Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mục tiêu đón đầu lợi ích của nền kinh tế tri thức và làn sóng công nghệ 4.0. Cùng với đó là sự phát huy tối đa lợi thế về cơ cấu dân số vàng, vị trí địa lý, tài nguyên để tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại của quá trình đô thị hóa cao như ô nhiễm môi trường, hạ tầng lạc hậu và quá tải, mất an ninh trật tự,...
Mặc dù vậy, sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, công nghệ 4.0 tại Việt Nam đang chuyển mình rất mạnh mẽ. Việt Nam đang bắt nhịp với thế giới trong việc đẩy nhanh xu hướng xây dựng ĐTTM, ứng dụng rộng rãi công nghệ 4.0 vào nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, năng lượng, du lịch, môi trường, an ninh an toàn, nhà ở, ...
Thực trạng và thách thức phát triển ĐTTM tại Việt Nam
Tại hội nghị đô thị toàn quốc 2022 vừa diễn ra, ông Nguyễn Công Thị, Phó trưởng ban CĐS khối chính phủ, Tập đoàn VNPT cho biết: Công tác quản lý cơ sở dữ liệu đô thị ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, đang ở mức độ khá sơ khai: dữ liệu phân tán, cập nhật thủ công gây tốn kém và tốn nguồn lực; dữ liệu chưa thống nhất và thiếu độ tin cậy.
Trong khi đó, phát triển ĐTTM là một quá trình dài hạn nên cần nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, công nghệ và vận hành. Thách thức với chính quyền đô thị là cần giữ vai trò điều phối các nguồn lực hiệu quả nhằm khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn lực đầu tư từ nhà nước. Do vậy, cần phát triển ĐTTM để hướng đến mục tiêu giảm thủ tục thực hiện cũng như mở ra nhiều phương thức hoạt động của xã hội, phát triển trên nền tảng công nghệ phù hợp với thực tế.
Nguyên tắc trọng tâm xây dựng kiến trúc ĐTTM
Theo ông Nguyễn Công Thị cần phải có một số nguyên tắc trong xây dựng ĐTTM bao gồm:
Chuyển đổi mô hình quản trị: Một TPTM bền vững và hoạt động tốt là sự phối hợp chặt chẽ giữa con người, quy trình, chính sách và công nghệ để làm việc cùng nhau trong toàn bộ hệ sinh thái ĐTTM.
Thiết lập dữ liệu thành phố: Dữ liệu là mạch máu của TPTM. Dữ liệu mở, được tạo ra bởi các tổ chức của thành phố chỉ là một nguồn dữ liệu.
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng: Bao gồm phát triển cả cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng số, nền tảng số (dữ liệu, công nghệ, con người, Internet vạn vật - IoT,...)
Tập trung vào kết quả quan trọng là phục vụ cuộc sống: TPTM không phải là về công nghệ, mà là sử dụng công nghệ cùng với các lớp hệ sinh thái khác nhau để tạo ra kết quả mà người dân, doanh nghiệp, tổ chức thành phố và du khách quan tâm.
Quản lý kết nối là mục tiêu chiến lược: Chính sách và quan hệ đối tác là chất xúc tác trong quá trình tạo nên TPTM.
Tạo dựng niềm tin vào ĐTTM: ĐTTM chỉ thông minh khi các bên liên quan tin tưởng vào nó. Ngay từ đầu, nhà lãnh đạo hoạch định ĐTTM phải tin tưởng vào thiết kế trên toàn bộ hệ sinh thái.
Nhu cầu phát triển hạ tầng kết nối tốc độ cao: Nhiều dịch vụ đang yêu cầu vượt ra ngoài khả năng của 4G. Tốc độ, độ tin cậy và độ trễ thấp là các yếu tố quan trọng của 5G.
Tầm nhìn phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai của VNPT
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Thị cho biết, VNPT đã đặt ra một số tầm nhìn phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai rất cụ thể.
Về hạ tầng kết nối, sóng Vinaphone 4G của VNPT đã đến với 98% dân cư. Dự kiến, đến năm 2025, sóng Vinaphone 5G của VNPT sẽ phủ tới 85% dân cư.
Về hạ tầng băng rộng, VNPT đã đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cáp quang tới từng hộ gia đình; cung cấp Internet băng thông rộng đến 100% các xã trên toàn quốc; hạ tầng viễn thông quốc kết nối trực tiếp tới hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới.
Về hạ tầng kết nối vạn vật (IoT), VNPT sẽ đầu tư phủ sóng hạ tầng kết nối máy tới máy (M2M)/IoT trên toàn quốc trong đó đảm bảo phủ sóng NB-IoT 100% tại nhiều tỉnh/thành phố, đáp ứng năng lực cho trên 60 triệu kết nối đến năm 2025 và trên 100 triệu kết nối năm 2030.
Riêng với mạng viễn thông quốc tế, VNPT đã có hệ thống VINASAT-1, gồm 20 bộ phát đáp (8 bộ ở băng tần C và 12 bộ băng Ku) hoạt động ở vị trí quỹ đạo 132oE và VINASAT-2, bao gồm 24 bộ phát đáp ở băng tần Ku hoạt động ở vịtrí quỹ đạo 131,8oE.
Các trung tâm dữ liệu của VNPT có hạ tầng được thiết kế, xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế - có quy mô lớn và hiện đại hàng đầu tại Việt Nam với 7 trung tâm IDC chuẩn quốc tế; đạt các chứng chỉ ISO 27001:2013; ISO 9001:2015; TIER 3 UPTIME cùng mạng lưới được kết nối đến 10 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) quốc tế và 8 ISP trong nước phủ khắp 63/63 tỉnh/thành trong cả nước và lớn nhất Việt Nam
Theo định hướng điện toán đám mây giai đoạn 2021 - 2025, VNPT sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ đa nền tảng điện toán đám mây, làm chủ công nghệ, đảm bảo các tiêu chí về an toàn thông tin và đmá ứng yêu cầu nền tảng ĐTTM cho Chính phủ và các bộ Ban nghành, doanh nghiệp lớn. Trong các đô thị tương lai, VNPT ưu tiên phát triển hạ tầng IoT, điện toán đám mây và hạ tầng dữ liệu giúp tăng cường thu thập, quản lý và phân tích khai phá tri thức./.