4G và 5G song hành khi chờ đợi sự đột phá
Mạng 4G sẽ cùng tồn tại với mạng 5G trong vài năm nữa khi ngành viễn thông đang chờ đợi một thời điểm đột phá hoặc một ứng dụng thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các dịch vụ 5G.
Mặc dù việc sử dụng 5G vẫn còn thấp nhưng các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ về việc đánh giá và nâng cao trải nghiệm kinh doanh của họ với 5G. Hai nhà mạng Reliance Jio và Bharti Airtel đã ra mắt dịch vụ 5G trên khắp Ấn Độ, nhưng vẫn đang gặp khó trong việc tìm kiếm doanh thu.
“Ngành viễn thông cần đạt đến điểm tỷ suất đầu tư hoàn vốn bền vững. Hiện tại, 4G vẫn đang phải trang trải các chi phí và có thể sẽ tiếp tục như vậy trong vài năm nữa”, theo Rahul Vatts, Giám đốc điều hành của Bharti Airtel.
Tại Hàn Quốc, nơi mạng 5G được ra mắt vào khoảng năm 2018 -2019, cho đến nay chỉ có 20% công suất 5G được sử dụng. Các chuyên gia tin rằng việc bổ sung dung lượng từ 5G sẽ mang lại chất lượng trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng so với các mạng hiện tại.
Truy cập không dây cố định (FWA) là một trường hợp sử dụng quan trọng có thể hỗ trợ mang lại doanh thu từ 5G, trước những thách thức trong việc lắp đặt cáp quang tới mọi gia đình ở Ấn Độ. Hiện nay, sự thâm nhập của cáp quang hoặc đường truyền cố định là mức tối thiểu.
Ravi Gandhi, Giám đốc điều hành của nhà mạng Reliance Jio cho biết FWA sẽ là nguồn doanh thu cho các công ty viễn thông và một trường hợp sử dụng tiềm năng khác sẽ là mạng 5G riêng (private 5G) bằng cách sử dụng tính năng chia mạng (network slicing), cho phép các phân đoạn 5G chuyên dụng.
“Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ, bao gồm cả chúng tôi, đang tìm kiếm nhiều cơ hội khác nhau. Chúng tôi đang tham gia vào nhiều không gian cả B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) và doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B). Làm cách nào để phân biệt giữa 4G và 5G? Làm thế nào chúng tôi có thể tính phí khác nhau cho các dịch vụ cụ thể? Đây là một số điều chúng tôi đang thực hiện và nhiều mô hình kinh doanh sẽ phát triển xung quanh vấn đề này trong tương lai”, Vatts nói thêm.
Ngành viễn thông đang mong chờ việc triển khai 5G trên quy mô lớn, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của 5G.
Công nghệ 5G có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất, khai thác mỏ, y tế, nông nghiệp, điện và phân phối cũng như kết nối di động. Anjali Hans, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc pháp lý, CSR & Truyền thông đối ngoại, Vodafone Idea cho biết, khả năng 5G nâng cao khả năng ra quyết định, giảm chi phí và tăng doanh thu mang lại cơ hội đáng kể cho lĩnh vực này.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có một số thị trường 5G phát triển nhanh nhất hiện nay, trong đó có Ấn Độ, nơi có gần 175 triệu kết nối 5G vào cuối tháng 3/2024. Theo GSMA Intelligence, đã có 1,6 tỷ kết nối 5G vào cuối năm 2023, trong đó sẽ tăng lên 5,5 tỷ vào năm 2030. 261 nhà mạng tại 101 quốc gia trên toàn cầu đã triển khai dịch vụ 5G thương mại và 90 nhà mạng khác từ 64 thị trường đã cam kết triển khai 5G trong những năm tới.
“Đối với 5G, khung pháp lý không chỉ dừng lại ở các nhà mạng mà còn cần có quy định đối với người dùng cuối và doanh nhân do mối lo ngại đáng kể về khả năng truy xuất nguồn gốc. Khi một số lượng lớn thiết bị IoT được tích hợp vào các hệ thống này, các câu hỏi sẽ nảy sinh liên quan đến quyền sở hữu và trách nhiệm đối với các thiết bị này, cũng như ai sẽ duy trì cơ sở dữ liệu toàn diện cần thiết cho khả năng truy xuất nguồn gốc. Đây là những cân nhắc quan trọng cần được giải quyết”, R Shakya, Cố vấn cấp cao của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho biết.
Cả 4G và 5G ngày càng phụ thuộc vào hệ sinh thái được kết nối với nhau, có sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau ngoài các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Hans cho biết thêm, điều này bao gồm mọi thứ từ thiết bị đến ứng dụng và hơn thế nữa. Do đó, điều quan trọng là các bên liên quan phải cộng tác chặt chẽ./.