Truyền thông

Xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện - sự phát triển tất yếu trong bối cảnh CĐS

Trường Thanh 22:18 12/02/2024

Mô hình cơ quan báo chí đa loại hình truyền thông hoặc cơ quan truyền thông đa phương tiện trở thành xu thế và sự phát triển tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) nói chung và CĐS báo chí nói riêng.

Phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện là yêu cầu sống còn

Hiện nay, bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự CĐS mạnh mẽ, mô hình cơ quan đơn thuần thực hiện các loại hình báo chí là một mô hình đã lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển chung. Thay vào đó, mô hình cơ quan báo chí đa loại hình truyền thông hoặc cơ quan truyền thông đa phương tiện trở thành xu thế và sự phát triển tất yếu.

Báo chí đa phương tiện là thuật ngữ để chỉ các tờ báo có khả năng truyền tải thông tin không giới hạn bằng văn bản (text), hình ảnh tĩnh (still image), hình ảnh động (animation), đồ họa (graphic), phát thanh (radio), file âm thanh (audio), truyền hình (television) và video, các chương trình tương tác (interactive programs)… ở nhiều mức độ khác nhau. Nhờ vậy, có khả năng thoả mãn gần như đầy đủ các giác quan cảm thụ thông tin của công chúng.

PGS. TS. Trương Thị Kiên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Báo chí đa phương tiện đã được ứng dụng rộng rãi ở các cơ quan báo chí trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây là mô hình phù hợp cho sự phát triển của cơ quan báo chí hiện nay, đặc biệt là trước xu thế CĐS nói chung và CĐS báo chí nói riêng.

“Trước nhu cầu ngày càng cao của công chúng, một cơ quan báo chí không còn chỉ sản xuất loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng, mà đã phải phát triển các dòng sản phẩm theo đặc trưng của truyền thông mạng xã hội (MXH), trên không gian Internet. Mô hình truyền thông đa phương tiện sẽ giải quyết được vấn đề này”, PGS. TS. Trương Thị Kiên chia sẻ.

PGS. TS. Trương Thị Kiên cũng cho biết, theo các nghiên cứu về xu hướng số (digital) của Việt Nam và thế giới nói chung, thì thời gian người Việt Nam lên mạng Internet nói chung, truy cập các MXH nói riêng gia tăng theo từng năm. Năm 2022, người Việt Nam trung bình truy cập khoảng gần 7 giờ/ngày. Số lượng người truy cập mạng tăng lên, nhưng số lượng (do Bộ TT&TT công bố năm 2021) người truy cập toàn hệ thống báo chí điện tử chính thống lại giảm trên 10%.

Điều này cho thấy, hầu hết các cơ quan báo chí dường như đang giảm sức thu hút với công chúng trong “cuộc đua” với MXH. Vì vậy, việc phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện cho báo chí, hay báo chí đa loại hình truyền thông là yêu cầu sống còn.

Một điểm quan trọng nữa, tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chủ trương bao gồm: Các cơ quan báo chí cần sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

“Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan báo chí tiến tới thực hiện mô hình cơ quan báo chí đa loại hình truyền thông - cơ quan truyền thông đa phương tiện”, PGS. TS. Trương Thị Kiên cho hay.

ts-so.jpg
Việc phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện cho báo chí, hay báo chí đa loại hình truyền thông là yêu cầu sống còn. (Ảnh: tai nguyenvamoitruong.vn).

Thực tế ứng dụng báo chí đa phương tiện tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 1431/QĐ-TTg, ngày 26/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030”, có 6 cơ quan báo chí được thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, gồm: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Báo Công an nhân dân.

Hiện nay, TTXVN ngoài chức năng là ngân hàng tin tức, còn sản xuất nhiều đầu báo in; báo mạng (vietnamplus.vn) và kênh Truyền hình Thông tấn xã cũng đã trở thành những địa chỉ tin cậy, uy tín với hàng triệu công chúng.

VOV, VTV ngoài loại hình báo chí truyền thống với hàng trăm hệ, kênh sóng, còn có thêm các tờ báo in, báo mạng; và kênh truyền hình VOVTV cũng đã dần trở nên quen thuộc với khán giả cả nước…

Báo Nhân Dân, Báo QĐND đã triển khai mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, thay đổi rất nhiều phương thức tuyên truyền trên các nền tảng như: Facebook, Youtube, Podcast, Spotify và Tiktok… Đặc biệt, các báo có lượt theo dõi trên MXH rất cao.

PGS. TS. Trương Thị Kiên nhấn mạnh: Tại Việt Nam, nhìn nhanh vào bức tranh các cơ quan báo chí, có thể nhận thấy, năng lực thông tin đa phương tiện đã phát triển mạnh. Trên nhandan.org.vn, vov.vn, vtv.vn, vtc.vn, vnexpress.net, vietnamnet.vn, tuoitre.vn, laodong.vn, vnplus.vn, thanhnien.vn, tienphong.vn, qdnd.vn..., công chúng được đọc văn bản, nghe chương trình/tác phẩm phát thanh, xem chương trình/ tác phẩm truyền hình, thưởng thức tranh, ảnh, đồ họa...

Vov.vn được xem là tờ báo mạng đa phương tiện tiện ích khi tích hợp một cách tương đối sinh động các phương thức đọc - nghe - nhìn. Mọi loại hình báo chí hiện có của VOV đều hiện diện khá sinh động trên giao diện web. Chỉ cần click vào các biểu tượng kênh chương trình phát thanh VOV1-VOV5, VOVGT, VOVTV hay gala ảnh, người đọc sẽ được nghe đài, xem truyền hình, đọc báo mạng, báo in, chiêm ngưỡng ảnh thời sự.

vov-giao-thong.png
Các tác phẩm bằng chữ viết, video, âm thanh, tranh, ảnh… hiện diện sinh động trên tờ báo mạng điện tử Vov.vn của VOV.

Trong khi đó, điều dễ nhận thấy là vtv.vn - tờ báo mạng của VTV, Vtc.vn - tờ báo mạng của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC hay Htv.vn - tờ báo mạng của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đều tận dụng lợi thế của chính cơ quan báo mình để đưa lên mạng chuyên mục Truyền hình. Người xem có cơ hội xem lại một số chương trình/tác phẩm truyền hình đã phát sóng.

Ngoài ra, Vnexpress.net hay Vietnamnet.vn - những tờ báo mạng độc lập có tên tuổi của Việt Nam cũng cập nhật video, audio lên trang, thực hiện multimedia với các hình thức longform, megastory, inforgraphics, podcast...

2.png
Vtv.vn đưa một số chương trình truyền hình đã phát sóng lên mạng.

Trên trang Qdnd.vn, người truy cập được nghe, xem tin tức từ tờ báo in (bản PDF), từ chuyên trang video - audio, từ các tác phẩm thuộc multimedia…

Tương tự, một số tờ báo khác như Tuoitre.vn, Tienphong.vn... cũng nỗ lực mở thêm chuyên mục Truyền hình hay Phát thanh, Multimedia do phóng viên bản báo tự quay, tự sản xuất hoặc khai thác, sưu tầm...

3.png
NhanDan điện tử có Radio Nhân Dân, bao gồm “Bản tin thời sự”, “Dân tộc và Tôn giáo”, “Đọc truyện”.

Truyền hình số của Báo Thanh Niên dù mới phát triển gần đây nhưng đã nhanh chóng đạt con số hơn 5 triệu người đăng ký theo dõi kênh YouTube Báo Thanh Niên, được đông đảo đồng nghiệp đánh giá cao.

“Có thể khẳng định, báo chí đa phương tiện đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều cơ quan truyền thông báo chí. Nhưng trong bối cảnh CĐS, các cơ quan báo chí còn phải thực hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. Chính vì vậy, mô hình cơ quan báo chí đa loại hình truyền thông hoặc cơ quan truyền thông đa phương tiện - phải trở thành xu thế tất yếu, sự phát triển tất yếu của các cơ quan báo chí, không chỉ là sáu cơ quan chủ lực mà phải nhiều hơn thế”, PGS. TS. Trương Thị Kiên nhấn mạnh.

4.png
5.png
Chuyên trang Multimedia và chuyên trang Video - Audio của báo qdnd.vn.

Để chuyển đổi sang một mô hình truyền thông đa phương tiện cần sự hỗ trợ nhiều bộ, ngành

PGS. TS. Trương Thị Kiên kiến nghị, để một cơ quan báo chí chuyển đổi sang một mô hình truyền thông đa phương tiện, không chỉ là câu chuyện của một đơn vị, mà phải có sự đồng hành quyết tâm của nhiều đơn vị, sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, cơ quan để cùng triển khai các giải pháp về tài chính, công nghệ, luật pháp.

Hơn thế nữa, Luật báo chí cần phải sửa đổi, với việc bổ sung hệ thống thuật ngữ “truyền thông đa phương tiện cho cơ quan báo chí”, “cơ quan báo chí đa loại hình truyền thông” cùng đặc thù và mô hình, nguyên tắc hoạt động.

Đối với những người đứng đầu cơ quan báo chí, để tờ báo chuyển đổi được sang mô hình truyền thông đa phương tiện, cần phải có tư duy “đi tắt đón đầu” công nghệ, hành động quyết liệt với các mục tiêu cụ thể cần đạt được, chẳng hạn: Đưa mọi sản phẩm tiếp cận nền tảng số, MXH; tổ chức lại các khu vực nhân sự phù hợp để vận hành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện; phát triển dòng báo chí theo đặc thù truyền thông MXH; triển khai các ứng dụng AI, Chatbot, Chat GPT…

Cùng với đó là cử lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS báo chí, kỹ năng sản xuất truyền thông đa phương tiện./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện - sự phát triển tất yếu trong bối cảnh CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO