đó là luôn kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và cho sự phát triển chung của tỉnh; trong đó việc phát triển các KCN là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa chủ trương trên.
Từ chỗ sản xuất công nghiệp còn thô sơ, không có KCN, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha. Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp trở thành “điểm sáng” của cả nước.
Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động và góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng; trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội…
Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp của cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng. Để hiện thực hóa định hướng này, Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm của UBND tỉnh.
Những con số mang nhiều ý nghĩa
Theo số liệu thống kê của địa phương, tính đến hết quý 3 năm 2024, dòng vốn FDI đổ vào Vĩnh Phúc đã đạt 507,94 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 hơn 100 triệu USD (Mục tiêu năm 2024 là 400 triệu USD). Bên cạnh vốn nước ngoài, vốn đầu tư trong nước (DDI) đưa vào Vĩnh Phúc tăng khá, trong đó có 13 dự án mới cấp phép với tổng vốn đầu tư 3.173,4 tỷ đồng và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng là 4.640,2 tỷ đồng. Trong đó có những dự án đầu tư lớn, đến từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường.
Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 (Phụ lục III) đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha; đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích là 5.489,68 ha và các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Tính đến quý 3 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó: 9 KCN đã đi vào hoạt động, 3 KCN đang triển khai xây dựng. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng vốn của các dự án FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 6.27 tỷ USD; tổng vốn đầu tư các dự án DDI đạt gần 32.500 tỷ đồng. Các KCN trong tỉnh thu hút được 29 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án. Đến nay, các KCN có 468 dự án còn hiệu lực đầu tư, gồm: 107 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 32.454 tỷ đồng và 361 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 6.27 tỷ USD.
Định hướng thu hút đầu tư nhất quán và xuyên suốt của Vĩnh Phúc là các dự án phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy... ; quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu từ đến tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, trao thẩm quyền cho Ban quản lý KCN giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại chỗ; hỗ trợ các dự án đầu tư vào các KCN và sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ tiện nghi tiện ích như dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…/.