Xử phạt hàng loạt cơ quan báo chí có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí

PV| 06/11/2022 15:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã tiếp tục tiến hành đợt tổng kiểm tra, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 với mục tiêu cuối năm 2023, vấn đề này cơ bản sẽ được giải quyết.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam hiện có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Bên cạnh mặt tích cực là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, lan toả thông tin chính thống trên môi trường mạng, thời gian gần đây, tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bắt đầu từ năm 2019, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT triển khai một loạt biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng "báo hóa" tạp chí, báo hóa trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Đặc biệt, từ năm 2021, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức giao ban riêng với các cơ quan tạp chí 1 tháng/lần; Tổ chức định kỳ 6 tháng/lần giao ban với các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu "báo hoá"; Thiết lập hệ thống kết nối trực tuyến qua ứng dụng với các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, qua đó, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo, chấn chỉnh, nêu rõ xu hướng, biểu hiện "báo hóa"; Công bố kết quả xử lý những trường hợp "báo hóa" trang tin và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả răn đe, cảnh báo.

Qua rà soát, theo dõi, Bộ TT&TT bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí. Bộ TT&TT đã chủ trì, lập tổ công tác hoặc lập đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí. Kết thúc giai đoạn 1, đến hết tháng 9/2022, Bộ TT& TT đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.

Các cơ quan báo chí bị xử lý đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; Cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích. 

Hiện Bộ TT&TT đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí; Cương quyết xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.

Bên cạnh việc "báo hoá" tạp chí, trang tin điện tử, đã và đang xuất hiện tình trạng "báo hoá" mạng xã hội. Biểu hiện cho tình trạng này là việc một số nhân sự của các trang mạng xã hội cũng đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài y như phóng viên các cơ quan báo chí ngày càng nhiều rồi đăng tải dưới dạng người dùng đăng tải.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ TT&TT đã ban hành bộ tiêu chí nhận diện tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội để cơ quan chức năng và toàn xã hội có thể nhận diện, giám sát, đồng thời đề xuất một số quy định mới như mạng xã hội không được tự cung cấp thông tin, các dịch vụ khác; Chỉ các tài khoản được định danh 2 lớp mới được viết bài, đăng bình luận, livestream nếu không chỉ được xem tin bài; Mạng xã hội đăng thông tin thành viên theo thời gian thực, không sắp xếp vào các chuyên mục; Không cho phép thành viên mạng xã hội đăng tải các bài viết giống sản phẩm báo chí…

Mặc dù các biện pháp xử lý vấn đề này trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, song Bộ TT&TT cũng thừa nhận, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn chưa thật sự chặt chẽ, đầy đủ trong việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử, mạng xã hội dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để "báo hóa", tự sản xuất tin bài hoặc cung cấp nội dung gây nhầm lẫn như là cơ quan báo chí. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan quản lý Nhà nước khó xử lý, rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định; chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước. Trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm "báo hóa", tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới. Rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Tiếp tục phối hợp với các Sở TT&TT, các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về "báo hóa" trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Thông tin thêm về vấn đề này tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc xử lý vấn nạn "báo hóa" tạp chí, trang tin đã có giải pháp rất mới, hiệu quả là công khai bộ tiêu chí để nhận diện dấu hiệu, biểu hiện. Thay vì chỉ Bộ TT&TT, hiện nay toàn dân đã có thể giám sát thế nào là một trang thông tin, một tạp chí "báo hóa". Trong số 650 tạp chí, số lượng tạp chí có dấu hiệu bị "báo hóa" là khoảng 30 - con số này không phải là lớn. Các trang tin đã được cấp phép là gần 2.000 trang tin, số lượng trang tin có dấu hiệu cũng gần như vậy. Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt về việc thanh kiểm tra tạp chí, trang tin điện tử có dấu hiệu "báo hóa". Bộ TT&TT đã tiếp tục tiến hành đợt tổng kiểm tra, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022. Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu cuối năm 2023, vấn đề này cơ bản sẽ được giải quyết./.

Bài liên quan
  • Năm 2024, 28 cơ quan báo chí đạt "Xuất sắc" về mức độ chuyển đổi số
    Kết quả đánh giá, xếp hạng này là cơ sở để các cơ quan báo chí theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, từ đó các cơ quan báo chí xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phù hợp với đặc thù và mục tiêu hướng tới của đơn vị.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt hàng loạt cơ quan báo chí có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO