Ngày 22/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo đã luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng:
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, tôi xin trân trọng cảm ơn các ý kiến sâu sắc, nhiều chiều và có tính xây dựng cao của các vị đại biểu Quốc hội, trong phiên thảo luận tại tổ (92 đại biểu đã phát biểu) và hôm nay tại hội trường (có 21 đại biểu đã phát biểu). Các ý kiến tại phiên thảo luận tổ đã được Bộ TT&TT giải trình, tiếp thu bước đầu tại báo cáo 73 trang đã gửi các đại biểu.
Tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe, đã ghi chép đầy đủ, cẩn thận và sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ để tiếp thu, giải trình. Đặc biệt là các vấn đề như, cân đối giữa quy định cứng, nguyên tắc của luật và sự linh hoạt ở tầm nghị định đối với những vấn đề mới, công nghệ mới, dịch vụ mới, đang có sự thay đổi nhanh; cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hoà lợi ích 3 nhà: nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước; vấn đề quản lý thì tối thiểu nhưng thực thi thì thật nghiêm minh; vấn đề giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (DN) và chi phí thực thi pháp luật của nhà nước; vấn đề hội tụ của viễn thông, CNTT và công nghệ số. Với mục tiêu là xây dựng một hạ tầng số dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
Trong khuôn khổ thời gian cho phép, tôi xin phát biểu làm rõ một số nội dung sau.
1) Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (VTCI).
Quỹ này thực ra là quỹ dịch vụ phổ cập. Quốc gia nào thì cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập Internet; phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nhất là để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nếu nhà nước nhận lấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách nhà nước thì các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân, có lãi cao, và vì thế, nhà nước phải đầu tư rất nhiều. Bởi vậy, đa số các quốc gia đều chọn cách yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm phủ sóng rộng.
Có hai cách để nhà mạng thực hiện việc này. Một là yêu cầu các nhà mạng phải phủ sóng rộng, cách này có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ. Cách thứ hai là các nhà mạng đóng góp vào Quỹ phổ cập theo doanh thu, to đóng nhiều, nhỏ đóng ít, sau đó, nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ. Đa số các quốc gia đều theo cách thứ hai này.
Ở Việt Nam thì quỹ này cơ bản lại giao cho chính các nhà mạng thực hiện, tức là cơ bản nhà mạng nhận lại tiền đóng góp của mình để phổ cập dịch vụ. Phổ cập 2G xong thì đến 3G, rồi 4G, rồi 5G và tiếp tục không dừng lại. Quỹ đã góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ và có điện thoại, vào loại nhóm đầu thế giới.
Nhưng vừa qua, vận hành của quỹ có một số bất cập, như giải ngân chậm, tồn quỹ. Cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo Luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng để quỹ để vận hành tốt hơn thay vì dừng hoạt động của quỹ, như là ý kiến của nhiều đại biểu.
Riêng quỹ dịch vụ phổ cập của chúng ta thì ngoài phủ sóng vùng khó khăn còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cả thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của nhà nước đều dùng quỹ này để hỗ trợ bà con. Xin phép Quốc hội xem xét tiếp tục cho duy trì quỹ này. Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ xin Quốc hội cho đổi tên quỹ thành Quỹ dịch vụ phổ cập, và thay đổi một số cơ chế để khắc phục các tồn tại. Bộ TT&TT cũng sẽ gửi các đại biểu báo cáo bổ sung về hoạt động của quỹ thời gian qua.
2) Về trung tâm dữ liệu (TTDL) và dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM).
TTDL và ĐTĐM rồi cũng phải được quản lý ở đâu đó để chính danh, để giải quyết các tranh chấp, các vấn đề phát sinh giữa các DN, để đảm bảo chất lượng với khách hàng, để nhà nước đảm bảo sự phát triển theo chiến lược, theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Luật Đầu tư đã xác định TTDL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng đến nay chưa có quy định chuyên ngành về điều kiện kinh doanh TTDL.
Đưa vào viễn thông để quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển là vì hạ tầng viễn thông đã chuyển sang hạ tầng số, là vì TTDL và ĐTĐM cung cấp dịch vụ thông qua mạng viễn thông, giống như dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ T&TT sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng “quản lý mềm”, giống như nhiều quốc gia khác, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh, bảo vệ quyền lợi người sử dụng.
TTDL có tính hạ tầng, phát triển phải phù hợp với quy hoạch, nên cần đăng ký. ĐTĐM là dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến, dựa trên cam kết của DN mà không tiền kiểm. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cho phép đến 100%. Các DN trong và ngoài nước đều quản lý như nhau, không bảo hộ ngược.
3) Về dịch vụ OTT viễn thông. Đây là các dịch vụ thoại và nhắn tin, giống như dịch vụ viễn thông cơ bản, nhưng được cung cấp bởi công nghệ Internet. Quan điểm của Bộ TT&TT là quản lý dịch vụ không phụ thuộc vào công nghệ.
Nhưng dịch vụ OTT viễn thông thì không có hạ tầng, người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp do thủ tục đăng ký dịch vụ đơn giản, thị trường thì rất cạnh tranh vì nhiều nhà cung cấp, do vậy, quản lý phải ít hơn, phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống. Quản lý có giống như dịch vụ viễn thông thì chủ yếu là ở khía cạnh liên quan đến lợi ích công cộng.
Bộ TT&TT nhận thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, cơ bản là quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Bộ TT&TT xin được báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo các hướng sau.
Quản lý thì ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh. Quản lý cơ bản dựa trên những gì mà nhà cung cấp dịch vụ đã có, để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước. Vì quản lý đã ở mức tối thiểu thì không cần phân biệt.
Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin với khách hàng: Về giá, về điều kiện hợp đồng, về chất lượng dịch vụ. Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu. Khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì phải cung cấp thông tin, như số điện thoại. Hầu hết các nhà cung cấp dich vụ đã thực hiện việc đăng ký và xác thực thông qua số điện thoại, do vậy, quy định này không làm phát sinh thêm chi phí. Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh, từ cấp phép, đăng ký xuống hình thức thông báo.
4) Về phát triển hạ tầng viễn thông.
Quan điểm chung ở đây là, hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu, được nhà nước ưu tiên xây dựng và được nhà nước bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ DN viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công. Nhà nước ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các DN viễn thông, sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác, bảo đảm hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, khi sang 5G/6G, tần số cao nên phủ sóng hẹp, cần nhiều trạm phát sóng, phục vụ không chỉ con người mà còn là vạn vật, cần dung lượng lớn. Do vậy, hạ tầng sẽ tăng gấp bội, nên sẽ càng cần hơn việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng. Luật sửa đổi quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh về quy hoạch, về tiêu chuẩn, quy chuẩn, về xử lý tranh chấp đối với hạ tầng viễn thông.
5) Về đấu giá tài nguyên viễn thông.
Sửa đổi quan trọng nhất là mã đẹp, số đẹp sẽ do thị trường quyết định, không do cơ quan nhà nước quyết định như trước đây. Giá khởi điểm đấu giá sẽ cố định và không phải thực hiện việc xác định giá khởi điểm, vì số lượng số đẹp là rất nhiều, thế nào là đẹp cũng khác nhau với từng người, rất khó xác định. Mã và số mang ra đấu giá không ai mua thì sẽ cấp trực tiếp cho DN. Với cơ chế mới rõ ràng hơn, dễ làm hơn, minh bạch hơn trong dự thảo Luật sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ quy định chi tiết để thực thi hiệu quả.
6) Về các góp ý cụ thể khác, Bộ TT&TT xin được nghiên cứu tiếp thu tối đa.
Một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường để tiếp tục trao đổi, thảo luận với các đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các hiệp hội, các DN, người dân và các đối tượng liên quan, trên tinh thần hết sức cầu thị.
Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến chính thức để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét quyết định./.