Xu hướng dịch chuyển sang điện toán đám mây gia tăng tại Việt Nam

Minh Thiện| 28/04/2019 07:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau Indonesia thì Việt Nam là thị trường có tiềm năng ứng dụng điện toán đám mây cao nhất tại khu vực ASEAN.

Trong những dự án chuyển đổi doanh nghiệp (DN) số hiện nay thì 40% số đó là dựa trên các công nghệ về học máy (machine learning) hoặc trí tuệ nhân tạo (AI). Những công nghệ mới này chỉ hiệu quả khi triển khai trên môi trường điện toán đám mây (ĐTĐM).

DN Việt đang hối hả “chuyển nhà” lên đám mây điện toán

Hiện nay, rào cản sử dụng ĐTĐM hạ thấp rất nhiều so với trước đây. Tại Việt Nam, có đến 90% DN là DN nhỏ và vừa (SME). Họ không có năng lực giống các DN lớn để có thể tự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại thì sử dụng ĐTĐM là một cơ hội để họ tiếp cận những cơ sở hạ tầng tốt.

Các SME cũng cần phải đổi mới sáng tạo để phát triển. Nếu họ không đổi mới sáng tạo thì sẽ bị phá sản hoặc bị DN lớn đè đẹp. Đấy là lý do vì sao các DN này với tính sáng tạo và chuyên môn của mình thì họ cần ứng dụng công nghệ mới như là ĐTĐM và machine learning để tối ưu hóa năng lực của họ. Việc xây dựng năng lực cạnh tranh với những DN lớn dẫn tới việc các SME tăng cường sử dụng ĐTĐM. Công nghệ ĐTĐM cho phép các DN sáng tạo đổi mới nhanh hơn.

Với những dự án chuyển đổi DN số hiện nay thì 40% những dự án chuyển đổi đó là dựa trên những công nghệ về machine learning hoặc AI. Nếu họ có khả năng sử dụng những công nghệ này để khai thác dữ liệu được tốt hơn, lấy được những thông tin từ dữ liệu đó ra, quyết định một cách hiệu quả và chính xác quả hơn thì họ sẽ thành công và ngược lại nếu không thì họ sẽ bị phá sản hoặc thất bại.

Ông Shaun Ray - Phụ trách quan hệ Nhà phát triển ứng dụng, Amazon Web Services (AWS) – chia sẻ: “Một khảo sát cho thấy sau Indonesia thì Việt Nam là thị trường có tiềm năng ứng dụng ĐTĐM cao nhất tại khu vực ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như ứng công nghệ nhanh trong những năm vừa qua, tôi thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Liên quan đến khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực, khi chúng tôi đưa ra những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ thì chỉ trong vòng sáu tháng đầu tiên đã có 200 chuyên gia CNTT Việt Nam có chứng chỉ về ĐTĐM.

Hơn nữa, theo ông Shaun Ray, các DN Việt Nam cũng có bề dày kinh nghiệm trong việc sử dụng các giải pháp CNTT từ những nhà cung cấp giải pháp lớn trên thế giới trước đây. Khi ứng dụng ĐTĐM với công nghệ như dữ liệu lớn, machine learning hoặc AI thì với kinh nghiệm trước đây sử dụng những giải pháp khác, họ có thể tiếp cận và sử dụng những hệ thống này trên nền tảng ĐTĐM nhanh chóng và dễ dàng.

Ông Shaun Ray - Phụ trách quan hệ Nhà phát triển ứng dụng, Amazon Web Services

Tại Việt Nam, giải pháp quản lý phân phối eMobiz của FPT Software xây dựng trên nền tảng AWS đã được triển khai tại 250.000 cửa hàng bán lẻ của tập đoàn Masan Consumer Holding, một trong những công ty FMCG lớn nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Giải pháp này đã cho phép Masan chuyển các nền tảng của họ lên đám mây AWS Cloud mà không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng cuối, điều này đã khẳng định FPT là đối tác tin cậy trong chuyển đổi và hiện đại hóa hạ tầng CNTT của Masan. Mới đây, FPT Software đã giúp Siemens triển khai giải pháp MindSphere của họ trên nền tảng dịch vụ AWS. Phiên bản mới MindSphere trở thành một nền tảng IoT mạnh mẽ dành cho các công ty ở mọi quy mô, mọi ngành nghề có thể ứng dụng dữ liệu lớn cho xu thế hội tụ IT/OT.

Vietjet Air là một hãng hàng không trong nước và cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh bao gồm cả trong nước cũng như các hãng hàng không quốc tế. Hai năm trước Vietjet Air cũng phát triển những ứng dụng đặt chỗ (booking) trên nền tảng điện toán đám mây AWS tận dụng lợi thế cạnh tranh.

Tiki là một trang web thương mại điện tử. Tiki sử dụng nền tảng AWS vì lý do AWS là hệ thống CNTT họ có thể sử dụng ngay mà không phải xây dựng hệ thống này. Thứ hai là nó cho phép họ cá nhân hóa theo từng khách hàng. Khi có tài khoản Tiki, người dùng đăng nhập vào thì sẽ thấy những sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của mình chứ không phải một sản phẩm chung cho nhiều người. Thứ ba, nó có cơ chế khuyến nghị là người này mua cái này rồi cũng sẽ mua những cái khác giống như khuyến nghị trên trang Amazon về mua sách chẳng hạn.

Điện Quang, nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam về thiết bị điện và chiếu sáng, đã công bố hợp tác với AWS để xây dựng các giải pháp ngôi nhà thông minh.

Điện Quang đã đặt dịch vụ DQHome trên nền tảng đám mây AWS Cloud và tận dụng hạ tầng mở rộng liên tục, hiệu năng vô song, dễ dàng mở rộng cùng các dịch vụ đầu ngành của AWS. Sự công bố này sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác với Điện Quang trong tích hợp các công nghệ tiên tiến của AWS như Amazon Polly, Amazon Machine Learning và Amazon Artificial Intelligence (AI) vào ứng dụng thoại và nhận dạng hình ảnh cho dịch vụ DQHome và nền tảng HomeCare Platform, cùng một nền tảng điện tử trực tuyến khác.

Được ứng dụng cho các giải pháp và sản phẩm IoT, các dịch vụ AWS Cloud giúp Điện Quang tăng cường kiến trúc, bảo mật và tính khả mở của dịch vụ DQHome cùng các nền tảng khác.

Đối với hệ thống tài chính ngân hàng, đây là một thị trường rất quan trọng của AWS, ở khắp nơi từ những thị trường ở Mỹ hoặc DPS tại Singapore hay EVA của Úc … các ngân hàng lớn này đã chuyển sang sử dụng nền tảng ĐTĐM.

Bên cạnh việc xây dựng những trang web để tương tác tốt hơn với khách hàng, một trong những lý do chính để họ chuyển sang môi trường ĐTĐM là họ có thể thu thập, quản lý, phân tích những khối lượng dữ liệu khổng lồ. Những DN này thường có hàng Terabyte dữ liệu và với hệ thống hiện có tại chỗ của họ không thể xử lý được mà phải chuyển lên môi trường ĐTĐM.

Ngày nay các ngân hàng cạnh tranh không chỉ đơn thuần là thu hút khách hàng bán lẻ mà còn thu hút nguồn vốn đầu tư của các cổ đông. Khi phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ mà họ có được trên nền tảng ĐTĐM thì sẽ thấu hiểu được nhu cầu của các bên liên quan bao gồm cả khách hàng và cổ đông để có thể thu hút được các đối tượng này.

Một xu thế hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước cũng nới lỏng dần các quy định về việc ngân hàng được phép lưu trữ dữ liệu trên nền tảng ĐTĐM và khi có những quy định như vậy thì các ngân hàng có thể chuyển dữ liệu lên trên môi trường ĐTĐM, đồng thời tận dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn trên nền tảng này nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Dễ thấy lợi ích mà ĐTĐM mang lại cho các tổ chức, DN như: độ linh hoạt, tốc độ triển khai tài nguyên cơ sở hạ tầng. Ví dụ như trước đây, khi bộ phận nghiệp vụ, kinh doanh của một DN muốn triển khai sản phẩm ứng dụng mới cho khách hàng, thông thường, họ sẽ yêu cầu bộ phận CNTT đi mua máy chủ, đặt hàng mất mấy tháng sau đó nhận về thiết bị, cấu hình, kết nối, cài đặt hệ điều hành, cài đặt phần mềm. Quá trình thực hiện dự án như vậy phải mất từ sáu tuần, sáu tháng, thậm chí một năm. Như vậy khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường lại bị chậm chân hơn đối thủ khác. Nhưng với ĐTĐM, khi người dùng cần tài nguyên lưu trữ thì chỉ vài cái click chuột là xong.

Máy chủ cũng vậy, hôm nay DN cần một cái máy chủ để chạy ứng dụng này, ngày mai cần thêm CPU bổ sung thêm thì có ngay. Nó rất linh hoạt và nhanh chóng. Người dùng trả tiền theo mức độ mà họ sử dụng. Như vậy, tốc độ và độ linh hoạt là yếu tố hấp dẫn các tổ chức, DN. Hiện nay, khi triển khai một ứng dụng mới thì họ mặc định sử dụng ĐTĐM trước. Nếu không sử dụng được ĐTĐM thì họ mới tìm các phương án khác.

An toàn và tin cậy

Mọi hoạt động của Amazon đều hướng tới khách hàng, tức là 95% các sản phẩm dịch vụ đưa ra là dựa trên việc khảo sát lấy thông tin phản hồi từ khách hàng và đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng đòi hỏi cao nhất về mức độ an ninh bảo mật. Sau khi đáp ứng được những khách hàng đó, dịch vụ này sẽ dễ dàng được chấp nhận và sử dụng rộng rãi bởi hàng triệu khách hàng khác.

AWS là một đơn vị cung cấp ĐTĐM có kinh nghiệm hàng đầu trên thị trường ĐTĐM trên thế giới. Hơn nữa quy mô thị phần của hãng này cũng vượt trội hơn những đối thủ cạnh tranh và có nhiều vấn đề nó chỉ bộc lộ khi mà đạt tới quy mô nhất định.

ĐTĐM là thị trường toàn cầu và ở trong thị trường này, các DN không chấp nhận bất kỳ một gián đoạn hoạt động nào kể cả một phút, một giây. Họ cần tính an ninh bảo mật, độ sẵn, có bề dày kinh nghiệm của nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM. AWS đã chứng tỏ được những điều đó với các dịch vụ ĐTĐM tin cậy, có mức độ an ninh bảo mật cao, có độ sẵn sàng cao. Tất cả những điều đó khiến AWS vượt trội hơn những nhà cung cấp khác.

“Chúng tôi có thuật ngữ Region (vùng) sau đó có Availability Zone (khu vực sẵn sàng) và khu vực gần Việt Nam nhất đó là tại Singapore. Tại Singapore thì có ba khu vực sẵn sàng. Trong trường hợp hai trong đó bị sập thì vẫn còn 1 cái để đảm bảo độ sẵn sàng. Với hạ tầng lưu trữ của chúng tôi, hiện tại rất nhiều khách hàng khó tính như các ngân hàng vẫn đang sử dụng các dịch vụ này và khách hàng có thể tạo ra sáu bản sao về dữ liệu vật lý. Thường thì trong viễn thông người ta hay nói về độ tin cậy 5 số 9 thôi, nhưng mức độ tin cậy của dịch vụ mà chúng tôi đáp ứng lên tới 11 số 9. Có thể nói rằng độ tin cậy bảo mật dữ liệu của này rất cao”, ông Shaun Ray bổ sung thêm.

Các khía cạnh đảm bảo sự liên tục trong hoạt động luôn được ASW đảm bảo. Các trung tâm sẵn sàng hoặc dự phòng thảm họa của hệ thống đặt tại nhiều khu vực sẵn sàng khác nhau mà người dùng không cần quan tâm, không cần biết đến. Đây là lợi thế khi sử dụng ASW mà người dùng được tận hưởng mà không phải trả tiền và tất cả những điều đó được AWS thực hiện thay cho khách hàng.

Ông Shaun Ray khẳng định: “Chúng tôi có những khách hàng rất lớn và quan trọng như Bộ an ninh nội địa của Hoa Kỳ, hãng Netflex hoặc những ngân hàng lớn nhất như Goldman Sachs… Một khi những tổ chức hàng đầu như vậy họ đã sử dụng công nghệ của chúng tôi đưa ra thì đương nhiên những khách hàng khác sẽ an tâm mà sử dụng. Do đó khách hàng ở Việt Nam chỉ cần vài cú click chuột thôi có thể sử dụng dịch vụ đã được kiểm chứng cũng như được công nhận bởi những khách hàng hàng đầu trên thế giới như vậy”.

AWS cung cấp các dịch vụ ĐTĐM cùng các công cụ cho các khách hàng để khách hàng lưu trữ, xử lý dữ liệu của họ. Điều đó có nghĩa là AWS không sở hữu dữ liệu cá nhân và không can thiệp vào dữ liệu của khách hàng. Khách hàng toàn quyền quyết định lưu giữ dữ liệu tại đâu và xử lý chúng như thế nào.

“Hơn nữa về phía khách hàng và người dùng, chúng tôi cũng khuyến nghị họ mã hóa dữ liệu của họ trên nền tảng ĐTĐM của chúng tôi. AWS có những công cụ mã hóa để giúp khách hàng mã hóa dữ liệu của mình khi họ lưu trữ chúng trên nền tảng ĐTĐM”, ông Shaun Ray cho biết.

Bình dân hóa những tính năng hiện đại nhất

Hiện nay, với tất cả những người cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, tính năng personalization (cá nhân hóa) và recommendation (khuyến nghị) là hai tính năng rất quan trọng để thu hút khách. Hầu như mọi DN rất khó khăn trong việc đưa ra hai tính năng này. Nếu như các tổ chức, DN thuê người làm thì rất là đắt đỏ. Tại hội nghị Re:Invent tháng 11/2018, AWS đã đưa ra dịch vụ giúp cho các DN đưa vào 2 tính năng này một cách rất dễ dàng.

Chuỗi cửa hàng pizza toàn cầu Domino hiểu rằng, khách hàng của họ khi sử dụng trang Web của Domino muốn nhìn thấy những sản phẩm cá nhân hóa. Tức là khi họ truy cập vào thì thấy những bánh pizza theo khẩu vị và sở thích của họ được hiển thị chứ không phải những cái bánh pizza thông thường. Với Domino, để thuê một bộ phận CNTT hiểu được nhu cầu của khách hàng và đưa ra khả năng cá nhân hóa này thì chi phí rất lớn. Thế nên họ sử dụng một tính năng trên AWS gọi là personalization. Họ phát triển ứng dụng di động về cá nhân hóa này giành cho khách hàng muốn ăn bánh pizza Domino theo khẩu vị riêng của họ.

Một khó khăn nữa đối với hầu hết các tổ chức, DN là thực hiện dự báo. Tính năng này rất quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực như: dự báo thời tiết, dự báo về giá bất động sản, dự báo về hàng tồn kho, dự báo về sản lượng, mùa vụ … Những dự báo này quan trọng nhưng không hề dễ thực hiện.

Tính năng Amazon Forecast trên AWS có thể thực hiện việc dự báo cho người dùng. Tất cả những gì người dùng cần làm là đưa dữ liệu vào hệ thống. Dữ liệu đầu vào có thể ở dưới dạng bảng tính excel rất đơn giản và người dùng cũng không cần phải lựa chọn thuật toán mà hệ thống sẽ tự thực hiện, dựa trên những dữ liệu đầu vào đưa ra dự báo cho DN. Những DN này không nhất thiết phải là những DN lớn hoặc quá giàu mà họ chỉ là những DN bình thường cũng có thể sử dụng tính năng Amazon Forecast này để thực hiện dự báo.

Thuật toán này còn thông minh đến mức nó biết tính mùa vụ. Ví dụ như chúng ta có 4 mùa khác nhau, hoặc như Singapore có mùa mưa và mùa khô. Dữ liệu đầu vào, thuật toán hiểu được tính mùa vụ đó để đưa ra những dự báo phù hợp như yêu cầu sản phẩm khác nhau theo mùa vụ khác nhau.

Ông Shaun Ray cho biết thêm: Một trong năm gateway phổ biến nhất về thanh toán thẻ tín dụng ở khu vực châu Á hiện đang chạy trên nền tảng ĐTĐM AWS. Lý do họ muốn sử dụng công cụ SageMaker. Đây là công cụ machine learning để họ có thể phát hiện gian lận. Khi tất cả giao dịch thương mại điện tử diễn ra thông qua giao dịch thẻ tín dụng của cổng này thì nó chạy trên nền tảng AWS. Họ mong muốn xử lý phần gian lận trên hệ thống ĐTĐM này.

Về công nghệ AI, AWS có một công cụ AWS marketplace for machine learning. Nó giống như một cái chợ. Trên cái chợ này có khoảng trên 200 thuật toán khác nhau và có một blog viết về những thuật toán đó.

Khi vào gian hàng này, các nhà phát triển tại Việt Nam có thể sử dụng những thuật toán có sẵn, sau đó chỉ mất 5 phút đối với người không cần phải là những chuyên gia kỹ thuật cũng có thể viết ra những mô hình về học máy rồi tải (upload) lên cái chợ này để người dùng khắp nơi có thể mua và sử dụng.

Một trong những quan ngại của những người đưa ra thuật toán machine learning lên chợ giống như marketplace với AWS là quyền sở hữu trí tuệ của người ta bị mất. Thế nhưng khi đưa những mô hình về machine learning lên chợ này thì mọi người an tâm rằng kể cả người dùng và DN khác đều không nhìn được vào bên trong. Họ không thể biết được thuật toán đó là gì do đó quyền sử hữu trí tuệ của những người viết ra những mô hình đó hoàn toàn được bảo vệ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng dịch chuyển sang điện toán đám mây gia tăng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO