Truyền thông

Yếu tố để Hà Nội trở thành nền kinh tế trọng điểm khu vực

PV 05/11/2024 10:38

Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà còn đóng vai trò dẫn dắt và liên kết các tỉnh khu vực phía Bắc trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tạo nên một mạng lưới kinh tế vùng mạnh mẽ và hiệu quả.

Hà Nội vai trò chiến lược, kết nối, dẫn dắt

Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu: “Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Để thực hiện được những mục tiêu này, thành phố cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm tạo ra những bước phát triển đột phá cho kinh tế đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Theo ông Nguyễn Đăng Hưng, Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: Hà Nội nằm ở trung tâm của khu vực phía Bắc và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vị trí địa lý này không chỉ mang lại lợi thế về kết nối giao thông, mà còn giúp Hà Nội trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế và liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng.

Nổi bật Hà Nội có đầy đủ các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không phát triển bậc nhất cả nước, với các tuyến quốc lộ, cao tốc nối liền Hà Nội với các tỉnh trong vùng và các khu vực kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những cửa ngõ hàng không lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Hà Nội với các thành phố lớn trên thế giới.

Hà Nội với lợi thế về kết nối giao thông, cửa ngõ giao thương quốc tế và liên kết chặt chẽ với
các tỉnh, thành phố trong vùng.

Ông Nguyễn Đặc Hưng nhấn mạnh: Hà Nội có vị trí quan trọng trong các hành lang kinh tế của quốc gia, kết nối các hoạt động trao đổi, lưu thông trên khắp cả nước. Hà Nội đóng vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa và dịch vụ cho toàn bộ khu vực phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tất cả các tuyến di chuyển giao thông đi lại, các luồng hàng hóa của các tỉnh phía Bắc đều phải qua Hà Nội. Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế tự nhiên mà còn đóng vai trò dẫn dắt và liên kết các tỉnh khu vực phía Bắc, trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo nên một mạng lưới kinh tế vùng mạnh mẽ và hiệu quả.

Nâng cao chất lượng hạ tầng đáp ứng mục tiêu phát triển

Theo đó Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định “phát triển vùng động lực phía Bắc, bao gồm TP Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó TP Hà Nội là cực tăng trưởng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt mục tiêu: “xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Đăng Hưng nhận định thì Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và bất động sản. Thủ đô cũng là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Hà Nội đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, từ đó tạo ra các cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ tại các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng và dịch vụ công. Các dự án PPP tại Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng mà còn tạo động lực cho các tỉnh lân cận áp dụng mô hình này, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả vùng.

Bên cạnh các khó khăn và thách thức, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu “là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước” được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết số 15/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cụ thể, Hà Nội nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cầu nối quan trọng giữa miền Bắc và các miền khác trong cả nước. Hơn nữa, Hà Nội còn là trung tâm kết nối, giao thương quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và khu vực ASEAN. TP Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, bao gồm hệ thống đường bộ, cảng hàng không, đường sắt. Sự phát triển này không chỉ giúp cải thiện kết nối nội đô mà còn hỗ trợ việc kết nối với các tỉnh lân cận và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Thành phố đã thu hút hàng nghìn dự án FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

“Với môi trường chính trị ổn định và chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố đã thu hút hàng nghìn dự án FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và dịch vụ. Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Panasonic... tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ tại Hà Nội”, ông Nguyễn Đăng Hưng phân tích.

Theo đó Hà Nội có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thu hút thêm đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, dệt may và thực phẩm chế biến.

Một trong những cơ hội khác của Thủ đô là hiện nay thành phố đang thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp và khu công nghệ cao như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử và nghiên cứu phát triển (R&D). Việc phát triển công nghệ cao sẽ giúp Hà Nội nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, chính quyền thành phố đã đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, y tế, giáo dục và hành chính công. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế thông minh.

Ngày nay Hà Nội đang giàu tiềm năng phát triển ngành dịch vụ đang là trung tâm của các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản, thương mại điện tử. Với sự phát triển của nền kinh tế số và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, ngành dịch vụ tại Hà Nội đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và thương mại trực tuyến.

Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước, đây là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp, công nghệ và dịch vụ tại thành phố. Việc phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, sẽ giúp Hà Nội cải thiện chất lượng lao động và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các dự án đô thị thông minh, đô thị xanh,... bao gồm việc phát triển hạ tầng số, hệ thống giao thông thông minh, quản lý năng lượng và môi trường. Việc phát triển đô thị thông minh, xanh không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ, bất động sản và dịch vụ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố để Hà Nội trở thành nền kinh tế trọng điểm khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO