Xã thông minh Yên Hoà - Ninh Bình: Câu chuyện chuyển đổi số cho người dân nông thôn mùa dịchBack to top

Xã thông minh Yên Hoà - Ninh Bình

Câu chuyện chuyển đổi số cho người dân nông thôn mùa dịch

Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình là 1 trong 12 xã được Bộ TT&TT lựa chọn thí điểm đột phá chuyển đổi số (CĐS) cấp xã trong chương trình “Xây dựng xã thông minh”. Đến nay, sau 10 tháng từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2021, sáng kiến CĐS cấp xã tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành triển khai thí điểm.

Xã Yên Hoà trước thí điểm CĐS

Yên Hòa là một xã miền núi, thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có 2.301 hộ gia đình, 7.557 nhân khẩu với tổng diện tích đất nông nghiệp là 802,03 ha và đất phi nông nghiệp là 225,82 ha. Thu nhập bình quân 51,18 triệu đồng/người/năm.

Về hiện trạng ứng dụng CNTT trước khi triển khai CĐS, xã Yên Hoà đã thiết lập mạng nội bộ LAN, tuy nhiên, hệ thống không được quy hoạch thiết kế chuẩn, thiết bị không đồng bộ và lạc hậu. 100% bộ cán bộ, công chức của xã đã được trang bị máy tính, tuy nhiên, trình độ tin học của cán bộ, công chức xã chỉ đáp ứng tối thiểu cho yêu cầu của công việc. 100% cán bộ, công chức đã có và sử dụng hòm thư điện tử, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành, chuyển nhận văn bản nội bộ và văn bản chỉ đạo của từng ngành được thực hiện thông qua hệ thống thư điện tử.

Về sử dụng phần mềm, xã đang sử dụng các phần mềm ứng dụng chuyên ngành như các phần mềm: quản lý tài sản, kế toán Misa, kê khai bảo hiểm xã hội, kê khai thông tin trẻ em, đăng ký quản lý hộ tịch, thống kê ngành tư pháp...

  Nông thôn Yên Hòa

UBND xã đã có 02 đường truyền Internet tốc độ cao của 02 nhà cung cấp dịch vụ là Viettel và VNPT Ninh Bình, tuy nhiên, hệ thống cân bằng tải, cấu hình dự phòng khi có sự cố chưa được triển khai. Hệ thống camera 15 mắt được lắp đặt để giám sát hoạt động tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của cán bộ đối với công dân, tuy nhiên, chưa có camera tại các điểm trọng yếu trên địa bàn xã.

Hệ thống đài truyền thanh cũ của xã sử dụng phương thức truyền dẫn hữu tuyến, bao gồm 02 máy phát 120W và 50W, có 46 điểm loa (mỗi điểm 01 loa 20W). Người dân không được tiếp cận các dịch vụ về y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc nắm bắt thông tin chủ yếu chỉ qua các kênh thông tin cơ bản.

UBND xã đã xây dựng được trang thông tin điện tử nội bộ tại địa chỉ http://yenhoa.ninhbinh.gov.vn/ từ năm 2018, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả và còn hạn chế về nội dung, số lượt truy cập thấp. Xã cũng đã triển khai hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành và liên thông lên huyện; Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử tại Bộ phận Một cửa của xã để giải quyết thủ tục hành chính nhưng việc sử dụng còn hạn chế.

Tuy nhiên, một điểm thuận lợi là xã đã có 10/10 thôn, xóm đã được kết nối Internet. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) chiếm tỷ lệ cao, khoảng 70% dân số. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã được tiếp cận và sử dụng Internet chiếm tỷ lệ 90%. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã được trang bị máy tính và có kết nối Internet phục vụ cho công việc.

Xây dựng xã thông minh theo 3 trụ cột là nhiệm vụ trọng tâm

Với mong muốn thúc đẩy CĐS cấp xã để nâng cao đời sống cho người dân, Sở TT&TT Ninh Bình được tỉnh Ninh Bình giao nhiệm vụ cùng với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT thống nhất các nội dung, cách thức tổ chức triển khai thí điểm CĐS cấp xã tại xã Yên Hoà. UBND xã Yên Hoà đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của địa phương. Theo đó, xã đã tập trung cho công tác tuyên truyền, căn cứ vào các nhiệm vụ, thực tiễn của địa phương huy động lực lượng, triển khai các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Việc triển khai “Xây dựng xã thông minh” được thực hiện theo mô hình thí điểm do Cục Tin học hóa nghiên cứu hướng dẫn dựa trên 03 trụ cột: (1) Chính quyền số: gồm CĐS các hoạt động nội bộ của chính quyền và các hoạt động giao tiếp, cung cấp dịch vụ công cho người dân; (2) Kinh tế số: gồm hoạt động thương mại điện tử, du lịch số, quảng bá - thương hiệu số; (3) Xã hội số: gồm y tế số, giáo dục trực tuyến, dịch vụ xã hội số.

  Mô hình tổng thể các thành phần của xã thông minh

Với đặc thù là cấp cơ sở ở nông thôn, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa, thời gian ở tại địa bàn ít, vì thế xã Yên Hoà nhận thấy cần tận dụng tối đa sự phát triển của CNTT, trên nền tảng các ứng dụng để xây dựng các kênh giao tiếp với người dân. Xã đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng tạo thêm nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân, đến nay có thêm các kênh giao tiếp như: Hệ thống tin nhắn SMS do Viettel cung cấp; Hệ thống thông báo qua nền tảng app “Công dân số” giúp người dân tiếp nhận các thông tin đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị; Trang thông tin của cơ quan, đơn vị trên Zalo page; Trang thông tin điện tử website của địa phương. Cùng với đó, hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại 72 điểm, phủ 100% địa bàn xã.

Như vậy, chính quyền xã đã tạo kênh truyền thông thông suốt tới 100% hộ gia đình trên địa bàn thông qua trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh thông minh, tin nhắn SMS và mạng xã hội Zalo. Với đa dạng kênh thông tin, tuyên truyền, người dân xã Yên Hoà đã nhanh chóng nắm bắt kịp thời các nội dung, tinh thần chỉ đạo của xã.

Chính quyền xã cũng đã xử lý văn bản điện tử, ký số 100%, đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền của xã (115 thủ tục) được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành có hiệu quả đã giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động; tiết kiệm được thời gian xử lý, tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng chi phí văn phòng phẩm.

Kinh tế - xã hội

Xử lý văn bản và điều hành

Hành chính công

Y tế

Giáo dục

Kinh tế: Thu-chi ngân sách, tỷ trọng cơ cấu nền kinh tế, đất đai, xây dựng NTM, các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, chăn nuôi…

Xã hội: Chỉ tiêu về lao động, an sinh xã hội, dân cư…

Hệ thống chính trị: Số cán bộ công chức, tổ chức đảng, đảng viên

Hiển thị các chỉ tiêu về tình hình xử lý văn bản theo tháng, theo năm: Tình hình gửi, nhận, xử lý, số người thường xuyên sử dụng theo thời gian

Giám sát tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính

Hiển thị tình hình xử lý hồ sơ theo từng lĩnh vực cụ thể

Hiển thị tình hình dịch bệnh Covid tại Việt Nam và thế giới

Hiển thị tình hình khá, chữa bệnh tại trạm Y tế (số lượt khám, giới tính, loại bệnh…) theo ngày, tháng, năm

Hiển thị các chỉ tiêu: Tỷ lệ số học sinh các cấp; số lớp, sĩ số trung bình, số giáo viên của từng cấp học

Bản đồ phân bố các điểm trường trên địa bàn xã

  Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp xã (COC) gồm 5 hợp phần: Hệ thống giám sát điều hành chỉ tiêu kinh tế, xã hội; dịch vụ hành chính công; tình hình xử lý văn bản; lĩnh vực y tế và lĩnh vực giáo dục.

Về trụ cột kinh tế số, nền tảng địa chỉ số Vpostcode đã được triển khai tới 100% hộ gia đình. Các điểm thanh toán điện tử bằng cách quét mã vuông QRCode bước đầu được triển khai.

Trong trụ cột này, việc đẩy mạnh đưa nông sản, đặc sản của Yên Hoà đã được chú trọng. Yên Hoà có một số sản phẩm nông sản nổi bật, đặc sản, tuy nhiên, việc buôn bán của nhân dân chủ yếu trước đây theo hình thức truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) chưa được áp dụng. Các sản phẩm còn đơn điệu, bao bì chưa bắt mắt, chưa sử dụng tem truy xuất nguồn gốc. Bưu điện tỉnh Ninh Bình đã triển khai đưa các sản phẩm của xã lên sàn TMĐT PostMart.vn. Hiện đã có các sản phẩm như cá trạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo… được đưa lên sàn với 23 đơn hàng, tổng số 58 sản phẩm trạch sụn kho niêu. Khi lên sàn TMĐT, sản lượng bán ra tăng gần 5 lần, thu nhập người dân tăng gần 3 lần so với trước đây.

Được biết trước khi CĐS, sản lượng bán ra từ năm 01/2019 đến tháng 8/2020 là 934 sản phẩm. Từ khi thực hiện CĐS, trong thời gian 10 tháng số lượng sản phẩm bán ra là hơn 4000, tăng khoảng 4,5 lần, ước tính tăng thu nhập cho lao động của Hợp tác xã từ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng lên khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng cho việc sản xuất các mặt hàng và cung cấp ra thị trường, địa phương đang tích cực rà soát, quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất để phát triển thêm các mô hình kinh tế.

Thực hiện trụ cột xã hội số, người dân, cán bộ, công chức trên địa bàn xã được tuyên truyền, tập huấn kỹ năng số. Dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa bước đầu được phổ cập.

Tính đến hết ngày 15/6/2021, toàn xã đã cài đặt được khoảng hơn 1.500 app Medici trên điện thoại thông minh; thành lập nhóm cộng đồng mạng Yên Hòa hỏi bác sĩ trả lời với hơn 1.500 thành viên, thực hiện tư vấn được gần 2.500 lượt tư vấn và được người dân đánh giá cao. Sau gần 1 năm triển khai, so sánh với chi phí khám thông thường đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng (chi phí khám bệnh, chi phí đi lại...).

  Thí điểm CĐS trong lĩnh vực y tế: Bước đầu phổ cập dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa

Trong lĩnh vực giáo dục, giai đoạn 1 đề án CĐS xã Yên Hoà đã thực hiện triển khai các dịch vụ, ứng dụng tại các nhà trường, bao gồm: Cổng thông tin điện tử (Portal); Dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; Phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp.

Trong giai đoạn 2, đối với trường THCS và trường THCS, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục; Hệ thống dạy, học và thi trực tuyến; Triển khai điểm danh thông minh qua thẻ, vân tay hoặc nhận dạng hình ảnh; Phê duyệt giáo án, bài giảng trên môi trường điện tử; Ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học; Ứng dụng chữ ký số trong kí hồ sơ giáo dục cho các nhà trường đã được triển khai. Đối với trường mầm non triển khai phần mềm quản lý dinh dưỡng, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học tiếng anh cho giáo viên, điểm danh thông minh qua vân tay, hệ thống thông tin giữa nhà trường và phụ huynh đã được triển khai. Đến nay, theo xã Yên Hoà, các nội dung trên đang được đưa vào đào tạo, tập huấn và triển khai sẵn sàng để đưa vào sử dụng ngay, đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các nhà trường trong năm học mới sắp tới và những năm tiếp theo.

Mô hình xã thông minh tại Yên Hòa được FAO giới thiệu

Với những kết quả ấn tượng, mới đây, mô hình CĐS tại xã Yên Hòa đã được Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) giới thiệu trong Sáng kiến "Làng kỹ thuật số" của mình, cùng với một số mô hình của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sáng kiến "Làng kỹ thuật số" của FAO nhằm mục tiêu thúc đẩy CĐS tại các khu vực nông thôn để chống lại đói, nghèo và bất bình đẳng. Bước đầu tiên, theo yêu cầu của Tổng Giám đốc FAO, Văn phòng FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển một khuôn khổ thí điểm cho các nước thành viên để xác định và hỗ trợ các làng kỹ thuật số hiện có và tiềm năng trong thúc đẩy và cải thiện sinh kế, nông nghiệp, dinh dưỡng, sức khỏe và hạnh phúc của người dân.

  Xã thông minh Yên Hòa được FAO giới thiệu

Theo FAO, ở một số khu vực nông thôn, tỉ lệ người dân có kết nối Internet còn cao hơn các thành phố lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi cho kế hoạch thí điểm mô hình "làng kỹ thuật số". Tuy nhiên, với mật độ dân cư phân bố thưa thớt và rải rác, chứ không tập trung như ở thành phố, các giải pháp số hoá ở nông thôn đòi hỏi cách tiếp cận và mô hình hoàn toàn khác, chứ không thể bê nguyên xi những giải pháp phát triển đô thị bền vững được.

FAO đánh giá, kết quả thí điểm CĐS ở xã Yên Hoà đã cho thấy những lợi ích của CĐS, bao gồm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp tiếp cận thông tin tốt hơn thông qua truyền thanh thông minh (về sản xuất, giá cả thị trường, dự báo thời tiết) và tăng cường kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch số, góp phần giảm chi phí giao dịch cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, CĐS còn giúp bổ sung những cải tiến trong các khía cạnh sau thu hoạch, đóng gói và truy xuất nguồn gốc dựa vào máy móc và mã QR

Bài học kinh nghiệm trong CĐS cấp xã

Theo chia sẻ của đại diện Cục Tin học hoá, thành công của CĐS tại xã Yên Hoà có được là bám sát vào sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa, Sở TT&TT tỉnh, UBND huyện về định hướng, cách làm, nguồn lực, giải pháp CNTT trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Khi bắt đầu triển khai phải xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng được các nội dung cần triển khai có tính sát thực và phù hợp.

Việc triển khai CĐS, lấy người dân làm trung tâm để thực hiện, nên công tác tuyên truyền được thực hiện sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là CĐS, CĐS ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức phải có sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực; vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận. Đặc biệt, triển khai CĐS thành công có được là nhờ huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai; Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà ở đây chính là vài trò đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND xã.

  Người dân xã Yên Hòa quét mã QR để tải ứng dụng

Đại diện Cục Tin học hoá cũng cho biết, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, vì điều kiện địa lý xa nên phối hợp giữa các đơn vị rất khó khăn, chính vị vậy luôn phải có sự thống nhất, trao đổi nhanh chóng giữa các cấp, các bộ phận, các công việc thông qua email, điện thoại... Khi đạt được sự đồng thuận là bắt đầu triển khai ngay.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một đội ngũ, một lực lượng tham gia tích cực để triển khai các nhiệm vụ, lực lượng chủ lực ở đây là Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Hội Phụ nữ là những người sát với đơn vị, có thể truyền tải trao đổi và tuyên truyền tốt và là người lớn tuổi nên quá trình đi tuyên truyền, vận động sẽ thuận lợi, còn Đoàn Thanh niên là lực lượng nhanh nhạy, tiếp cận CNTT tốt sẽ giúp triển khai nhanh hơn. Trong quá trình triển khai cần phải phát huy được tính chủ động trong việc tìm những cái mới, cái mà người dân và địa phương còn đang khó khăn, cần giải quyết để đề xuất tìm và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp.

 Mấu chốt là phải tìm ra bài toán hỗ trợ, các dịch vụ, tiện ích ảnh hưởng trực tiếp, nâng cao chất lượng cho người dân. 

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà

Chia sẻ về thí điểm CĐS xã Yên Hoà trở thành xã thông minh, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đã nhấn mạnh: “CĐS tại xã Yên Hoà: công nghệ, kinh phí là điều quan trọng nhưng không phải là quyết định, mấu chốt là phải tìm ra bài toán hỗ trợ, các dịch vụ, tiện ích ảnh hưởng trực tiếp, nâng cao chất lượng cho người dân. Nói cách khác, lấy nhân dân làm trung tâm thì sẽ được đón nhận và lan toả”.

  Bà con tìm hiểu sử dụng dịch vụ tư vấn sức khoẻ trực tuyến.

Trước đó, vào cuối năm 2020, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong đề án CĐS mà Chính phủ đã phê duyệt, CĐS cho vùng sâu vùng xa được coi là ưu tiên. Theo Bộ trưởng lý do là vì với CĐS chỗ nào càng khó khăn thì chỗ đó CĐS càng phát huy hiệu quả. Cho nên CĐS nên bắt đầu từ nơi khó. Tại Yên Mô, Ninh Bình ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám, chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi làm cho bà con, bà con có thể tiếp cận bác sỹ trên toàn quốc.

10 tháng không phải là khoảng thời gian dài, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, CĐS cấp xã càng trở nên có ý nghĩa khi người dân buộc phải ở nhà nhiều hơn nhưng đời sống của người dân xã Yên Hoà có thể nói là được nâng lên một bước, đáp ứng cuộc sống trong trạng thái bình thường mới nhờ những thành tựu của công nghệ thông tin - truyền thông (ICT).

Nhóm PV thực hiện

Xuất bản: Tháng 7/2021


Chia sẻ bài viết này

  Facebook

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Xã thông minh Yên Hoà - Ninh Bình: Câu chuyện chuyển đổi số cho người dân nông thôn mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO