Xu hướng “bản địa hóa dữ liệu” trên thế giới

Hạnh Tâm | 07/08/2021 09:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, một số nước đang tạo nên các rào cản kỹ thuật số để ngăn chặn dòng chảy dữ liệu qua biên giới. Luật bản địa hóa dữ liệu tại một số quốc gia được ban hành để đảm bảo dữ liệu thu được trong một quốc gia chỉ được lưu trữ, xử lý và sử dụng tại quốc gia đó và không thể chuyển sang nước khác.

Xu thế "nội địa hóa dữ liệu" hiện nay

Theo một báo cáo mới từ quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin (ITIF), nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu đang chảy tự do xuyên biên giới, tuy nhiên, số lượng các quốc gia có những rào cản quy định ngăn chặn luồng dữ liệu này đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua - từ 35 quốc gia năm 2017 lên 62 quốc gia hiện nay. Các quốc gia đó đã thực hiện 144 biện pháp hạn chế dữ liệu trong biên giới của họ - một khái niệm được gọi là "bản địa hóa dữ liệu" (data localization).

Xu hướng “bản địa hóa dữ liệu” trên thế giới - Ảnh 1.

Sử dụng mô hình kinh tế định lượng, ITIF thấy rằng việc hạn chế luồng dữ liệu với các yêu cầu bản địa hóa này có tác động đáng kể đối với nền kinh tế của một quốc gia, làm giảm mạnh tổng khối lượng thương mại, giảm năng xuất và tăng giá thành đối với các ngành công nghiệp hạ nguồn (downstream industries) đang ngày càng dựa vào dữ liệu.

Nigel Cory, Phó giám đốc phụ trách chính sách thương mại của ITIF cho biết: "Bản địa hóa dữ liệu đang ngày càng gia tăng và những sự hạn chế khiến cho nền kinh tế kỹ thuật số càng trở nên tốn kém và phức tạp hơn. Trong nhiều trường hợp, các chính sách này bắt nguồn từ việc các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc lưu trữ dữ liệu trong pham vi nội địa là một cách hợp lý để bảo vệ quyền riêng tư hoặc tính bảo mật của công dân - điều này là không đúng. Trong trường hợp khác, các chính phủ làm điều đó vì tinh thần dân tộc hoặc vì mục đích độc tài. Dù bằng cách nào thì đây cũng là tự đánh bại mình. Bằng chứng rõ ràng là việc hạn chế các luồng dữ liệu gây thiệt hại cho các nền kinh tế bởi sự kìm hãm thương mại, giảm năng xuất và tăng giá thành".

Khảo sát bối cảnh chính sách quốc tế, ITIF đã xác định được 154 trường hợp có những quy tắc rõ ràng hoặc trên thực tế đã có hiệu lực ở 66 quốc gia về bản hóa dữ liệu - cộng với 38 chính sách khác ở các quốc gia đang xem xét mà vẫn chưa ban hành. Phân tích của ITIF thấy rằng các quốc gia hạn chế dữ liệu lớn nhất thế giới là Trung Quốc với 29 quy định; Ấn Độ 12 quy định; Nga 9 và Thổ Nhĩ Kỳ là 7.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng có hai phía đối lập. Những nước ủng hộ luật bản địa hoá dữ liệu thì cho rằng, những quy định như vậy rất quan trọng để bảo vệ sự riêng tư của công dân trong nước, thường bắt nguồn từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia là xâm phạm dữ liệu của người dân có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Những bất cập do "nội địa hóa dữ liệu"

Việc sử dụng chỉ số hạn chế dựa trên dữ liệu thu được từ dữ liệu của OECD về các quy định của thị trường sản phẩm, ITIF ước tính rằng việc tăng thêm 1 điểm về mức độ hạn chế dữ liệu của mỗi quốc gia sẽ làm giảm tổng sản lượng thương mại của nước đó đi 7%, giảm năng suất của nước đó đi 2,9% và tăng giá hạ nguồn các ngành dựa vào dữ liệu lên 1,5% trong vòng 5 năm.

Luke Dascoli, trợ lý nghiên cứu kinh tế và công nghệ tại ITIF cho biết: "Trung Quốc là một ví dụ điển hình nhất về cách các chính sách địa phương hóa dữ liệu. Trong giai đoạn 5 năm kể từ 2013 - 2018, Trung Quốc đã bổ sung 8 biện pháp bản địa hóa dữ liệu mới. Điều đó đã làm tăng hạn chế dữ liệu trong mô hình của chúng tôi lên 0,25 điểm. Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi ước tính rằng các hạn chế dữ liệu của Trung Quốc đã làm giảm sản lượng thương mại của nước này xuống 1,7% và năng suất của nước này giảm 0,7% đồng thời làm tăng 0,4% giá thành trong các ngành hạ nguồn dựa vào dữ liệu".

Báo cáo mới cung cấp một phân tích chi tiết về cách địa phương hóa dữ liệu đang lan rộng trên toàn cầu và tóm tắt những cách phổ biến nhất mà các nhà hoạch định chính sách hợp lý hóa động cơ của họ.

Sau đó, báo cáo đưa ra một đánh giá định lượng về tác động ngày càng tăng của nó. ITIF kết luận rằng các quốc gia có cùng chí hướng nên làm việc cùng nhau để xây dựng một nền kinh tế số mở dựa trên những quy tắc và sự sáng tạo. Để đạt được mục tiêu đó, ITIF đưa ra những khuyến nghị rộng rãi và các bước cụ thể để đạt được như sau:

Nâng cao quản trị dữ liệu toàn cầu

ITIF cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên xây dựng "khả năng tương tác" giữa các hệ thống quản lý khác nhau, tạo khuôn khổ chia sẻ dữ liệu y  tế; đưa hệ thống quy tắc bảo mật xuyên biên giới APEC trở thành mô hình toàn cầu về quản trị dữ liệu; xây dựng một "Công ước Geneva về dữ liệu"; cải thiện cơ chế pháp lý cho các yêu cầu xuyên biên giới đối với dữ liệu liên quan đến điều tra thực thi pháp luật; hỗ trợ việc áp dụng việc cập nhật các khung giám sát tài chính tập trung vào quyền truy nhập, vào dữ liệu lớn hơn là vị trí lưu trữ dữ liệu.

Thúc đẩy thương mại tự do kỹ thuật số

ITIF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các quy tắc nghiêm ngặt bảo vệ luồng dữ liệu và cấm bản địa hóa dữ liệu trong các cuộc đàm phán thương mại điện tử tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Thực hiện đến cùng các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số mới như các thỏa thuận liên quan tới Úc, Chile, New Zealand và Singapore.

Nigel Cory cho biết: "Bản địa hóa dữ liệu làm suy yếu tiềm năng của nền kinh tế số mở, dựa trên quy tắc và sáng tạoCác nhà hoạch định chính sách nên cập nhật luật pháp của quốc gia họ để giải quyết các mối quan tâm hợp pháp liên quan đến dữ liệu - nhưng phải đảm bảo mọi cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ có thể tối đa hóa những lợi ích kinh tế, xã hội to lớn của dữ liệu và công nghệ số. Đại dịch đã làm rõ các luồng dữ liệu là rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Nhiệm vụ bây giờ là đảm bảo rằng nền kinh tế số là một động lực thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế".

Nigel Cory kết luận: "Rất may, một số quốc gia chia sẻ mục tiêu đó và đang hợp tác trong các thỏa thuận, khuôn khổ và cơ chế pháp lý mới để thúc đẩy luồng dữ liệu,đồng thời cải thiện quản trị thương mại kỹ thuật số. Các đối tác có cùng chí hướng như Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ thúc đẩy việc phát triển các giải pháp thay thế mang tính xây dựng này cho việc bản địa hóa dữ liệu".

Bản địa hóa ở các nước ASEAN

Trong bối cảnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN ở các mức độ khác nhau cố gắng xây dựng các luật bảo vệ quyền riêng tư của quốc gia để giải quyết các mối quan ngại. Sau đó, các luật này có thể được thống nhất ở cấp độ khu vực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý ASEAN một cách có hiệu quả, cho phép dữ liệu được lưu chuyển tự do nhưng có sự kiểm soát và cân bằng cần thiết để đảm bảo không có chuyện bị lợi dụng.

ASEAN có thể áp dụng hệ thống quy tắc bảo mật xuyên biên giới (CBPR) - một hệ thống yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phát triển và thực hiện chính sách bảo mật dữ liệu phù hợp với khung bảo mật APEC.

Đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với những cuộc tấn công nguy hiểm có thể gây lo ngại, nhưng không thể vì điều đó mà cản trở những tiến bộ trong thời đại kỹ thuật số ngày càng phụ thuộc vào phân tích dữ liệu. Do đó, vấn đề là phải tìm ra một nền tảng trung gian để có thể tiến hành thay đổi thế giới, có luật để bảo vệ các nước chống lại những kẻ khai thác dữ liệu xuyên biên giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng “bản địa hóa dữ liệu” trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO