Diễn đàn

Xây dựng chiến lược để hạ tầng số đi trước, đi nhanh

Hoàng Linh 23/06/2023 19:40

Hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải đi trước, đi nhanh đi cùng nhóm đầu thế giới là quan điểm xây dựng của dự thảo chiến lược do Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đề xuất.

Hạ tầng số là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số

Tại phiên họp lấy ý kiến về xây dựng chiến lược hạ tầng số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 ngày 23/6, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết hạ tầng số đang là một hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số và đến giờ chưa có chiến lược phát triển. Vì vậy, cần sớm xây dựng chiến lược cho hạ tầng số, theo đó, mới rõ được lộ trình phát triển trong nhiều năm tới bởi là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số.

hoi-thao-ha-tang-so-23062023.jpg
Các đại biểu góp ý kiến cho dự thảo về xây dựng chiến lược hạ tầng số quốc gia

Theo đó, Cục Viễn thông đã xây dựng dự thảo chiến lược hạ tầng số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030. Phạm vi của dự thảo gồm: (1) Hạ tầng viễn thông băng rộng: di động, cố định, cáp biển và Hạ tầng IoT; (2): Hạ tầng trung tâm dữ liệu  gồm trung tâm dữ liệu (data center - DC) + đám mây (cloud); (3) Hạ tầng công nghệ số là hạ tầng công nghệ cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ (API) với trọng tâm là: trí tuệ nhân tạo (AI); chuỗi khối (blockchain); IoT; (4) Nền tảng số: các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).

Quan điểm của dự thảo chiến lược là:

Đi trước, đi nhanh, đi cùng nhóm đầu thế giới: được ưu tiên phát triển như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng. Phát triển hạ tầng số băng rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở.

Đồng bộ: phát triển hạ tầng số dùng chung, chia sẻ. Hạ tầng số được quy hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.

Nhà nước mạnh, thị trường mạnh: Nhà nước kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số. Thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ hạ tầng số phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Toàn dân, toàn diện: ​Xây dựng hạ tầng số toàn diện, rộng khắp mọi nơi, mọi đối tượng. Internet băng thông rộng an toàn, chất lượng kết nối đến mỗi tổ chức, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình.

Việt Nam làm chủ: Làm chủ công nghệ phát triển hạ tầng số; ưu tiên sử dụng sản phẩm, thiết bị "Make in Viet Nam" sản xuất. Nền tảng số quốc gia do DN Việt Nam phát triển đáp ứng nhu cầu sử dụng của người Việt Nam và thế giới.

Tầm nhìn của dự thảo chiến lược là: “Hạ tầng số của Việt Nam phát triển cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới, trở thành động lực phát triển nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”.

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam lọt vào TOP 50 nước về chỉ số phát triển ICT (IDI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), theo đó, băng rộng cố định đạt 100% hộ gia đình có thể truy cập FTTH (90% kết nối đến cá nhân tốc độ trung bình 200 Mb/s); băng rộng di động phủ 100% dân số (tốc độ trung bình 70 Mb/s); 100% người trưởng thành có smartphone; Đầu tư bổ sung 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT; Trung bình mỗi người dân có 1 thiết bị IoT.

Về hạ tầng DC, Cloud, tối thiểu 02 DC quốc gia; 03 cụm DC đa mục tiêu cấp quốc gia; PUE DC mới <=1,4; 100% cơ quan nhà nước (CQNN) dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% DN Việt sử dụng dịch vụ đám mây của DN Việt cung cấp; Mỗi người dân 1 tài khoản sử dụng dịch vụ đám mây.

Hạ tầng công nghệ số hình thành 3-5 DN hạ tầng công nghệ số đối với mỗi loại công nghệ (AI, blockchain, IoT); Hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT được thiết lập.

Về nền tảng số, có 70% CQNN, 50% DN sử dụng nền tảng số quốc gia; Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; Bổ sung 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế, 2 - 4 tuyến cáp quang đất liền quốc tế; Các DC quy mô lớn, tiêu chuẩn xanh, kết nối; 100% CQNN, DN nhà nước và trên 50% người dân sử dụng DC/đám mây do DN trong nước cung cấp; 80% giải pháp công nghệ số trong nước được phát triển dựa trên hạ tầng công nghệ AI, chuỗi khối, IoT Make in Viet Nam; 100% CQNN, 70% DN sử dụng nền tảng số quốc gia.

Dự thảo chiến lược cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm về: hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập; Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; Hạ tầng công nghệ số; Nền tảng số và dữ liệu số.

Giải pháp được dự thảo chiến lược đưa ra gồm: Hoàn thiện thể chế; Ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng; Thúc đẩy chia sẻ, dùng chung hạ tầng viễn thông; Phổ cập dịch vụ; Nghiên cứu phát triển; Tiêu chuẩn, quy chuẩn; Đo lường, quản lý, giám sát; Bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; Hợp tác trong nước và quốc tế; Tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số…

Cần có những đột phá trong phát triển hạ tầng số

Tại phiên họp, các đại biểu từ các DN viễn thông trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT, NetNam, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)... đã thống nhất cần có chiến lược phát triển hạ tầng số và đóng góp các ý kiến.

Ông Bá Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel cho rằng cần quản lý trung tâm dữ liệu (DC) chặt chẽ, rõ ràng hơn. DC sẽ còn “kinh khủng” hơn vì tất cả dữ liệu, nội dung nằm ở đó. Theo đó, cần nghiên cứu cấp độ mở DC, phải rõ ràng mục tiêu và mở như thế nào.

Ông Tân cũng cho rằng cần có chiến lược cáp quang biển ở cấp chiến lược để làm chủ để không bị ngắt kết nối khi có những xung đột chính trị.

Đại diện của MobiFone cho rằng mục tiêu của chiến lược phải đo lường được, khả thi và trọng tâm. Hạ tầng số chủ yếu là các DN viễn thông thực hiện, khác với hạ tầng khác do Nhà nước đầu tư. Dự thảo chiến lược cần có mục tiêu cứng và mục tiêu mềm.

Đại diện Mobifone cũng cho rằng cần nghiên cứu chỉ tiêu cung cấp dịch vụ viễn thông bởi nếu chỉ tiêu cao quá thì ảnh hưởng đến bảo đảm hoạt động.

Đại diện VNPT cho rằng muốn phổ cập băng rộng thì cần bổ sung cáp quang biển. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải thiết kế đường cao tốc thì phải có đường cáp quang.

Về DC, đại diện của VNPT cho rằng nhu cầu sử dụng dịch vụ DC tăng nhanh nhưng không đồng đều giữa các vùng miền nên cần quan tâm đầu tư mở vì phải phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Về triển khai hạ tầng số, cần sự hỗ trợ của Chính phủ rất lớn, nên cần sâu sắc hơn chiến lược.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT cho biết dự thảo chiến lược cần tính đến tầm phủ rộng của viễn thông cho vùng biển. Ở nông thôn, vệ tinh tầm thấp rất quan trọng. Dự thảo chiến lược cần đề cập đến phủ sóng cho những thôn bản.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chỉ số chất lượng trải nghiệm (QoE). Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết trong COP26 nên phải đảm bảo chỉ số hạ tầng hạ viễn thông, hạ tầng số hướng tới xu xanh khi phát thải hiệu ứng nhà kính nhiều từ hạ tầng viễn thông đang có xu hướng tăng. Trung Quốc đặt rõ chỉ tiêu phát khí thải nhà kính đối với DC nếu không thì phải chuyển ra vùng ngoại biên hoặc phải đưa lên khu vực mát hơn nếu không việc đầu tư rất lớn. Phải có lộ trình thực hiện.

VINASA cho rằng việc xây dựng chiến lược cần tạo ra sự đột phá. Cần có những đột phá lên và có những điểm đột phá xuống để ưu tiên thực hiện phát triển hạ tầng số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
  • Hai nền tảng số MISA được công nhận là sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024
    Vượt qua hơn 1.000 hồ sơ và nhiều vòng thẩm định khắt khe, MISA có hai nền tảng số đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
  • Mở rộng trông xe không dùng tiền mặt mang lại lợi ích "kép"
    Việc áp dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng thu phí không dừng VETC và mã QR vào hoạt động thanh toán phí gửi xe không dùng tiền mặt không những góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ trông giữ xe.
  • 10 xu hướng định hình tương lai của quản lý giao dịch số
    Quản lý giao dịch số đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về xử lý tài liệu an toàn, hiệu quả. Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình xử lý tài liệu số.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chiến lược để hạ tầng số đi trước, đi nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO