Đó là nhận định chung của một số DN sau khi triển khai ứng dụng Vui App, nền tảng Chi lương linh hoạt Make in Viet Nam do cựu CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng sáng lập.
Giúp người lao động tránh được vấn nạn tín dụng đen và DN giữ chân nhân viên
Giữa năm 2021, Nano Technologies, startup cung cấp giải pháp ứng lương cho người lao động của ông Đặng Việt Dũng vừa huy động được 3 triệu USD.
Theo CEO Nano Technologies Đặng Việt Dũng, số tiền này được huy động trong các vòng tiền hạt giống (pre-seed funding) và hạt giống (seed funding). Dự kiến với số vốn này Vui App tuyển dụng thêm nhiều nhân sự để xây dựng công nghệ và triển khai ứng dụng tới thị trường.
Về lý do ra mắt Vui App vào tháng 3/2020, ông Dũng cho rằng, nó đến cả 2 vế của thị trường, bao gồm người lao động và chủ DN. Cụ thể, với những người lao động, phần lớn là làm công ăn lương với thu nhập từ thấp đến trung bình, khoảng từ 6 - 10 triệu đồng. Chưa kể, số lượng người ở Việt Nam vướng vào tín dụng đen khá cao, dù chỉ vay với số tiền nhỏ từ 1 - 2 triệu đồng. Đây đang là một vấn nạn lớn ở Việt Nam, khi mà các ngân hàng thường không có xu hướng cho vay với số tiền thấp như vậy.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống, nhu cầu thanh toán, chi tiêu trong cuộc sống luôn gia tăng cả về số lượng và tần suất, hay nói một cách khác là "tiền ra khỏi túi nhanh hơn, nhiều hơn và liên tục hơn". Trong khi tiền lương hàng tháng lại chỉ được nhận theo một vài ngày nhất định. Do đó, những người có nhu thập không cao và không có tiền tiết kiệm thì sẽ bị mất cân đối về mặt dòng tiền trong ngắn hạn, đặc biệt với những chi tiêu bất thường trong cuộc sống.
"Khi đó, tôi đã nghĩ tại sao những khoản nhỏ như vậy mà nhiều người lại vay từ tín dụng đen, trong khi có thể chủ động về lương. Ở nước ngoài, như ở Mỹ và Anh, từ những năm 1970, đã trả lương cho người lao động 2 tuần 1 lần, còn những năm 2012 thì đã có những mô hình trả lương theo yêu cầu (on-demand) giống như Vui App đang xây dựng ở Việt Nam hiện nay. Vì thế, tôi cho rằng điều này hoàn toàn đúng với xu thế của thế giới, khi mà mọi thứ đều được vận hành theo xu hướng on-demand", ông Dũng bày tỏ.
Còn đối với các DN, bài toán lao động ở thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, khi mà có rất nhiều lĩnh vực đang thiếu lao động, từ dệt may, điện tử… Từ đó, các chi phí liên quan đến tuyển dụng sẽ cao hơn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Thống kê của Nano Technologies cho thấy, nếu như một nhà máy trước dịch COVID-19 trả khoảng 500.000 đồng cho mỗi lần giới thiệu công nhân thành công, thì con số này hiện đã tăng lên thành 8 triệu đồng, gấp 16 lần so với thời điểm trước. Để rồi, thời gian qua, nhiều nhà máy ở Bắc Giang đã trả lương linh hoạt theo tuần, thay vì theo tháng, để thu hút tuyển dụng lao động.
Khi được hỏi những mô hình mới trong Fintech như Vui App, có sợ bị câu chuyện "tranh tối, tranh sáng" giống như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) hiện nay hay không, ông Dũng cho rằng, khác với P2P lending, tập khách hàng của công ty là các DN, nên họ sẽ tìm hiểu rất kĩ về mặt pháp lý, tiêu chuẩn, ATTT… Vì thế, tín dụng đen sẽ rất khó "núp bóng" mô hình này khi các DN sẽ rất chặt chẽ khi lựa chọn đối tác.
Không chỉ bài toán tuyển dụng, mà ngay cả việc giữ chân người lao động cũng khiến các DN đau đầu, nhất là với các DN có nhiều lao động phổ thông, khi tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất cũng từ 30 - 40%, còn trung bình là 60-70%. Vì vậy, đối với những ngành có xu hướng mở rộng thị phần như ngành bán lẻ, họ sẽ phải đối mặt với bài toán tăng chi phí tuyển dụng, đào tạo do tỷ lệ nghỉ việc cao.
Vì vậy, theo ông Dũng, Vui App không chỉ giúp giải bài toán thiết thực cho người lao động, cho phép họ chủ động từ lương của mình, nhất là những khoản chi tiêu nhỏ, tránh được những "bẫy" từ vay tín dụng đen ngoài xã hội, mà còn giúp các DN có thêm một phúc lợi khác biệt cho người lao động, tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho công ty so với đối thủ. Bởi vì với người lao động, giữa 2 công ty có mức thu nhập không chênh lệch nhau quá nhiều, thì DN nào có phúc lợi khác biệt hơn thì sẽ là lý do để giữ chân họ. Khi sử dụng Vui, Nano Technologies không đưa ra lãi suất nào cả, mà chỉ thu một khoản phí nhỏ, khoản phí này có thể do doanh nghiệp hoặc người lao động trả.
Lý giải về những lợi ích khi sử dụng nền tảng Chi lương linh hoạt của Vui App, ông Dũng đã đưa ra một case study (bài học kinh nghiệm) điển hình là câu chuyện của Walmart (Mỹ), dù rất tiết kiệm về mặt chi phí nhưng khi áp dụng mô hình tương tự như Vui App vào năm 2017, sau 2 năm, tỷ lệ nghỉ việc giữa nhóm dùng và không dùng, tỷ lệ nghỉ việc ở nhóm sử dụng giải pháp giảm 30%, và tiết kiệm được hàng trăm triệu USD/năm. Sau đó, Walmart đã triển khai rộng rãi mô hình này thành một chế độ phúc lợi cho toàn công ty. Đến một DN tiết kiệm như Walmart mà còn ứng dụng mô hình này thành phúc lợi cho công ty thì chứng tỏ giải pháp này rất hiệu quả về mặt kinh tế đối với DN.
"Còn tại Việt Nam, nhiều đối tác sau khi triển khai Vui App đã nói với chúng tôi rằng, dịch vụ đã giúp họ giữ chân lao động tốt hơn, còn bản thân người lao động cũng cảm thấy vui và gắn kết với DN hơn, tránh được vay lãi bên ngoài", ông Dũng bày tỏ.
Hiện Vui App đang có khoảng hơn 50 khách hàng cỡ trung và lớn, có quy mô từ 1.000 lao động trở lên, tổng số lao động đang phục vụ khoảng 60.000 người, tiêu biểu như FPT Retail, Gỗ Trường Thành, Kangaroo GS25, FamilyMart, Lanchi Mart (Central Group)… Ông Dũng cho rằng con số này dù còn rất khiêm tốn nhưng điều công ty cảm thấy hạnh phúc là việc bắt đầu xây dựng được niềm tin với những doanh nghiệp đại chúng.
"Với cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng sống của người Việt trong đó bao gồm đội ngũ nhân viên của tập đoàn, chúng tôi luôn đặt nhân viên làm trọng tâm. Khi được biết trong thực tế, đôi khi nhân viên của chúng tôi gặp phải khó khăn khi xoay sở những chi tiêu đột xuất trước thời điểm nhận lương cuối tháng, chúng tôi đã triển khai mô hình Chi lương linh hoạt để giảm bớt áp lực cho nhân viên. Với giải pháp Vui App này, giờ đây, nhân viên có thể nhận được tiền lương của mình sau vài bước thao tác", ông Stephane Pariente, Giám đốc điều hành khối siêu thị Super Market của Central Retail chia sẻ.
Hiện Vui App đang tập trung vào các DN bán lẻ, dịch vụ, sản xuất, nhưng cũng có nhiều công ty mang tính chất văn phòng. Mặc dù xác định sẽ phục vụ bất kì DN nào nhưng Vui đang tập trung vào các đơn vị cỡ trung và lớn với 300 - 500 lao động trở lên. Sắp tới, Vui App sẽ cố gắng để giải quyết được một vài khó khăn để có thể tiếp cận được các DN vừa và nhỏ. Về kế hoạch trong thời gian tới, Vui App sẽ đẩy mạnh việc phục vụ ngành bán lẻ và dịch vụ. Sau đó là ngành sản xuất - lĩnh vực mà Vui App chưa tiếp cận được nhiều, bằng cách thuyết phục họ thông qua các case study là những khách hàng mà công ty đã phục vụ, để họ thấy được mô hình này không rủi ro.
Dù nhận được sự ủng hộ nhưng 90/100 khách hàng đầu tiên đều từ chối vì sợ rủi ro
Về những thuận lợi khi triển khai mô hình chi lương linh hoạt của Vui App, ông Dũng cho rằng, đó là việc nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nhân viên, người lao động tại các DN, bởi vì ai cũng muốn nhận lương theo ngày mà mình mong muốn thay vì một ngày cố định trong tháng. Đây cũng chỉ là một sự lựa chọn khi cần phải chi tiêu, thay vì phải đi vay, còn vẫn nhận lương vào ngày định kì như trước. Không chỉ những người lao động mà ngay cả những người chủ DN cũng nhận thấy tính nhân văn cũng như tính hiệu quả của mô hình này.
Còn rào cản lớn nhất mà Vui App gặp phải, theo ông Dũng, do đây là một mô hình mới ở Việt Nam, dù nó không lạ lẫm ở nước ngoài nên nhiều DN vẫn cảm thấy lo lắng, sợ rủi ro và có tâm lý chờ các đơn vị khác áp dụng xem có thành công hay không.
"Xin lỗi chị thấy mô hình này rất hay và nhân văn nhưng công ty chị không thể áp dụng", đó là câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất khi tiếp cận khách hàng", ông Dũng nói.
Trường hợp thứ 2 là một DN bán lẻ, ban lãnh đạo công ty dù cảm thấy rất hứng thú với mô hình của Vui, nhưng do quá mới và nhiều rủi ro nên đã không triển khai. Sau một hồi thuyết phục thì công ty cũng đã đồng ý thử nghiệm. Để rồi, khi triển khai một thời gian, từ nhân viên, nhân sự cho đến lãnh đạo đều cảm thấy vui vì bây giờ, đối với DN, ngoài câu chuyện kinh doanh, đã có một việc làm nhân văn hơn, ý nghĩa hơn. Cuối cùng, từ khách hàng đó, họ đã giới thiệu Vui App đến những DN rất lớn khác.
"Tuy nhiên, với giai đoạn đầu khi mới ra mắt, trong số 100 khách hàng Vui đi gặp và thuyết phục, phải có hơn 90 khách hàng từ chối", ông Dũng nhấn mạnh.
Tăng niềm tin cho người lao động vào DN trong giai đoạn dịch COVID-19
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh khó khăn do mô hình mới, Vui App cũng gặp những rào cản của những người làm hành chính nhân sự. Ban đầu, khi tiếp cận, đa phần đều cảm thấy rất ngại do sợ thêm việc, nhất là nó không tạo thêm giá trị. Những thực tế khi triển khai Vui App, mọi thứ đều được tự động hóa và nhân sự cuối mỗi tháng chỉ mất khoảng 20 phút cho việc xem lại bảng báo cáo tổng kết. Do đó, từ cảm giác ngại dùng ban đầu, sau khi triển khai, bộ phận hành chính nhân sự sẽ lại cảm thấy rất nhẹ nhàng.
Chưa kể trong một số ngành như Bán lẻ, việc chấm công, tính tiền lương hàng tháng sai khá nhiều. Vì vậy, khi ứng dụng Vui App thì ngoài việc chuyển đổi số, còn giúp kiểm soát chặt chẽ, tự động hóa hơn các công tác về nhân sự thường xuyên hơn. Bởi vì, với cách làm truyền thống, một tháng mới tổng kết công một lần không giúp DN đọc được những vận hành sát sườn hàng giờ, hàng ngày như theo dõi việc vận hành của nhân sự hàng ngày như khi sử dụng Vui App. Thậm chí, một số nghiệp vụ như việc ứng lương còn diễn ra hoàn toàn tự động thông qua nền tảng. Do đó, Vui App không tạo thêm việc cho họ mà còn tiết kiệm thời gian cho những công tác khác.
"Vui App sẽ giúp DN chuẩn hóa lại những dữ liệu chấm công, hiển thị nó cho người lao động thường xuyên hơn và giúp cho những quản trị viên của DN theo sát được một cách thường xuyên nhất", ông Dũng chia sẻ thêm.
Trước những lo ngại người lao động sẽ lạm dụng việc chi lương linh hoạt, theo ông Dũng, thống kê của Vui App cho thấy, trung bình họ chỉ rút khoảng 300.000 đồng/ người/lần mặc dù có thể rút khoảng 3.000.000 đồng. Bởi vì, việc tiêu tiền của mình làm ra, sẽ khiến người lao động suy nghĩ nhiều hơn, khác với việc quẹt thẻ tín dụng hay đi vay tiền. Đồng thời, do đây là một số tiền nhỏ nên các dịch vụ tài chính khác như Ngân hàng sẽ không phục vụ, nhưng đây là nhu cầu thực sự của họ. Nhu cầu này trước có nhưng thường "ngủ yên" hoặc vay nhiều hơn số tiền họ cần, dẫn đến việc lạm dụng hay sa vào việc vay tín chấp.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, ông Dũng cho rằng mỗi người nên có một khoản tích lũy khoảng từ 1-3 tháng lương để trong tường hợp "mưa gió trở trời", giúp cho cuộc sống đỡ khó khăn hơn.
Bước vào bình thường mới, tâm thế của cả doanh nghiệp và người lao động đã thay đổi. Doanh nghiệp cần những giải pháp số hóa, cắt giảm thủ tục, giữ chân nhân viên mà không phải chịu áp lực dòng tiền. Người lao động thì tìm kiếm sự hỗ trợ “cần là có” của DN, cảm giác an toàn tài chính và an tâm trong công việc. Chi lương linh hoạt Vui App sẽ tiếp tục phát huy là cầu nối giữa DN và người lao động, là giải pháp công nghệ - tài chính - an sinh cần thiết trong yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn tới.
Việc triển khai mô hình trả lương linh hoạt như Vui App triển khai có ý nghĩa như thế nào trong việc hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn trong dịch COVID-19 hiện nay, ông Dũng cho biết, đối với các DN phải cắt giảm lương người lao động, người lao động làm cầm chứng ở nhà, hoặc không làm nhưng nhận một phần lương, trong bối cảnh giá cả tăng hoặc có xu hướng mua dự trữ nhiều hơn, thì khi sử dụng Vui App người lao động sẽ được nhận lương linh hoạt khi cần thiết cho những khoản chi tiêu cần thiết.
Trường hợp tiếp theo là đối với những DN thực hiện 3 tại chỗ, tuy không bị cắt giảm nhưng sẽ có những sự bất an của người lao động. Vì vậy, việc sử dụng Vui App sẽ giúp tăng thêm niềm tin cho người lao động rằng công ty đang làm hết sức để giúp đỡ họ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cũng theo ông Dũng, Vui App đang trong giai đoạn "giáo dục" (educate) thị trường, giúp mọi người hiểu về mô hình, rằng nó không có rủi ro và linh hoạt. Dù trong giai đoạn dịch COVID-19, Vui App vẫn có những sự tăng trưởng nhất định. Bởi nhiều DN vẫn chưa hiểu việc ứng dụng Vui App rất dễ dàng và giúp động viên tinh thần nhân viên mà cho rằng đây là một dịch vụ tốn tiền, tốn công sức, nên trong thời gian tới, Nano sẽ phải gặp gỡ DN nhiều hơn để họ hiểu đúng về mô hình này.
"Vui App ra đời để trao thêm quyền cho người lao động trong khi DN không mất quá nhiều chi phí", ông Dũng nói./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2022)