Xây dựng định danh số để cải thiện các dịch vụ chính phủ

Bảo Thoa| 10/11/2021 05:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Digital ID hay còn gọi là định danh số, ID số, có thể giúp các cá nhân gửi ngân hàng, bỏ phiếu, đi lại, thực hiện các dịch vụ của chính phủ và tương tác trên mạng xã hội dễ dàng và an toàn hơn.

Một trong những tác động lớn nhất của đại dịch COVID-19 là khiến con người phụ thuộc ngày càng nhiều vào thế giới số để kết nối và thực hiện các giao dịch, từ mua sắm đến xử lý các dịch vụ hành chính công của chính phủ. Chính vì thế, Mỹ đang nghiên cứu ứng dụng ID kỹ thuật số (Digital ID), song sáng kiến này đang gây nhiều tranh cãi về quyền riêng tư và tính bảo mật của dữ liệu cá nhân. Mặc dù vậy, Digital ID được nhận định là xu hướng...

Digital ID hay còn gọi là định danh số, là danh tính của một cá nhân, có đầy đủ chi tiết để phân biệt cá nhân đó với những người khác. Danh tính số của một người có thể bao gồm nhiều thuộc tính như dữ liệu tiểu sử (như: tên, tuổi, giới tính, địa chỉ,…), dữ liệu sinh trắc học (như: vân tay, mống mắt,…) cũng như các thuộc tính liên quan khác. 

Nhiều đại gia công nghệ bắt tay chính phủ để số hóa ID

Theo Vox.com, cư dân bang Arizona và Georgia ở Mỹ sẽ sớm có thể sử dụng iPhone và Apple Watch làm giấy phép lái xe số hoặc thẻ ID. Những người sống ở Kentucky, Maryland, Oklahoma, Iowa, Utah và Connecticut sẽ là những bang tiếp theo nhận được tính năng này. Cục quản lý an ninh giao thông vận tải Mỹ (TSA) sẽ chỉ định các làn đường tại các sân bay để tương thích với ID số mới giúp mọi người đi lại thuận tiện hơn.

Apple cho biết khi sử dụng ID số tích hợp trong iPhone hoặc Apple Watch, mọi người sẽ phải gửi ảnh thẻ và ảnh khuôn mặt của họ, đồng thời họ cũng sẽ phải “hoàn thành một loạt các biểu cảm và chuyển động khuôn mặt trong quá trình thiết lập”. Trên thực tế, hệ thống này dường như là một hình thức xác minh ID sinh trắc học mới được chính phủ Mỹ hỗ trợ.

Người dùng Apple sẽ có thể chạm iPhone hoặc Apple Watch vào một đầu đọc danh tính. Sau đó, thông tin mà TSA yêu cầu sẽ hiển thị và cho phép thiết bị của họ gửi dữ liệu đó đến TSA bằng cách sử dụng Face ID hoặc Touch ID. Apple cho biết điều này “đảm bảo rằng chỉ những thông tin bắt buộc mới được chia sẻ và chỉ người đã thêm giấy phép lái xe hoặc ID tiểu bang vào thiết bị mới có thể xuất trình”. Công ty nói thêm, "Người dùng không cần phải mở khóa, hiển thị hoặc giao thiết bị của họ để xuất trình ID".

Apple không phải là công ty duy nhất cung cấp giấy phép lái xe số và ID số ở Mỹ. Bang New York đang làm việc với IBM về khả năng mở rộng hệ thống hộ chiếu vắc-xin Excelsior Pass, bao gồm cả giấy phép lái xe. IBM rất tự tin cho biết họ sẽ dựa vào công nghệ blockchain để số hóa ID. Google cũng đang nghiên cứu một hệ thống tích hợp bằng lái xe số, trong đó công ty đã nêu chi tiết các tiêu chuẩn mới về quyền riêng tư và bảo mật để các nhà phát triển xử lý các tài liệu nhận dạng trên thiết bị di động.

Một công ty bảo mật của Pháp có tên là Idemia đã hợp tác triển khai ID số với một số bang của Mỹ. Công ty lập luận rằng ID số giúp xác thực nhanh chóng danh tính dễ dàng hơn, đồng thời cho phép một người chia sẻ ít thông tin cá nhân hơn. Ví dụ, với một ứng dụng, người dùng có thể chọn chỉ chia sẻ tuổi của họ với đơn vị yêu cầu để xác minh rằng họ đủ tuổi để mua rượu mà không cần chia sẻ địa chỉ của họ.

Chính phủ liên bang cũng vào cuộc số hóa các thủ tục hành chính này. Vào tháng 4, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết họ đang tìm kiếm đầu vào về các quy tắc sắp tới đối với giấy phép lái xe số di động.

Theo GovTech, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều dịch vụ công lên môi trường số hóa, phục vụ công dân từ xa. Ian Grossman, phó chủ tịch phụ trách các dịch vụ công của Hiệp hội quản trị phương tiện cơ giới (AAMVA) cho biết giấy phép lái xe di động mang lại khả năng thực hiện các giao dịch mà không cần trao đổi tài liệu, giấy tờ. Các bang ở Mỹ từ Arizona đến Colorado đến Delaware đều đã thiết lập giấy phép lái xe kỹ thuật số. 

Không chỉ có số hóa giấy phép lái xe, nhiều chính quyền bang ở Mỹ đã thử nghiệm một số hình thức ID số nhằm cung cấp các dịch vụ quan trọng của chính phủ một cách thuận tiện hơn so với phương thức truyền thống.

Arizona đã triển khai ứng dụng cấp giấy phép lái xe di động (mDL) vào tháng 3/2021. Eric Jorgensen, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải của Arizona, đang dẫn đầu sáng kiến mDL sơ khai của tiểu bang mình. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền bang không dừng lại ở giấy phép lái xe di động, mà đặt vào đó nhiều sức mạnh hơn.

“Tôi thực sự ghét tên gọi “mDL” vì nó không nhận ra sức mạnh của những gì chúng tôi đang làm ở đây”, ông nói. Arizona gọi ứng dụng của mình là AZ Mobile ID. “Toàn bộ câu chuyện ở đây là chúng tôi đang cung cấp một cách để xác thực từ xa một người, để cung cấp danh tính kỹ thuật số đáng tin cậy. Khi chúng tôi cung cấp dịch vụ đó, chúng tôi sẽ mở ra cánh cửa để tiếp cận các dịch vụ nâng cao của chính phủ. Ngoài ra, chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho công dân và đảm bảo an ninh cho công dân đó - bằng chính ID số - điều đó vượt xa khuôn khổ của bằng lái xe số”.

Gartner: Digital ID là một phần quan trọng trong chiến lược CĐS của các chính phủ

Dự báo mới nhất của Gartner cho biết các chính phủ trên khắp thế giới dự kiến sẽ tăng ngân sách CNTT trong năm 2022 và 64% tổng chi tiêu sẽ dành cho "các dịch vụ và phần mềm CNTT để cải thiện khả năng đáp ứng và khả năng phục hồi của các dịch vụ công".

Dữ liệu của Gartner cho thấy đại dịch COVID-19 có thể là động lực cho nhiều chiến lược chuyển đổi số (CĐS) mới của chính phủ trong những năm tới. Hãng nghiên cứu dữ liệu cũng dự đoán rằng hơn 50% cơ quan chính phủ sẽ hiện đại hóa phần mềm kế thừa và cải thiện khả năng phục hồi của chúng trong 2025.

Irma Fabular, phó chủ tịch nghiên cứu tại Gartner cho biết: “Các chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh đầu tư vào công nghệ số để ứng phó và phục hồi sau khi trải qua thời kỳ bất ổn do đại dịch”. 

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và ứng dụng không phải là lĩnh vực duy nhất mà Gartner dự đoán các chính phủ sẽ tăng tốc chi tiêu sau đại dịch. Nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật số, bao gồm hỗ trợ tăng trưởng bền vững, các chương trình xã hội, giáo dục, an ninh mạng và hòa nhập số sẽ tăng lên nhờ các chương trình hỗ trợ kinh tế COVID-19.

Gartner dự đoán rằng các sáng kiến nhận dạng số công dân sẽ là một phần quan trọng trong quá trình CĐS rộng lớn hơn của các chính phủ. Nhận dạng kỹ thuật số công dân có nhiều dạng khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục tiêu: Cung cấp quyền truy cập kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy vào các dịch vụ của chính phủ.

Xây dựng định danh số để cải thiện các dịch vụ chính phủ - Ảnh 1.

ID kỹ thuật số có thể giúp các cá nhân gửi ngân hàng, bỏ phiếu, đi lại, nhận các dịch vụ của chính phủ và tương tác trên mạng xã hội dễ dàng và an toàn hơn. Ảnh minh họa

Trong một bài đăng trên blog về chủ đề này, Gartner nói rằng một số quốc gia ở châu Âu, như Pháp, Na Uy và Thụy Điển, đã thành công với ID công dân số, nhưng thành công đó vẫn còn chắp vá ở những nơi khác. 

Nhà phân tích chính cấp cao Arthur Mickoleit của Gartner cho biết: “Các quốc gia như Úc, Đức hoặc Mỹ từ lâu đã cố gắng thiết lập một hệ thống, nhưng không thành công vì những lý do thường xoay quanh một nền văn hóa quá quan liêu, dẫn đến trải nghiệm khách hàng kém hiệu quả”.

Vì vậy, hãng phân tích dữ liệu cho rằng với bất kỳ sáng kiến nào mang tính chất chuyển đổi như căn cước công dân kỹ thuật số, các chính phủ phải cẩn thận với cách tiếp cận chủ đề: Hầu hết mọi người không tin tưởng đặt dữ liệu cá nhân của họ vào các doanh nghiệp công nghệ lớn, ngoài ra họ cũng lo ngại về sự quản lý của chính phủ. Nhưng dù người dân cảm thấy thế nào, Gartner dự đoán danh tính công dân kỹ thuật số sẽ trở nên phổ biến hơn trong những năm tới.

Coi trọng quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu của người dân để đảm bảo thành công

Một bài viết trên Techcrunch nhận định thiếu ID số là rào cản với nhiều người trong một xã hội hiện đại, hạn chế khả năng tiếp cận việc làm, trường học và thậm chí tham gia vào các hoạt động cơ bản của cuộc sống hàng ngày. ID số có thể giúp các cá nhân gửi ngân hàng, bỏ phiếu, đi lại, nhận các dịch vụ của chính phủ và tương tác trên mạng xã hội dễ dàng và an toàn hơn.

Tuy vậy, nhiều người cũng lo ngại ID số có thể được sử dụng để hạn chế quyền tự do, tăng cường giám sát và đặc biệt là người dân ngần ngại chia sẻ mọi thông tin cá nhân của họ. Chứng chỉ COVID kỹ thuật số chính là một ví dụ về Digital ID. Ngay cả ở châu Âu, các nhà phê bình lo lắng rằng chứng chỉ COVID của EU có thể hạn chế sự di chuyển của những người ở các quốc gia có thu nhập thấp, những người không thể tuân thủ “chuỗi tin cậy” nghiêm ngặt thường liên quan đến việc thiết lập ID kỹ thuật số.

ID  được xem là một phần của xu hướng CĐS lớn trong thập kỷ qua, và các cá nhân công dân ở mọi cấp độ xã hội đều liên quan - dù có thể ở các mức độ khác nhau - vào các công cụ và nền tảng số nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Quá trình CĐS này đã được tăng cường cấp bách trong đại dịch COVID-19. Nếu chúng ta thực hiện lời hứa về hệ thống ID số, chúng phải được kết hợp với các chính sách mạnh mẽ và kiến trúc kỹ thuật đảm bảo theo hướng an toàn và thuận tiện.

“Nhận dạng số đang tiến xa chứ không chỉ có xác thực công dân trực tuyến và ký kết các giao dịch từ xa”, trong báo cáo của mình, hãng nghiên cứu dữ liệu Gartner nhấn mạnh. "Để tăng cơ hội áp dụng danh tính số nhiều hơn, các chính phủ phải coi quyền riêng tư, bảo mật và sự thuận tiện của người dùng là những yếu tố thành công quan trọng"./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng định danh số để cải thiện các dịch vụ chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO