Truyền thông

Xu hướng phát triển của podcast trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí

Trường Thanh 22/02/2024 08:55

Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ hiện nay, các phương tiện truyền thông mới ra đời và khẳng định sự phát triển vượt trội của mình. Cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, podcast nổi lên như một xu hướng phát triển phù hợp với sự tiếp nhận thông tin của công chúng.

Podcast đã và đang là xu hướng của ngành công nghiệp giải trí, truyền thông

Sự bùng nổ sáng tạo nội dung trên các nền tảng podcast đã và đang là xu hướng của ngành công nghiệp giải trí, truyền thông. Xu hướng này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng một cách đầy hào hứng và tạo nên làn sóng thịnh hành ở giới trẻ.

podcast-tieng-viet-3.jpg
Ảnh: Internet

Podcast hoàn toàn có thể trở thành phương tiện để các cơ quan báo chí thay đổi phương thức, tư duy làm báo hiện đại; có thể là sân chơi để mỗi cá nhân trở thành một nhà sáng tạo nội dung và tiếp cận lượng thính giả khắp mọi nơi.

Nhiều nhà nghiên cứu truyền thông nhận định rằng: Podcast là xu hướng truyền thông của tương lai. Trong số các phương tiện truyền thông, podcast nổi lên là một xu hướng mới và nhanh chóng trở thành “món ăn tinh thần” ngày càng thịnh hành và được đông đảo thính giả đón nhận và yêu thích.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Đinh Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: Tại Việt Nam, CĐS báo chí nằm trong lộ trình CĐS quốc gia. Các công nghệ mới và xu hướng số hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tạo ra sự sáng tạo và thay đổi trong ngành này. Điều đó giúp cho các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí với các hình thức truyền tải hấp dẫn như podcast, video, infographics, megastory, longform... và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, dựa vào sở thích và hành vi tiếp nhận của họ. Trong số những hình thức mới trên, phải kể tới xu hướng phát triển mạnh mẽ của podcast.

Podcast là một tệp âm thanh kĩ thuật số bao gồm lời nói, âm nhạc... được tải lên mạng để người nghe có thể tự do truy cập. Khác với radio, nơi các chương trình được phát sóng theo lịch trình có sẵn và mất đi ngay sau khi phát sóng, podcast là một hình thức nội dung theo nhu cầu (on-demand). Người nghe có thể tự do lựa chọn nghe podcast bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và có thể tua đi tua lại tùy thích. Lợi thế của podcast là đường truyền rộng và linh hoạt hơn so với phát thanh truyền thống.

Trong làn sóng phát triển của podcast, Việt Nam đã nắm bắt cơ hội dựa trên nền tảng công nghệ số và tư duy đổi mới trong cách làm truyền thông. Mặc dù không có nhiều số liệu công khai liên quan đến việc sản xuất và nghe podcast ở Việt Nam, song sự ra đời kênh podcast của các cơ quan báo chí; kênh podcast cá nhân của các bạn trẻ đã cho thấy xu hướng phát triển của loại hình truyền thông này.

“Vì thế không lâu nữa, muốn tồn tại và phát triển, các đài phát thanh chắc chắn sẽ phải có sự thỏa hiệp kỹ thuật, đưa podcast ứng dụng vào đời sống. Hình thức “nghe báo” này đang được dự đoán sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới. Xu hướng này sẽ không chỉ phát triển trong đại dịch COVID-19 mà chắc chắn sẽ là xu hướng của truyền thông tương lai, truyền thông của kỷ nguyên số”, TS. Đinh Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ThS. Lê Tuấn Anh, nghiên cứu sinh AJC cho biết: Dù mới phổ biến tại Việt Nam, podcast đã sớm giành được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tòa soạn báo điện tử. Đến nay, podcast đã dần trở thành một xu hướng của báo điện tử ở Việt Nam.

Đã có hàng chục các trang báo điện tử sở hữu podcast, từ các cơ quan báo chí chủ lực, các tờ báo lớn cho đến các cơ quan báo chí chuyên ngành và cả các báo địa phương. Việc sử dụng phổ biến podcast trên báo điện tử ở Việt Nam là phù hợp với Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Trong quá trình phát triển báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, podcast trên báo điện tử đã đóng góp những vai trò hết sức quan trọng.”, ThS. Lê Tuấn Anh cho hay.

Xu hướng phát triển của podcast và áp dụng tại Việt Nam

Năm 2020 được cho là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của podcast. Theo báo cáo xu hướng podcast hằng năm của Discover Pods, có hơn 82% người dùng thường nghe podcast trên 7 giờ/tuần, 33% người dùng nghe podcast trên thiết bị thông minh hay 59% người dùng dành thời gian nghe podcast nhiều hơn là truy cập vào mạng xã hội.

Podcast Insights thống kê tại Mỹ có khoảng 68 triệu người thường xuyên nghe podcast vài lần trong tuần và 155 triệu người từng nghe ít nhất 1 podcast. Trong khi đó ở Anh, 12,5% dân số nghe podcast hằng tuần, tăng 58% trong 2 năm 2018 và 2019. Những người hâm mộ podcast ở Anh hiện đang nghe trung bình 7 podcast mỗi tuần.

Tập đoàn Kiểm toán và tư vấn đa quốc gia Deloitte có trụ sở tại London (Anh) ước tính, doanh thu từ podcast toàn cầu có thể đạt trên 1 tỷ USD trong năm vừa qua, tăng 30% so với năm 2019, và sẽ vào khoảng 3,3 tỷ USD vào năm 2025. Các tên tuổi lớn về podcast như Apple, Google và Spotify đều có các chiến lược tăng cường lĩnh vực này.

Ở Việt Nam, TS. Đinh Thị Thanh Tâm cho biết: Tuy chỉ mới manh nha chưa bao lâu nhưng podcast ngày một gần gũi và đón nhận số lượng sản phẩm tăng lên đáng kể vào năm 2020 và tiếp tục phát triển thời điểm này. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, song truyền thông đã đón đầu những xu hướng mới để tiếp cận. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH), một số tờ báo như Vietnamplus, Vnexpress… cũng sản xuất podcast để có thể tiếp cận đến một lượng người nghe lớn yêu thích loại hình chương trình này.

Những trang thông tin, các tổ chức, hay các cá nhân khác nhau cũng đồng loạt mở 1 hoặc nhiều chương trình podcast. Đơn cử như Vnexpress có tới 4 chương trình podcast, trang thông tin Vietcetera cũng sản xuất gần 10 podcast khác nhau. Những sản phẩm truyền thông qua podcast về các lĩnh vực của đời sống - xã hội với cách tiếp cận mới đã mang lại sự hứng thú của thính giả trong tiếp nhận thông tin.

Vào ngày 1/9/2021, Radio Nhân Dân ra đời nhằm đa dạng hóa nội dung và sản phẩm báo chí - truyền thông, mở rộng cách thức tiếp cận người sử dụng, nhất là độc giả - khán thính giả trẻ tuổi, ưa thích các nền tảng công nghệ số.

39.jpg
Radio Nhân Dân ra đời nhằm đa dạng hóa nội dung và sản phẩm báo chí - truyền thông, mở rộng cách thức tiếp cận người sử dụng, nhất là độc giả - khán thính giả trẻ tuổi, ưa thích các nền tảng công nghệ số.

Ngày 1/10/2021, Báo Nhân Dân bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hằng ngày trên các nền tảng podcast, với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới đông đảo thính giả trong nước và nước ngoài, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo Đảng lớn nhất của đất nước cho công chúng. Mỗi ngày trên Radio Nhân Dân (rND) sẽ có hai bản tin thời sự vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi bản tin kéo dài khoảng 10 phút với những thông tin trong nước và quốc tế nổi bật.

Radio Nhân Dân đang hoạt động trên các nền tảng podcast thông dụng của thế giới như Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts, SoundCloud, YouTube và Amazon Music. Các bản tin ngắn gọn, súc tích trên Radio Nhân Dân sẽ là nguồn tin chính thống tin cậy cho người dân.

screenshot-40-.png
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) điện tử đã sớm có định hướng phát triển các tác phẩm podcast kể từ đầu năm 2021 và cho ra mắt chuyên mục podcast khi ra mắt giao diện mới và chuyên trang Media Quân đội nhân dân tại địa chỉ media.qdnd.vn.

Hòa cùng xu thế phát triển tích cực đó của Báo Nhân Dân điện tử, để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc, bộ đội và nhân dân, Báo QĐND điện tử đã sớm có định hướng phát triển các tác phẩm podcast kể từ đầu năm 2021 và cho ra mắt chuyên mục podcast khi ra mắt giao diện mới và chuyên trang Media Quân đội nhân dân tại địa chỉ media.qdnd.vn.

Chuyên trang này có chuyên mục riêng dành cho các tác phẩm podcast và những tác phẩm này đều được tích hợp trên các nền tảng phổ biến nhất của loại hình này như: Google store, Apple Podcast, Spotify...

screenshot-41-.png
VOV phát triển các tác phẩm podcast để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc.

Các mảng đề tài, lĩnh vực podcast được Báo QĐND điện tử chú trọng phát triển bao gồm: Giáo dục truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên mục Ngày này năm xưa; các bản tin Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống “diễn biến hòa bình”; các phóng sự, ghi chép, hồi ức, hồi ký cảm động...

“Trong bối cảnh CĐS mạnh mẽ hiện nay, các phương tiện truyền thông mới ra đời và khẳng định sự phát triển vượt trội của mình. Cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, podcast nổi lên như một xu hướng phát triển phù hợp với sự tiếp nhận thông tin của công chúng. Sự tiếp cận của cơ quan báo chí đối với loại hình podcast đang chứng tỏ sự chuyển mình mạnh mẽ trong môi trường truyền thông số, hướng tới đổi mới nội dung, phương thức để tác động phù hợp đến đông đảo công chúng”, TS. Đinh Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Tài liệu Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”

[2]. http://lyluanchinhtri.vn/home/...

[3]. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/podcast-hinh-thuc-nghe-bao-dang-len-648602

[4]. https://nhandan.vn/bao-nhan-da...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng phát triển của podcast trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO