Chính thức khai trương trung tâm IOC Yên Bái
Sáng 9/10, UBND TP. Yên Bái đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm IOC thành phố Yên Bái. IOC TP. Yên Bái được triển khai thực hiện trong lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025 và được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 2021), đầu tư xây dựng hạ tầng lắp đặt phòng điều hành, đầu tư trang thiết bị phụ trợ thiết bị, công nghệ, nhân lực vận hành Trung tâm; đưa vào khai thác, sử dụng một số hạng mục dữ liệu về kinh tế - xã hội, đất đai, quy hoạch, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, tình hình dân cư, an ninh trật tự...
Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2023) tiếp tục tối ưu các cơ sở dữ liệu (CSDL), ứng dụng, cung cấp dữ liệu về Trung tâm giám sát, điều hành; tích hợp, đồng bộ các nguồn dữ liệu của đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Yên Bái.
Giai đoạn 3 (từ 2024 - 2025) sẽ tiếp tục triển khai tích hợp các ứng dụng điều hành thành phố thông minh (TPTM) như điều hành đô thị, giao thông, tự động cảnh báo thảm họa môi trường, trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ quyết định xử lý vi phạm hành chính…
Ở giai đoạn 1, sau hơn 2 tháng khẩn trương triển khai thực hiện, trung tâm IOC TP. Yên Bái đã hoàn thành đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, trang bị thiết bị phụ trợ. Cụ thể, trung tâm sử dụng hệ thống phần mềm lõi vận hành, chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản cho 11 phân hệ dịch vụ bao gồm: giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; dịch vụ hành chính công; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát, điều hành lĩnh vực lưu trú; giám sát, điều hành tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị người dân; giám sát lắng nghe ý kiến người dân trên mạng xã hội; quản lý quy hoạch, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Yên Bái; giám sát ứng dụng di chuyển, cách ly COVID-19; camera giám sát, giao thông tích hợp AI; dữ liệu điều hành: dữ liệu về nhân lực, các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số chuyển đổi số (CĐS) của thành phố Yên Bái.
Tại Lễ ra mắt IOC TP. Yên Bái, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh, việc đưa vào vận hành IOC là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), CĐS của thành phố Yên Bái. Đây là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái đưa vào vận hành IOC.
Từng bước xây dựng hạ tầng CĐS
Để IOC TP. Yên Bái có thể đi vào hoạt động, vận hành, khai thác hiệu quả, UBND thành phố đã thành lập Ban Điều hành Trung tâm và Ban hành Quy chế khai thác vận hành Trung tâm. Trong thời gian đầu, nhân sự kỹ thuật của VNPT sẽ đảm nhận công tác vận hành; đồng thời từng bước chuyển giao, đào tạo cho nhân lực CNTT của thành phố vận hành Trung tâm trong các giai đoạn tiếp theo.
Là đơn vị trực tiếp phối hợp triển khai IOC TP. Yên Bái, tính đến hết tháng 9/2021, VNPT Yên Bái đã xây dựng phân hệ ứng dụng di động Trung tâm giám sát, điều hành hỗ trợ lãnh đạo theo dõi, điều hành mọi lúc, mọi nơi và trục tích hợp chia sẻ CSDL LGSP tỉnh Yên Bái. Theo đó, hệ thống giao ban đa phương tiện tỉnh Yên Bái liên thông 3 cấp (tỉnh - huyện - xã ) với 184 điểm cầu đã được hoàn thiện. Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một cửa điện tử và Cổng DVCTT trên toàn tỉnh đã hoạt động.
Để phát huy và khai thác hiệu quả tốt nhất các chức năng hoạt động của IOC, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Yên Bái Trần Huy Tuấn đề nghị UBND TP. Yên Bái cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết, tạo sự đồng thuận tích cực của người dân đối với chủ trương xây dựng CQĐT, ĐTTM, từ đó có sự tương tác tích cực với các cấp chính quyền; khẩn trương ban hành quy chế và các văn bản liên quan đến quản lý, vận hành của Trung tâm.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền. CĐS không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà là chuyển đổi những thói quen, suy nghĩ, cách làm, hành động cụ thể, kiên quyết, đồng bộ, thống nhất làm việc trên nền tảng số với 70% là quyết tâm chính trị và trí thức của chính quyền và 30% là công nghệ.
Thời gian tới, VNPT tiếp tục hỗ trợ để IOC TP. Yên Bái vận hành ổn định và phát huy hiệu quả, tiếp tục hoàn thành các hạng mục của giai đoạn 2 và giai đoạn 3, từ đó góp phần cùng với tỉnh Yên Bái hoàn thành mục tiêu CĐS tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng CQĐT, ĐTTM, từng bước hoàn thành CĐS với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu cuối cùng của hệ thống chính quyền trong CĐS là luôn hướng tới người dân, có chính quyền số để tạo ra công dân số.
Việc triển khai xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Yên Bái sẽ từng bước thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công chất lượng, nhanh chóng và kịp thời; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh./.