Thiếu cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng về quản lý nhà, đất công
Đánh giá về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất công, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, các cơ quan, đơn vị quản lý tài sản nhà công vụ (quỹ nhà ở) được Nhà nước giao thực hiện thống nhất, có sự phân công, phân cấp rõ thẩm quyền trong quản lý và sử dụng. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, định mức về chế độ hiện hành; tài sản được mở sổ theo dõi cập nhật đầy đủ. Đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cũng được các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả, không bố trí cho thuê sai đối tượng, nhà ở không bị lấn chiếm, chiếm dụng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc quản lý sử dụng quỹ nhà, đất công cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đơn cử như chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể trong kiểm tra nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Việc duy tu, sửa chữa những nhà tập thể trước đây đã bán cho hộ dân tầng trệt, trong khi các tầng lầu vẫn còn thuộc sở hữu nhà nước hiện sở xây dựng đang cho thuê gặp khó khăn trong việc sửa chữa vì chi phí nhiều, có nhiều chủ sở hữu, cơ chế chính sách hiện nay chưa có quy định chi tiết.
Hiện nay, chưa có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng trong việc giao cho công ty kinh doanh nhà là công ty cổ phần để quản lý đối với nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho thuê nhà ở, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các địa phương dẫn đến chồng chéo trong thủ tục, hồ sơ. Đáng chú ý, tại các địa phương hiện đang tồn tại một số quỹ nhà, đất tiếp quản từ chế độ cũ, hoặc nhà, đất được xác lập sở hữu toàn dân, hoặc quỹ nhà, đất nhận giao lại từ chủ đầu tư các khu đô thị mới…
Theo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), theo chỉ đạo của Chính phủ, tính đến nay Cục đã nhận được báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Trong đó, 31 địa phường có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà; 32 địa phương không có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.
31 địa phương trên đang giao nhà đất theo các mô hình chủ yếu như: Giao cho doanh nghiệp quản lý (5 địa phương), giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý (11 tỉnh, thành phố), giao cho cơ quan nhà nước quản lý (7 địa phương), giao cho nhiều mô hình quản lý (8 địa phương).
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương thực hiện quản lý tổng số 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là hơn 23,7 triệu m2, tổng diện tích sàn là hơn 5.2 triệu m2. Trong đó, diện tích đất ở là gần 22 nghìn m2, diện tích nhà ở là hơn 4,3 triệu m2; diện tích đất không để ở là hơn 21,5 triệu m2, diện tích nhà không để ở là hơn 1,2 m2.
Tuy nhiên, "qua tổng kết, trên cơ sở báo cáo các địa phương cho thấy, hiện nay đối tượng được giao quản lý đối với quỹ nhà, đất này đang còn sự khác nhau giữa các địa phương và các cơ chế áp dụng cho việc quản lý, khai thác đối với quỹ nhà, đất này còn khác nhau", Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh nêu bất cập.
Việc thiếu các quy định cần thiết để quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất đã tác động lớn tới quá trình hình thành, sử dụng, khai thác, vận hành và xử lý tài sản, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do chưa có cơ chế cụ thể nên các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất này chưa có sự thống nhất. Cụ thể, có địa phương thực hiện đấu giá cho thuê, có địa phương lại không; có địa phương ban hành bảng giá cho thuê nhà, đất, có địa phương không. Hơn nữa, việc điều chỉnh bảng giá cho thuê còn nhiều bất cập, chưa kịp thời và điều chỉnh theo thị trường…
Sớm thống nhất quy định về quản lý Nhà nước
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, hiện nay việc giao tài sản nhà, đất cho các đối tượng quản lý tại Luật Quản lý tài sản công. Tuy nhiên, qua tổng kết trên cơ sở báo cáo các địa phương, Cục nhận thấy, đối tượng được giao quản lý quỹ nhà, đất; cơ chế áp dụng cho việc quản lý và khai thác đối với quỹ nhà, đất cũng còn khác nhau giữa các địa phương.
Do đó, để đảm bảo thống nhất về cơ chế trong quản lý sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất này, Bộ Tài chính đã đề xuất, báo cáo với Thủ tướng xây dựng một nghị định để quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Hiện Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã dự thảo sơ bộ nội dung nghị định và đang lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Qua đó sẽ xác định quỹ nhà, đất nào còn tiếp tục giữ, quỹ nhà, đất nào phải xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan và nếu giữ lại thì sẽ giao cho đối tượng nào quản lý, gắn với cơ chế sử dụng và khai thác đối với từng loại hình tổ chức đó. Phân tích sâu hơn về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương, dự thảo nghị định quy định tổ chức, cá nhân được tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương cho thuê nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thuê nhà theo đúng thời hạn quy định tại hợp đồng thuê nhà.
Nếu quá thời hạn thanh toán mà tổ chức, cá nhân thuê nhà chưa thanh toán, thì phải nộp khoản tiền chậm nộp. Khoản tiền chậm nộp được xác định tương ứng với việc xác định số tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ nguồn thu từ khai thác nhà, đất công, dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định hàng năm, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm lập dự toán, quyết toán các khoản thu, chi để trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị định sẽ bao gồm các nội dung chính: Quy định về việc phân loại nhà, đất đang giao cho tổ chức có chức năng, quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý; quy định về việc giao nhà, đất cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương (đơn vị sự nghiệp, công ty quản lý, kinh doanh nhà) quản lý; quy định về các hình thức quản lý, khai thác nhà, đất; quy định về việc xác định giá cho thuê, đấu giá cho thuê; quy định về hạch toán, theo dõi, bảo trì tài sản; quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng trên diện tích nhà, đất cho thuê; quy định về việc xử lý nhà, đất; quy định về việc quản lý sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác nhà, đất; chế tài xử lý các hành vi vi phạm; quy định về xử lý chuyển tiếp.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã có Công văn chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý./.