5G là yếu tố quan trọng đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số
5G là yếu tố quan trọng đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS) và trở thành một trong những nhân tố chính của nền kinh tế số.
Ngày 12/4/2024, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam phối hợp cùng Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức World Mobile Broadband ISP & Cloud Summit 2024 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên, là diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những mô hình, giải pháp xây dựng, thiết lập hạ tầng băng thông rộng, cố định và các dịch vụ giá trị gia tăng, qua đó góp phần thúc đẩy việc ứng dụng CNTT, CĐS tại Việt Nam với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch REV cho biết, đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới 2050, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của băng rộng di động 5G và hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây (ĐTĐM).
Thêm vào đó, sau một thời gian khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá thành công 2 băng tần, trong đó hai đơn vị đã trúng thầu băng tần là hai Tập đoàn viễn thông Viettel và VNPT. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển 5G tại Việt Nam.
Ngoài ra, sự kiện năm nay được tổ chức trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ băng rộng và cộng đồng ICT đang tiếp tục tăng tốc thực hiện CĐS, đẩy mạnh xây dựng các cơ sơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Điều này đòi hỏi hạ tầng băng rộng cần có những cải tiến tích cực. Các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng băng rộng tốc độ cao đang đóng vai trò quan trọng, đem lại cơ hội thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện CĐS. Với tinh thần đó, chủ đề năm nay của sự kiện được lựa chọn là “Thị trường băng rộng di động Việt Nam với CĐS”.
Thúc đẩy đầu tư vào công nghệ 5G
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), thuê bao di động của Việt Nam hiện đạt 126,15 triệu thuê bao, thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao, mạng di động 4G đã phủ sóng 99,8% dân số. Thuê bao băng rộng cố định đạt 22,48 triệu thuê bao, 79,1% hộ gia đình đã có kết nối cáp quang. Ước tính tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 139,26 nghìn tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng là thấp, thấp hơn tăng trưởng GDP (viễn thông trong nước của Viettel tăng từ 2 - 5%, VNPT từ 2 - 3%, MobiFone thì giảm từ 4 - 10% mỗi năm). Nhìn chung, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm qua gần như không tăng trưởng, và ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Điều này cũng phản ánh đúng xu hướng trên thế giới, là dịch vụ viễn thông truyền thống chạm ngưỡng bão hòa và không còn dư địa tăng trưởng, trong khi đó các không gian tăng trưởng mới như CĐS, dịch vụ số, IoT… của các DN vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa thể trở thành lực đỡ trong bức tranh doanh thu của DN viễn thông.
Năm 2024, Bộ TT&TT tập trung vào phổ cập hạ tầng số sáng tạo và ứng dụng số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng thời tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Và trong bối cảnh phát triển kinh tế số, điều quan trọng nhất đối với các nhà mạng, DN công nghệ số có hạ tầng, công nghệ, nhân lực và hiểu biết về CĐS là đảm bảo cơ sở hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn quốc và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ 5G; nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban CĐS, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cũng nhận định, 5G là yếu tố quan trọng đóng góp cho công cuộc CĐS và trở thành một trong những nhân tố chính của nền kinh tế số. Trong tương lai không xa, 5G kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra thay đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xác định được mấu chốt cũng như triển vọng để phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng đến CĐS toàn diện, tại World Mobile Broadband ISP & Cloud Summit 2024, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung chia sẻ về sự phát triển và các đóng góp liên quan đến hạ tầng băng thông rộng di động tại Việt Nam, tối ưu hóa hạ tầng băng thông rộng di động, kết quả triển khai phát sóng thử nghiệm 5G tại các thành phố lớn; cùng với đó là đề xuất lộ trình thương mại hóa 5G ở Việt Nam từ các Tập đoàn Công nghệ Viễn thông, các đơn vị cung cấp hạ tầng, dịch vụ nội dung số, ĐTĐM, AI và dữ liệu lớn; phát triển sản phẩm và kinh doanh trên nền tảng viễn thông hướng đến mục tiêu CĐS quốc gia.
Tại sự kiện này, cũng đã diễn ra Lễ công bố và vinh danh các nhà mạng viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định (ISP) và ĐTĐM tiêu biểu của năm 2024. Hội đồng cố vấn bình chọn bao gồm các chuyên gia đến từ REV, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và các đơn vị từ cơ quan quản lý Nhà nước, các DN, là các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong quản lý và vận hành hạ tầng băng rộng tốc độ cao và dịch vụ giá trị gia tăng hoạt động trên hạ tầng số.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, với xu thế phát triển mạnh mẽ chưa từng có của khoa học công nghệ, Việt Nam đang trong giai đoạn rất quan trọng, bước tới hoàn thành CĐS trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, với mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Vì vậy, dịch vụ băng thông rộng, dịch vụ ĐTĐM có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng hạ tầng số phục vụ cho CĐS. Việc tập đoàn IDG và REV phối hợp tổ chức tọa đàm và trao giải thưởng về lĩnh vực này có ý nghĩa thiết thực trong thực tiễn.
Giải thưởng được bình chọn dựa trên kết quả điều tra xã hội học, là hoạt động đánh giá khách quan về sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ đối với nhà mạng cung cấp dịch vụ cho mình. “Kết quả của khảo sát là kênh thông tin để các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông làm căn cứ để từ đó không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh./.