Xây dựng lại thế giới sau đại dịch - khuyến nghị từ World Bank và Diễn đàn kinh tế thế giới

Bảo Bình (tổng hợp)| 01/09/2021 14:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 và các chính sách phong tỏa, giãn cách đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt là các nước nghèo hơn. Mặc dù tình hình đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, song các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương triển khai tiêm vắc xin cho người dân, nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng ngay bây giờ các quốc gia đang phát triển và cộng đồng quốc tế có thể thực hiện các bước để tăng tốc độ phục hồi kinh tế, sau khi giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng sức khỏe qua đi.

Thế giới sau đại dịch chắc chắn không còn giống với thế giới trước đại dịch nữa. Các nhà hoạch định chính sách cần có những quyết sách gì để phục hồi kinh tế và giải quyết những thách thức chung của toàn cầu. Theo World Bank, các biện pháp ứng phó ngắn hạn nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về y tế và đảm bảo thông suốt các dịch vụ công cốt lõi sẽ cần đi kèm với các chính sách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, bao gồm cải thiện môi trường quản trị và kinh doanh, mở rộng và nâng cao kết quả đầu tư vào giáo dục và sức khỏe cộng đồng. 

Để các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong tương lai, nhiều quốc gia sẽ cần đến các hệ thống có thể xây dựng và bồi dưỡng nguồn vốn nhân lực - bằng cách sử dụng các chính sách khuyến khích nhu cầu sau đại dịch đối với các loại hình việc làm, doanh nghiệp và hệ thống quản trị mới.

"Các chính sách cần minh bạch về để mời gọi đầu tư mới. Ngoài ra, những tiến bộ trong kết nối kỹ thuật số và mở rộng mạng lưới an toàn tiền mặt cho người nghèo - sẽ giúp hạn chế thiệt hại và xây dựng sự phục hồi mạnh mẽ hơn", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nói.

Xây dựng lại thế giới sau đại dịch - khuyến nghị từ World Bank và Diễn đàn kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Công nghệ mới nổi giúp tăng tốc phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Theo các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), để nhanh chóng phục hồi kinh tế, một phần rất quan trọng chính là phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nổi của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), hệ thống tự động hóa quy trình bằng robot, công nghệ thành phố thông minh và nhiều công nghệ khác, tất cả đều bén rễ trên toàn thế giới - với những kết quả mang lại lợi ích to lớn.

"Nghiên cứu về tăng tốc kỹ thuật số" của IBM cũng chỉ ra rằng đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị di động là những công nghệ thiết yếu sẽ mang lại tác động hiệu suất lớn nhất cho các tổ chức trong các ngành.

Theo Catherine Lian, Giám đốc điều hành IBM Malaysia, các doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào những gì công nghệ có thể làm và đó lý do tại sao họ đang thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. Các doanh nghiệp đang xem xét lợi thế cạnh tranh để phục hồi sau đại dịch COVID-19, họ đầu tư vào các công nghệ như đám mây, AI, IoT và blockchain.

"Những công nghệ mới nổi như đám mây và AI đã trở thành yếu tố giúp nâng cao hiệu suất quan trọng cho các ngành công nghiệp sau đại dịch. Đặc biệt, các công nghệ như AI, IoT và tự động hóa quy trình bằng robot có liên quan đến hiệu suất cao hơn trong các ngành như sản phẩm tiêu dùng và điện tử", Catherine nói.

Nghiên cứu của IBM cũng chỉ ra sự kết hợp của 5G, điện toán biên và đám mây lai đại diện cho công nghệ mới nổi trong một mô hình điện toán mới có khả năng chuyển đổi và tăng tốc số hóa và tự động hóa trong các doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc giúp con người và máy móc làm việc gần nhau hơn, cải thiện tính linh hoạt trong sản xuất, tạo ra môi trường làm việc an toàn hơn và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Có thể hình dung tác động của công nghệ trong cuộc sống "bình thường mới"

và các xu hướng chung đang nổi lên bằng cách nhìn lại các đại dịch trước đây và phân tích những gì đang xảy ra hiện nay. Các cuộc khủng hoảng trước đó đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ, chẳng hạn như việc áp dụng nhanh chóng thương mại điện tử ở Trung Quốc sau đại dịch SARS năm 2005. Ngoài ra, đại dịch năm 1918 đã thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm lâm sàng và sức khỏe cộng đồng.

Xây dựng lại thế giới sau đại dịch - khuyến nghị từ World Bank và Diễn đàn kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

WEF đưa ra 4 vấn đề cần lưu ý khi phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Mặc dù các công nghệ mới nổi này mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các quốc gia và cả thế giới phải quản lý những công nghệ này, để tránh các mối đe dọa khi xây dựng lại thế giới sau đại dịch COVID-19. Thế giới cần suy nghĩ nhiều hơn về các biện pháp giúp công nghệ tiên tiến phát huy hết tiềm năng của nó, đồng thời ngăn ngừa tác hại. Theo WEF, trong khi áp dụng các công nghệ mới nổi để phục hồi kinh tế sau đại dịch, có 4 lĩnh vực mà các quốc gia cần lưu ý. Đặc biệt, những điều này cần sự phối hợp, chung tay của cộng đồng hợp tác quốc tế.

An ninh mạng

Điều đầu tiên chính là an ninh mạng. Nhiều dữ liệu hơn và nhiều giao dịch chuyển đổi kỹ thuật số hơn cũng có nghĩa là rủi ro an ninh mạng lớn hơn. An ninh mạng là mối quan tâm của tất cả các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện nay. Mối đe dọa này cũng quan trọng như bất kỳ mối đe dọa vật lý nào. Không những thế, mối đe dọa an ninh mạng có phạm vi xuyên biên giới, cần sự phối hợp và hợp tác quốc tế lớn hơn và hiệu quả hơn - và cần các khuôn khổ và luật pháp rõ ràng đề cập đến tính toàn vẹn và quyền sở hữu dữ liệu.

Khi nói đến việc tự bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa an ninh mạng, phương pháp tiếp cận quốc tế, đa bên được nhấn mạnh. Phương pháp này sẽ giúp các quốc gia và các lĩnh vực cùng hưởng lợi và xây dựng thành công của nhau. An ninh mạng như một môn thể thao đồng đội sẽ đạt hiệu quả giải quyết cao nhất khi làm cùng nhau; sự hợp tác toàn cầu và chia sẻ thông tin rất quan trọng để bảo vệ cộng đồng khỏi các hoạt động tội phạm mạng.

Giáo dục

Vấn đề thứ hai các quốc gia cần lưu ý khi tái thiết kinh tế sau đại dịch là giáo dục và cái được gọi là "nâng cao kỹ năng". Cụ thể hơn, hệ thống giáo dục cần chuẩn bị cho những người trẻ tuổi trước những thách thức và cơ hội của thế giới kỹ thuật số, đồng thời cung cấp cho những người lao động phổ thông chương trình đào tạo và kiến thức kỹ thuật số mà họ cần để có thể tiếp tục đóng góp tích cực trong công việc. Nền giáo dục tốt hơn và phù hợp hơn sẽ là cách bảo vệ thế giới tốt nhất trước mối đe dọa thất nghiệp do đại dịch và sự gián đoạn kỹ thuật số gây ra. Sự thành công của việc học từ xa sẽ phụ thuộc phần lớn vào công nghệ, chương trình và phương pháp giảng dạy được điều chỉnh phù hợp với môi trường mới như thế nào. 

Do đó, các quốc gia nên xem xét đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một điều kiện tiên quyết để thực hiện các thỏa thuận học tập, làm việc từ xa thực sự hiệu quả. Mở rộng cung cấp đào tạo, bao gồm nhiều lĩnh vực hơn, sẽ giúp làm cho việc học tập từ xa trở nên toàn diện hơn. Điều này không chỉ đòi hỏi sự đầu tư của chính phủ, mà còn cả sự chung tay của doanh nghiệp. 

Là một phần trong nỗ lực nhằm tiếp tục hỗ trợ lực lượng lao động trong tương lai, Amazon đã cam kết giúp 29 triệu người trên toàn cầu phát triển kỹ năng kỹ thuật của họ vào năm 2025 với chương trình đào tạo kỹ năng điện toán đám mây miễn phí thông qua các chương trình do Amazon Web Services (AWS) thiết kế. Amazon đang đầu tư hàng trăm triệu USD để cung cấp đào tạo kỹ năng điện toán đám mây miễn phí cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và mọi trình độ hiểu biết trên toàn cầu, đồng thời sẽ làm như vậy thông qua các chương trình hiện có do AWS thiết kế và bằng cách thử nghiệm các sáng kiến mới.

Việc làm

Giáo dục và việc làm liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục ngoài việc giảng dạy cho thế hệ tương lai, còn là đào tạo kỹ năng mới cho người lao động, và điều này gắn bó chặt chẽ với cơ hội việc làm. Vì vậy, theo WEF, cũng như giáo dục, ở lĩnh vực thứ ba này, các chính phủ cần lưu tâm đến các chính sách xã hội, tài chính, đầu tư và hợp tác quốc tế rộng lớn hơn để giải quyết và giảm thiểu tác động của công nghệ cao đối với người thu nhập thấp và những công việc lặp đi lặp lại, vốn có thể làm gia tăng bất bình đẳng. Đây là vấn đề đã được đại dịch COVID-19 phơi bày rõ rệt và cần phải được giải quyết một cách chủ động trước khi nó làm trầm trọng thêm tình trạng phân hóa xã hội.

Những người lao động kỹ năng thấp có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, vì các công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng thấp hơn sẽ ít có khả năng làm từ xa và phải chịu nhiều hạn chế nghiêm ngặt. Do đó, nếu không tạo cơ hội học tập cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn này, những người có nhiều khả năng cần được đào tạo lại khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, tình trạng sa thải hàng loạt sẽ lan rộng, đặc biệt khi xu hướng tự động hóa tiếp tục tăng tốc. Các ước tính chỉ ra rằng, trung bình, người lao động có kỹ năng trung bình và thấp bị giảm cơ hội học tập không chính thức và không chính quy, lớn hơn gấp đôi so với người lớn có trình độ đại học.

Trong một nghiên cứu gần đây do Amazon ủy quyền, Accenture phát hiện ra rằng cứ ba người lao động Mỹ thì có một người có tiềm năng tiếp cận những nghề nghiệp thu nhập cao hơn được dự báo sẽ phát triển trong tương lai, nếu họ được đào tạo các kỹ năng mới. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ riêng ở Mỹ, 33 triệu người Mỹ có thu nhập thấp có thể chuyển đổi sang các công việc mới đang nổi nếu được đào tạo kỹ năng phù hợp.

Cụ thể, các phát hiện cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đạt được các kỹ năng khoa học và kỹ thuật để chuyển sang "công việc cơ hội" - những công việc có mức lương cao hơn, tăng trưởng nhanh và ít bị tổn thương hơn trước những gián đoạn đột ngột như COVID-19. 

Theo Báo cáo lương và kỹ năng CNTT năm 2019 của Global Knowledge, 77% người ra quyết định về CNTT ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi cho biết có khoảng cách về kỹ năng trong điện toán đám mây, an ninh mạng, DevOps, kiến trúc sư hệ thống và giải pháp. Khoảng cách này đang diễn ra nghiêm trọng trong khu vực công của Liên minh châu Âu (EU): 8,6 triệu người được ước tính là thiếu kỹ năng kỹ thuật số và công nghệ.

COVID-19 đã gây ra những tình thế giãn cách xã hội, nhưng chính nó cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Tuy nhiên, những người thiếu kỹ năng kỹ thuật số, chẳng hạn như công nhân có kỹ năng thấp và lớn tuổi, cũng như những người thiếu các công cụ kỹ thuật số và kết nối đầy đủ, có thể bị thiệt thòi hơn vì họ sẽ không thể tham gia đầy đủ vào các cơ hội học tập và làm việc trực tuyến.

Tác động xã hội và đạo đức của các công nghệ mới nổi

 Trong lĩnh vực thứ tư, WEF cho rằng cần có sự hợp tác quốc tế để nâng cao hiểu biết về các tác động xã hội và đạo đức của các công nghệ mới nổi, đặc biệt là đối với giới trẻ. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, "chúng ta cần sự hợp tác quốc tế để hiểu sâu hơn về các tác động xã hội và đạo đức của các công nghệ mới nổi".

Trong một cuộc khảo sát của tổ chức Pew Research về cuộc sống sẽ như thế nào vào năm 2025, sau đại dịch toàn cầu, nhiều nhà đổi mới, nhà phát triển, nhà lãnh đạo kinh doanh và nhà hoạch định chính sách, đã khẳng định rằng mối quan hệ của mọi người với công nghệ sẽ ngày càng sâu sắc khi phần lớn quốc gia, dân số sẽ dựa vào các kết nối kỹ thuật số cho công việc, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao dịch thương mại hàng ngày và các tương tác xã hội thiết yếu. Một số mô tả đây là một thế giới "viễn thông mọi thứ".

Một sự thay đổi đáng kể trên thế giới sẽ xảy ra với sự thúc đẩy mạnh mẽ của công nghệ. Tuy vậy, mặt trái của vấn đề cũng được gióng lên hồi chuông cảnh báo, khi nguy cơ bất bình đẳng kinh tế ngày càng lớn. Những người có mối quan hệ kết nối cao và hiểu biết về công nghệ sẽ có khoảng cách số lớn với những người ít tiếp cận những công cụ kỹ thuật số và ít được học hỏi, đào tạo. Đặc biệt, sức mạnh của các công ty công nghệ lớn sẽ như "rồng mọc thêm cánh", khi họ khai thác lợi thế thị trường và các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) theo những cách dường như có thể làm xói mòn thêm quyền riêng tư và quyền tự chủ của người dùng.

Bên cạnh đó, thông tin sai lệch có thể trầm trọng hơn khi những kẻ độc đoán và các nhóm phân cực tiến hành các chiến dịch thông tin gây chiến với kẻ thù. Nhiều người cho biết nỗi lo lắng sâu sắc nhất của họ là sự thao túng nhận thức, thao túng cảm xúc và hành động của công chúng thông qua thông tin sai lệch trực tuyến - những lời nói dối và lời nói căm thù được vũ khí hóa một cách có chủ ý nhằm tuyên truyền những thành kiến và nỗi sợ hãi mang tính hủy hoại. Hậu quả sẽ giáng xuống sự ổn định và gắn kết xã hội.

Đối với vấn đề tác động xã hội và đạo đức của các công nghệ mới nổi, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, công nghệ mới nổi sẽ được ứng dụng nhanh chóng và triệt để, các tổ chức như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), OECD và các tổ chức khác hiểu rằng số hóa đang biến đổi cơ bản cách chúng ta sống và làm việc; rằng điều này tác động đến hạnh phúc và sự gắn kết của xã hội; và nó đang có tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, thông qua sự tác động đến năng suất, việc làm, kỹ năng, phân phối thu nhập, thương mại và môi trường.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, cho biết thế giới đang đối mặt với một thời khắc quan trọng. Thách thức xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sau COVID-19 tương đương với nhiệm vụ xây dựng lại hòa bình và thịnh vượng sau Thế chiến II. Khai thác các cơ hội của số hóa và khắc phục tác động gián đoạn của đại dịch là một phần lớn thách thức hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới,

World Bank, Pew Research

(Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lại thế giới sau đại dịch - khuyến nghị từ World Bank và Diễn đàn kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO