4 nhân tố quan trọng cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Ngọc Diệp| 15/10/2021 13:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, 4 nhân tố quan trọng giúp hệ sinh thái khởi nghiệm của Việt Nam phát triển bền vững là nhân tài, sự hỗ trợ từ Chính phủ, cơ sở hạ tầng và nguồn vốn.

4 nhân tố "vàng" đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Chia sẻ tại lễ công bố dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo" diễn ra mới đây, bà Lê Hoàng Uyên Vy, nhà sáng lập Do Ventures cho biết, 4 nhân tố quan trọng cho sự phát triển của hệ sinh thái startup là nguồn nhân lực (hay còn gọi là nhân tài), sự hỗ trợ từ Chính phủ, cơ sở hạ tầng và nguồn vốn.

Theo bà Vy, nguồn nhân lực là yếu tố cốt yếu, trọng tâm cho bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào. Ở Việt Nam có rất nhiều nhân tài trong và ngoài nước đang tập trung xây dựng các công ty khởi nghiệp dẫn đầu trong khu vực. Nhà sáng lập Do Ventures cho biết từ năm 2000 đến nay Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ nhà sáng lập (founder) với những nét đặc trưng riêng.

Thế hệ đầu tiên bắt đầu khởi nghiệp từ giai đoạn 2000 - 2006 bao gồm founder của các startup nổi tiếng như VNG, Vatgia, NextTech, VCCorp... Đặc điểm nổi bật của thế hệ này là khi mảng kinh doanh chính đạt được mức phát triển nhất định, các founder thường chọn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Ví dụ, VNG ban đầu chỉ là công ty hoạt động trong lĩnh vực về game nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như nội dung số, các nền tảng báo điện tử và gần đây nhất là nền tảng Zalo, ZaloPay.

Thế hệ thứ hai bắt đầu khởi nghiệp từ giai đoạn 2007- 20014, bao gồm founder của các startup đáng chú ý như Batdongsan.com.vn, Tiki, Foody, Topica và Nhaccuatui… Thế hệ founder này thường gặp phải cạnh tranh khốc liệt hơn so với thế hệ tiền nhiệm và cần nhiều thời gian hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, sau khi có sự thành công nhất định, các founder thế hệ thứ hai thường có xu hướng tập trung củng cố lĩnh vực kinh doanh của chính mình bằng việc đầu tư vào các mảng kinh doanh bổ trợ, tạo thành hệ sinh thái xoay quanh lĩnh vực ban đầu. Tiki nằm trong danh sách này. 

Được thành lập từ năm 2010, Tiki cũng bắt đầu từ một cửa hàng bán sách trực tuyến. Nhà sáng lập Tiki nhận thấy các cửa hàng bán sách chỉ cung cấp số lượng sách giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người đọc. Và đây chính điều kiện hoàn hảo để cho ra đời một nền tảng bán lẻ trực tuyến, đến nay Tiki đã mở rộng bán nhiều ngành hàng và phát triển các lĩnh vực phụ trợ như logistics (Tiki Now) và bán hàng xuyên biên giới (Tiki Global).

Thế hệ thứ ba bắt đầu khởi nghiệp từ giai đoạn 2015 đến nay. Thế hệ founder này được đánh giá là có nhiều nét đặc trưng nhất. Với sự thống trị của các công ty nội địa cùng sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ những đối thủ trên thế giới, các founder khởi nghiệp trong giai đoạn này phải hình thành tư tưởng phát triển công ty ở quy mô toàn cầu từ rất sớm. Bên cạnh đó, họ cũng phải tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để có được lợi thế cạnh tranh của công ty mình.

Nhân tố thứ hai có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhằm nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình và dự án hợp tác cùng các bộ, ngành và cơ quan địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn, sự hỗ trợ về vấn đề pháp lý, các thủ tục,...

Nhân tố thứ ba là cơ sở hạ tầng. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh (theo báo cáo "Thị trường ứng dụng di động 2021" do Appota công bố). 

Về hạ tầng thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đón nhận thanh toán số như một hình thức nhanh chóng và thuận tiện hơn để mua hàng trực tiếp. Thị trường thanh toán số Việt Nam hiện có gần 40 công ty thanh toán, với số lượng người dùng ví điện tử ngày càng tăng. Có thể thấy cơ sở hạ tầng đáp ứng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hoàn thiện để đảm bảo các hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt và nhanh chóng.

4 nhân tố quan trọng cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Về cơ sở hạ tầng logistics, với bất kỳ DN nào tham gia vào nền kinh tế số đều phải tiếp cận đến hạ tầng giao vận. Một điểm đặc biệt là trong 5 năm gần đây trung bình có khoảng 6-8 công ty logistics mới gia nhập thị trường hằng năm, mặc dù mức đầu tư tài chính ban đầu không hề nhỏ. Hiện có hơn 40 startup cung cấp dịch vụ e-logistics tại Việt Nam, trong đó có một số thương hiệu là đối tác giao hàng của các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu. Đây là những yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp triển khai các tưởng kinh doanh thuận tiện và dễ dàng.

Nhân tố cuối cùng là nguồn vốn. Với các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, hoạt động khởi nghiệp nói riêng, vốn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là cốt lõi đối với khả năng duy trì và phát triển của DN. Tuy nhiên, khởi nghiệp đồng nghĩa với lần đầu bước chân vào nghiệp kinh doanh, đây lại là yếu tố bất lợi để DN tiếp cận các nguồn vốn vay. Do đó, tạo nguồn vốn vay hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp có ý nghĩa lớn đến sự sống còn của các DN khởi nghiệp.

Tìm kiếm cơ hội bứt phá, tạo dấn ấn trong khu vực và thế giới

Đại dịch COVID-19 kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu khiến thị trường đầu tư công nghệ tại Việt Nam chững lại trong năm 2020. Theo báo cáo "Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020", tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019. Trong đó, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet. Một số ngành như công nghệ nhân sự, công nghệ bất động sản tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, và phần mềm dạng dịch vụ đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các DN sau COVID-19.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, một tín hiệu đáng khích lệ là thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng thương vụ đầu tư đã quay về mức bằng cả năm 2020. Với một số thương vụ lớn được kỳ vọng vào quý 4 năm 2021, bà Vy nhận định số tiền đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2020 sẽ vượt mức 1 tỷ USD. Đây là năm đánh dấu sự phục hồi lớn của nền kinh tế số Việt Nam và năm kỷ lục về đầu tư tại Việt Nam.

Nhà sáng lập Do Ventures đánh giá Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài, bởi 3 lý do bao gồm giá trị trung bình của các khoản đầu tư giai đoạn sau tiếp tục tăng, giá trị thoái vốn giảm trong năm 2020 và định giá thoái vốn tăng đáng kể.

Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan cho thấy, Việt Nam tiếp tục là thị trường trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới, theo sau là Indonesia. Các lĩnh vực mới nổi mà nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào tại Việt Nam bao gồm giáo dục, y tế, và dịch vụ tài chính.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, startup là những DN non trẻ, vì vậy, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối diện với đại dịch COVID-19 do hầu hết chưa tự cân đối tài chính mà phải dựa vào nguồn đầu tư để phát triển DN. Vì vậy, khi dịch bệnh đến rất nhanh và đột ngột như năm 2020, nhiều DN chưa thể tìm ra phương án thích nghi với đại dịch.

Chia sẻ một số kinh nghiệm để các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẵn sàng bứt phá sau khủng hoảng, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, các DN cần tái cấu trúc để tồn tại. "Trước khi gọi thêm vốn, hãy cắt giảm tối đa chi tiêu và tìm cách tạo ra các nguồn doanh thu mới", bà Vy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu quyết định gọi vốn, các DN cũng cần phải cân nhắc và đánh giá tất cả các hình thức có thể để gọi vốn bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, crowd-funding, vốn vay ngân hàng, vốn viện trợ...

Ba Lê Hoàng Uyên Vy nhấn mạnh: "Cần nắm bắt thời cơ trong thử thách". Trong "nguy" luôn có "cơ", đại dịch COVID là thời điểm khó khăn, nhưng minh chứng trên thế giới cho thấy sau các đợt khủng hoảng đều xuất hiện các mô hình kinh tế mới đột phá. Do đó, các DN khởi nghiệp Việt Nam cần tận dụng được thời điểm, sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng online để tăng tốc và bứt phá.

"Khủng hoảng luôn là chất xúc tác cho những đột phá mới. Đây chính là thời điểm quan trọng để các startup Việt Nam nắm bắt thời cơ, tạo dấn ấn trong khu vực và thế giới", nhà sáng lập của Do Ventures kỳ vọng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
4 nhân tố quan trọng cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO