Xây dựng chuỗi đô thị ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu
Các đô thị ven biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng của quốc gia. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc thúc đẩy kiến trúc bền vững cùng với quy hoạch đô thị xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tương lai cho các đô thị ven biển.
Xu thế phát triển tất yếu
Cả nước có 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với dân số khoảng 19 triệu người và diện tích 56.048km2 (mật độ 340 người/km2). Trong gần 60 đô thị biển, đảo các loại từ đặc biệt, loại 1 - 5, động lực kinh tế phát triển đô thị mới chủ yếu dựa vào nguồn lợi hải sản, dầu khí và khai thác chế biến dưới dạng thức sơ cấp, hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên cảnh quan cho du lịch nghỉ dưỡng, chất lượng chưa cao nên nhiều nơi đã ảnh hưởng đến môi trường đa dạng sinh thái vùng cửa sông, ven biển.
Xu hướng phát triển đô thị của Việt Nam trong tương lai là lựa chọn khu vực giáp biển; xây dựng các trung tâm đô thị mới gắn với kinh tế biển và hệ thống cảng hàng hải; tạo dựng môi trường sống có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường, từ đó hình thành văn hóa đô thị biển văn minh, hiện đại và có bản sắc.
Thực tế cho thấy, các đô thị biển chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển kinh tế vùng và khu vực; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển đô thị biển với các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ‐ xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch bảo vệ môi trường với quy hoạch đô thị; kết cấu hạ tầng đô thị biển chưa thực sự đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh để trở thành các trung tâm kinh tế biển...
Đến nay, nhiều nghị quyết và chương trình hành động quốc gia liên quan đến phát triển bền vững các đô thị ven biển như thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; quản lý chất thải và xây dựng đô thị xanh, thông minh và ứng phó với biến đổi khí hậu… Trong đó, có thể kể đến một số cơ sở pháp lý như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… được đưa ra.
Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, phát triển. Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian công cộng dành cho cộng đồng.
Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế, dẫn tới tình trạng dự án “treo”. Sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt, những công trình cao tầng như khách sạn, condotel, trung tâm thương mại… án ngữ tầm nhìn, đã tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm, làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị.
Những bãi biển công cộng cũng như không gian cho nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển. Quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị bị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị khi xảy ra mưa lớn và làm gia tăng nguy cơ xói lở đường bờ dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy kiến trúc bền vững, quy hoạch đô thị xanh
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65‐70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước kết hợp với mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Cụ thể, phải phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển các đô thị biển. Theo đó, cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển, trong đó có việc xác định không gian đô thị biển. Cụ thể, cần xem xét, cân nhắc và chú ý xử lý nhiều vấn đề như: công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn; thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa.
Quy hoạch và quản lý các đô thị biển cũng cần gắn với rủi ro từ thiên nhiên, giảm phát thải môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản trị đô thị dựa trên công khai thông tin, có sự tham gia của người dân và chính quyền thực hiện trách nhiệm giải trình. Các quyết định quản lý không đi ngược quy luật tự nhiên và tăng cường sức chống chịu trước tác động của thiên nhiên.
Sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù. Từ đó, hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay.
Các đô thị biển cũng cần định hình ngành kinh tế biển thế mạnh, trong số các ngành hàng hải, khai thác khoáng sản biển, công nghiệp biển, đánh bắt hải sản, nuôi trồng hải sản, du lịch...