Truyền thông

41 năm UNCLOS 1982: Văn kiện pháp lý toàn diện về biển và đại dương

TS. Lê Thị Tuyết Mai 20/11/2023 13:45

Năm 2023 đánh dấu 41 năm UNCLOS được Hội nghị LHQ lần thứ 3 về Luật Biển thông qua (10/12/1982 - 10/12/2023). Nhân dịp này, TS. Lê Thị Tuyết Mai - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ - đã có bài viết khá toàn diện về UNCLOS.

Năm 2023 đánh dấu 41 năm Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) được Hội nghị LHQ lần thứ 3 về Luật Biển thông qua đồng thời đánh dấu 29 năm kể từ ngày UNCLOS được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (23/6/1994) và bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam và các nước khác đã phê chuẩn Công ước (16/11/1994).

Năm 2023 cũng đánh dấu 21 năm Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (4/11/2002) và 11 năm Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua (21/6/2012).

unclos-hien-phap-ve-bien-bao-trum-va-quan-trong-nhat-20221210152526.jpeg
UNCLOS được các quốc gia và cộng đồng quốc tế coi trọng, công nhận là văn kiện pháp lý quốc tế toàn cầu quan trọng thứ hai sau Hiến chương LHQ.

Việt Nam không ngừng nỗ lực cùng các nước đã tích cực thúc đẩy thực thi UNCLOS, là một trong 12 nước sáng lập thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS (30/6/2021), nhằm tạo lập và duy trì diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi các vấn đề về biển và đại dương, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS, trong đó có công việc của các Hội nghị quốc gia thành viên UNCLOS.

Việt Nam đã tham gia quá trình đàm phán UNCLOS và các văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ UNCLOS, là một trong 107 quốc gia ký UNCLOS ngày 10/12/1982 ngay sau khi Công ước được thông qua và bắt đầu được mở ký.

Theo TS. Lê Thị Tuyết Mai, việc Việt Nam tích cực tham gia và thực hiện UNCLOS thể hiện thiện chí, quan điểm và chính sách nhất quán, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý công bằng về biển, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trên biển, vì hòa bình và phát triển bền vững.

Điểm 2 Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn UNCLOS nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

cong-uoc-unclos-1982-ne-n-ta-ng-pha-p-ly-vu-ng-cha-c-de-vie-t-nam-ba-o-ve-loi-ich-quoc-gia_1.jpeg
Việt Nam không ngừng nỗ lực cùng các nước đã tích cực thúc đẩy thực thi UNCLOS.

UNCLOS được các quốc gia và cộng đồng quốc tế coi trọng, công nhận là văn kiện pháp lý quốc tế toàn cầu quan trọng thứ hai sau Hiến chương LHQ, do các quốc gia xây dựng và hoàn thiện sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và được đông đảo các quốc gia tham gia.

Nghị quyết tổng hợp thường niên của Đại hội đồng LHQ về Đại dương và Luật biển tái khẳng định: “Công ước này là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương và có tầm quan trọng chiến lược là cơ sở cho mọi hành động và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu; tính toàn vẹn của Công ước cần được duy trì như Liên hợp quốc đã công nhận tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển nêu tại Chương 17 của Chương trình nghị sự 21… cũng như cam kết bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển vì phát triển bền vững nêu tại Mục tiêu 14 của Chương trình nghị sự 2030”.

Ngay tại Lời nói đầu của UNCLOS, các quốc gia đã khẳng định mong muốn “giải quyết mọi vấn đề liên quan đến luật biển” và “thiết lập một trật tự pháp lý trên biển”.

Xuất phát từ mong muốn chung đó, UNCLOS, với 320 Điều và 9 Phụ lục, quy định một cách rõ ràng và toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc phạm vi tài phán quốc gia và ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia, cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, quốc gia không có biển hoặc bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương, các quy định về hàng hải và hàng không; việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và phi sinh vật; vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; việc giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển.

Vai trò của UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn cầu cao nhất cũng được khẳng định tại Điều 311 về quan hệ giữa UNCLOS và các Công ước và hiệp định quốc tế khác, cũng như tại Điều 293.1 liên quan đến quan hệ với các nguồn khác của luật quốc tế trong đó có luật tập quán quốc tế.

Các quốc gia đã khẳng định tại UNCLOS rằng, các điều ước quốc tế giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên UNCLOS về bất kỳ vấn đề nào đã được quy định trong Công ước thì phải bảo đảm phù hợp với Công ước. Về quan hệ giữa UNCLOS với các nguồn khác của luật quốc tế, trong đó có luật tập quán quốc tế, chỉ có các quyền và nghĩa vụ hình thành từ các quy tắc của pháp luật quốc tế không trái với UNCLOS là được công nhận và áp dụng bởi toà án hay toà trọng tài có thẩm quyền theo Phần XV của Công ước (Điều 293.1).

UNCLOS tại Đoạn 8 Lời nói đầu cũng nêu rõ “các vấn đề không được điều chỉnh bởi Công ước sẽ tiếp tục được điều chỉnh bởi luật quốc tế chung” cần phải được hiểu, giải thích phù hợp với mục tiêu và quy định nêu trên của UNCLOS.

TS. Lê Thị Tuyết Mai cho rằng: Trên cơ sở tập quán quốc tế, các quốc gia đã ghi nhận tại UNCLOS quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển, trong đó xác định rõ phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (gồm biển cả hay còn gọi là biển quốc tế, Vùng đáy biển quốc tế và tài nguyên khoáng sản ở đó là di sản chung của nhân loại).

truongsa_lon_1.jpeg
Giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và các biện pháp hoà bình.

UNCLOS cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Các chế định vùng biển quan trọng nhất của UNCLOS phải kể đến là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, công trình nhân tạo trên biển và hợp tác nhằm bảo vệ môi trường biển, bảo tồn và quản lý các nguồn lợi sinh vật biển.

Chiểu theo các chế định của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi phạm một cách rõ ràng các quy định của Công ước.

"Cần lưu ý rằng cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS chỉ áp dụng đối với tranh chấp tồn tại giữa các quốc gia trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS (các Điều 279 và 288) và chính là các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế như được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý" - TS. Lê Thị Tuyết Mai lưu ý.

Theo đó, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nhanh chóng tiến hành trao đổi quan điểm liên quan đến việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình khác (Điều 283).

Nếu việc trao đổi, đàm phán trong một thời gian hợp lý không đạt được giải pháp thỏa đáng, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế để có phán quyết ràng buộc, đó là Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS - được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS) hoặc Tòa trọng tài (theo Phụ lục VII UNCLOS), Tòa trọng tài đặc biệt (theo Phụ lục VIII UNCLOS). Tại bất kỳ thời điểm nào, các quốc gia đều có thể đưa ra tuyên bố lựa chọn một hay nhiều cơ quan tài phán trong bốn cơ quan trên.

Thực tiễn cũng đã cho thấy, phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS, đặc biệt là ITLOS hoặc tòa trọng tài đã góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, giúp làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS./.

Bài liên quan
  • Vấn đề Biển Đông - góc nhìn từ các học giả
    Theo bà Paola Pampaloni, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS), EU có lợi ích chiến lược và kinh tế sống còn gắn liền với an ninh không gian biển và sự thịnh vượng của các quốc gia ven biển Đông. EU phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
41 năm UNCLOS 1982: Văn kiện pháp lý toàn diện về biển và đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO