VNPT tiếp tục đồng hành cùng Tuyên Quang quyết liệt chuyển đổi số
“VNPT cam kết tiếp tục đồng hành, ưu tiên triển khai các dịch vụ, nền tảng số tiên tiến để thúc đẩy, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, mọi lĩnh vực của tỉnh Tuyên Quang…”
Đó là khẳng định của ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT tại Lễ ký Thỏa thuận hợp tác CĐS giai đoạn 2023 – 2028, hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang mới đây.
Theo đó, sự kiện chính là bước tiến “mốc son” đánh dấu sự phát triển, hợp tác thành công giai đoạn đầu lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin (VT-CNTT) giai đoạn 2017-2022. Và lần này, VNPT đẩy mạnh quyết tâm, tích cực cùng Tuyên Quang sớm xây dựng, vận hành hiệu quả chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số bền vững.
CĐS không còn là khái niệm xa vời
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau hơn 5 năm triển khai hợp tác chiến lược về VT-CNTT giai đoạn 2017 - 2022, với sự quyết tâm cao của địa phương và sự đồng hành của Tập đoàn VNPT, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ sở hạ tầng VT-CNTT phát triển rộng khắp, ổn định. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung được VNPT triển khai thống nhất toàn tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (VNPT iOffice); hệ thống chỉ đạo điều hành; trục liên thông văn bản nội tỉnh; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống báo cáo; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II tỉnh Tuyên Quang; Cổng thông tin du lịch thông minh phục vụ quảng bá và phát triển du lịch. Đặc biệt, hạ tầng đường truyền cáp quang tốc độ cao và mạng di động Vinaphone 4G phủ sóng đến trung tâm các huyện, thành phố và các xã trong toàn tỉnh; các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục (vnEdu), y tế (VNPT HIS), bảo hiểm xã hội, thuế, ví điện tử (VNPT Money), hóa đơn điện tử,... được quan tâm triển khai mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả.
Những kết quả này đã tạo nên nền tảng hạ tầng và môi trường để tỉnh Tuyên quang từng bước thực hiện CĐS. Từ chính quyền tới người dân, doanh nghiệp đều tăng cường hoạt động trên môi trường mạng… Nhờ đó, đến nay, CĐS không còn là khái niệm xa vời, người dân Tuyên Quang đã dần thay đổi nhận thức về CĐS, sẵn sàng trải nghiệm công nghệ mới, thụ hưởng những giá trị từ CĐS.
Quyết liệt hơn trong CĐS
Xác định CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, ngày 15/11/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về CĐS tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp loại khá, đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc.
Để hiện thực hóa chủ trương này, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về CĐS tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch chuyển đổi IPv6 trong các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch về Truyền thông Ngày CĐS quốc gia 10/10 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022.
Quyết tâm triển khai CĐS mạnh mẽ và quyết liệt tại Tuyên Quang một lần nữa được Lãnh đạo Tỉnh Tuyên Quang khẳng định qua việc lựa chọn Tập đoàn VNPT làm đối tác đồng hành cùng Tỉnh thực hiện CĐS./.