Chuyển động ICT

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai 5G và khuyến nghị cho nhà mạng

Nguyễn Văn Yên 11:20 09/04/2024

Các đơn vị tư vấn uy tín trong lĩnh vực viễn thông như Roland Berger, Omdia,…) đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà mạng trong triển khai, kinh doanh dịch vụ 5G.

6 bài học rút ra từ thực tiễn triển khai 5G

Tính tới tháng 01/2024, trên thế giới đã có 585 nhà mạng tại 176 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư triển khai 5G, trong đó có 297 nhà mạng đã thương mại hóa mạng 5G. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ việc tư vấn, phối hợp triển khai, phân tích tổng hợp kết quả triển khai 5G của nhiều nhà mạng tại các khu vực, quốc gia khác nhau trên thế giới, các đơn vị tư vấn đã đề cập một số bài học được rút ra gồm:

Bài học 1: Người tiêu dùng đặt nhiều kỳ vọng về 5G. Các thuê bao phân khúc cao cấp sẵn sàng trả thêm 5 - 10% để nâng cao tốc độ kết nối và các trải nghiệm mới/cải thiện của dịch vụ.

Bài học 2: Các trường hợp ứng dụng điển hình (use case 5G) B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp - DN) có tiềm năng dẫn đến các đột phá. Trong giai đoạn đầu triển khai 5G, các use case tiềm năng bao gồm: ứng dụng băng rộng nâng cao (eMBB), truy cập không dây cố định (FWA), mạng riêng (private network) và bán buôn (wholesale) dựa trên công nghệ phân chia mạng (network slicing).

Bài học 3: Cần có hệ sinh thái để khai thác tối đa tiềm năng của 5G B2B và B2B2X (một mô hình kinh doanh mới trong đó nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có mục tiêu cung cấp dịch vụ cho bất kỳ số lượng người dùng cuối nào), đi kèm với đó là những đòi hỏi thay đổi về mô hình hoạt động, tăng cường năng lực, đẩy mạnh hợp tác và bán buôn. Các nhà mạng không thể dựa hoàn toàn vào năng lực tự phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khi thương mại hóa 5G.

Bài học 4: Cải thiện năng lực kỹ thuật và đội ngũ nhân sự cho quá trình hiện đại hóa mạng lưới là yếu tố thiết yếu để đáp ứng yêu cầu của các công nghệ mới (SDN, PNF, NFVI, vNF Core, MANO, phân tích dữ liệu, AI tạo sinh (Generative AI),...

Bài học 5: Tư duy nhiều nhà cung cấp (multi-vendor), kiến trúc dựa trên dịch vụ (service-based architecture - SBA) để tránh hạn chế phụ thuộc vào một nhà cung cấp, tăng tính cạnh tranh để tiết kiệm chi phí đầu tư mạng 5G.

Các kiến trúc, giao diện mở vẫn đang được cộng đồng quan tâm phát triển và có nhiều thành tựu lớn ở khía cạnh mạng lõi trong khi ở phần mạng truy nhập vô tuyến các tiến bộ liên quan đến “tính mở” còn chậm. Tuy nhiên, thị trường thiết bị chủ yếu vẫn do một số nhà cung cấp lớn như Ericsson, Nokia, Huawei, ZTE nắm giữ. Theo đó, các nhà mạng quan ngại về sự tương thích cũng như năng lực triển khai thực tế của các thiết bị truy nhập vô tuyến theo chuẩn mở.

Mặc dù kiến trúc 5G SBA được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên, việc triển khai, tích hợp multi-vendor tạo ra một áp lực lớn cho nhà mạng liên quan đến năng lực đội ngũ kỹ thuật, vận hành khai thác. Khi yếu tố nhân lực chưa theo kịp yêu cầu, các nhà mạng có thể xem xét hướng tiếp cận full-stack truyền thống.

Bên cạnh đó, nhà mạng cần chú ý chi phí vận hành (OPEX) khi 5G phụ thuộc chủ yếu vào tự động hóa mạng và khả năng lập trình (phụ thuộc MANO/ONAP và API North-bound interface). Để đẩy mạnh triển khai 5G B2B, nhà mạng cần đầu tư mạnh mẽ đối với các hệ thống OSS, BSS, phân tích dữ liệu kết hợp trí AI. Việc này cũng đòi hỏi cần phải có nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành, khai thác các giao diện người dùng (customer facing unit), phát triển cũng như tích hợp các API.

Đối với NFV/SDN/MANO, các nhà mạng sẽ không thấy được lợi ích trong 2-3 năm đầu tiên do sự phức tạp của việc quản lý cơ sở hạ tầng kết hợp (hybrid infrastructure):

- Tổng chi phí sở hữu (TCO) tăng nhẹ trong những năm đầu tiên do tính phức tạp của hai hình thái cơ sở hạ tầng hoạt động song song. Về dài hạn, lợi ích dự kiến sẽ không thể hiện cho đến năm thứ 3 hoặc 4.

- Lợi ích chủ yếu đến từ tiết kiệm chi phí phụ thuộc vào mức độ tự động hóa của mạng lưới và quy mô triển khai, giảm giá của thiết bị do sự cạnh tranh giữa các nhà cùng cấp.

411-202404031515201.png
Hình 1: CAPEX/OPEX cuả telco triển khai NFV/SDN/MANO (nguồn: Roland Berger) (nguồn: Roland Berger)

Bài học 6: 5G được nhiều quốc gia xem là cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia. Kiến trúc 5G với nhiều giao diện mở cũng tạo ra nhiều nguy cơ và rủi ro liên quan đến an toàn và an ninh thông tin.

Giải pháp tăng doanh thu từ thương mại hóa 5G

Để tăng doanh thu cho nhà mạng triển khai 5G, các đơn vị tư vấn khuyến nghị:

Về gói cước 5G

Bán gói cước 5G đặc quyền (5G premium): Các nhà mạng trên thế giới đã triển khai 5G và bán gói cước dưới dạng công nghệ “premium” tốc độ cao, dung lượng dữ liệu (data) lớn, trải nghiệm, chất lượng được cam kết để thu hút tập thuê bao cao cấp, DN lớn, giới trẻ ưa chuộng công nghệ…. sẵn sàng chi trả thêm cước phí để kết nối 5G.

Theo thống kê của Roland Berger, thông qua các gói cước với các phân khúc khách hàng phù hợp, 5G có thể mang lại thêm từ 5% - 10% lợi nhuận tới từ phân khúc khách hàng này.

Còn theo báo cáo về thị trường cung cấp dịch vụ 5G năm 2024 của Omdia, các nhà mạng đang thương mại hóa thành công dịch vụ di động 5G trên thị trường đang hình thành chiến lược chung trong việc tìm cách khuyến khích khách hàng mua hoặc nâng cấp lên các gói cước có giá cao hơn bằng cách cung cấp các lợi ích theo cấp độ leo thang, thường là nội dung giải trí, chủ yếu là các dịch vụ video và âm nhạc đi kèm gói cước data.

Cũng theo Omdia, các thành phần phổ biến khác của gói cước di động 5G tập trung vào người tiêu dùng bao gồm: Tốc độ cao hơn hoặc dung lượng dữ liệu lớn hơn; dữ liệu không giới hạn; dịch vụ trò chơi mà trong đó các công ty trò chơi hợp tác với các nhà mạng để cung cấp dịch vụ như một phần của gói cước 5G bao gồm nhà cung cấp trò chơi trên nền tảng đám mây Blacknut, Microsoft cho Xbox Game Pass Ultimate và NVIDIA cho dịch vụ chơi trò chơi trên đám mây GeForce NOW; dịch vụ chuyển vùng quốc tế, …

Chuỗi giá trị 5G

Khi xét đến chuỗi giá trị của 5G, có thể nhận thấy phần tạo giá trị lớn chủ yếu nằm ở hai phần đầu dịch vụ (bao gồm dịch vụ tích hợp cho ngành dọc, IoT) và ứng dụng. Nếu nhà mạng không nắm bắt được hai nhóm này, cơ hội bứt phá về doanh thu từ 5G sẽ bị thu hẹp đáng kể.

411-202404031515202.png
Hình 2: Chuỗi giá trị 5G (nguồn: Roland Berger)

Theo số liệu nghiên cứu gần đây của Roland Berger, 83% các nhà mạng triển khai 5G vẫn đang loay hoay trong khu vực có giá trị thấp là phần cứng và kết nối, 11% nhà mạng có các dịch vụ tích hợp (tích hợp liền mạch với danh mục dịch vụ của khách hàng), đám mây, hệ thống quản lý, truyền thông hợp nhất (unified communications), bảo mật). Ít hơn 5% các nhà mạng cung cấp các ứng dụng tự phát triển, tùy chỉnh và cài đặt riêng và tối ưu hóa theo yêu cầu của khách hàng.

Mở API, bán buôn

Để khai thác đầy đủ tiềm năng mà công nghệ 5G mang lại thì không có nhà mạng nào có thể tự mình làm tất cả mà nhất thiết phải hợp tác, phát triển hệ sinh thái mở, tận dụng, kết hợp với các nguồn lực tại các ngành dọc khác.

Một trong những ví dụ là của nhà mạng AT&T (Mỹ) triển khai thành công nền tảng truyền thông như là một dịch vụ (communications platform as a service - CpaaS) bằng cách mở API 5G cho bên thứ 3.

Các mô hình thương mại được sử dụng có thể kể đến như bán lại API nâng cao hoặc bán thông qua đăng ký. API được phép tính phí cho các dịch vụ mới, chẳng hạn như nâng cao QoS và hiệu suất cho trò chơi trên thiết bị di động, dịch vụ định vị - cũng như xác thực và bảo mật vượt trội cho các giao dịch tài chính.

Vào năm 2023, ngành viễn thông đã thể hiện cam kết chưa từng có về tính cởi mở với việc giới thiệu sáng kiến GSMA Open Gateway và sự phổ biến ngày càng tăng của dự án CAMARA. Tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái năng động này đều được hưởng lợi: nhà mạng mở rộng quyền truy cập của nhà phát triển vào các thuộc tính mạng của họ, nhà phát triển đổi mới trải nghiệm ứng dụng mới và doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ thú vị.

Hình thức hợp tác này trao quyền cho các nhà mạng khai thác tối đa tiềm năng mạng lưới thông qua quan hệ đối tác chiến lược với các nhà phát triển ứng dụng, mở đường cho các use case của người tiêu dùng và của ngành công nghiệp 4.0.

Theo thống kê từ 1 khảo sát gần đây (4/2023) của Analysys Mason và Nokia cho thấy mở API mạng lưới là ưu tiên hàng đầu của 73% nhà mạng , những người đang chuyển sang API mở (giao diện lập trình ứng dụng) và SDK (bộ công cụ phát triển phần mềm) để cho phép các nhà phát triển phần mềm tạo các chương trình cung cấp dịch vụ 5G mới cho khách hàng.

411-202404031515203.png
Hình 3 : Thống kê, dự báo của Analysys Mason năm 2023 về API mạng

Bán buôn đã nổi lên như một trong những use case hấp dẫn nhất, đặc biệt đối với khách hàng DN (MNO, MVNO, OTT…), nhưng cần phải cân bằng giữa nghĩa vụ, khả năng kiếm tiền và cạnh tranh.

Tuy nhiên, bán buôn dựa trên công nghệ phân chia mạng đòi hỏi mức độ tự động hóa của mạng lưới cao (thông qua OSS/BSS và MANO). Trong điều kiện vận hành không tự động hóa có thể dẫn đến việc tăng OPEX mạng lưới từ 10 - 20%.

Chia sẻ hạ tầng mạng lưới

Các đơn vị tư vấn đều có chung nhận định chia sẻ hạ tầng mạng được sử dụng như một đòn bẩy chính để giảm chi phí triển khai 5G trên toàn cầu và được nhà mạng viễn thông áp dụng rộng rãi thông qua các mô hình chia sẻ khác nhau (MORAN/MOCN).

Chia sẻ mạng 5G có thể giúp tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ: Hiệu quả cơ sở hạ tầng: giảm đầu tư trùng lặp và loại bỏ nhu cầu mở rộng mạng dự phòng; Tối ưu hóa phổ tần: giảm chi phí cấp quyền và phí sử dụng tần số; Giảm OPEX: giảm chi phí hoạt động thông qua chi phí chung và hoạt động hợp lý.

Kết luận một số khuyến nghị của các đơn vị tư vấn

Tiết kiệm chi phí cho hạ tầng 5G

Nhà mạng có thể thực hiện các biện pháp để tiết kiệm chi phí CAPEX/OPEX khi triển khai mạng 5G bao gồm:

- Tiết kiệm CAPEX thông qua việc lựa chọn kiến trúc mạng lưới, thiết bị và công nghệ hiệu quả về chi phí (ví dụ kiến trúc dựa trên dịch vụ, ảo hóa, nhiều nhà cung cấp để hạn chế việc phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất, tăng tính cạnh tranh giữa các nhà cung cấp (có thể giảm CAPEX lên đến 20 - 25%).

-Tiết kiệm CAPEX thông qua chia sẻ hạ tầng mạng lưới bao gồm hạ tầng tích cực (MOCN/MORAN), chia sẻ hạ tầng thụ động. Đây là một trong những chương trình thực hiện đột phá hạ tầng, công nghệ giai đoạn 2021-2025 mà tập đoàn đang tích cực thực hiện.

Hợp tác, phát triển hệ sinh thái và khai mở tiềm năng API mạng lưới

Để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ 5G, nhà mạng nhất thiết phải đẩy mạnh hợp tác, tận dụng, kết hợp với các nguồn lực tại các ngành dọc khác, với vai trò của các nhà mạng viễn thông là nhà tích hợp hệ thống (System Integrator - SI) để liên kết chuỗi giá trị, tạo động lực, gây dựng, phát triển hệ sinh thái và giải pháp tổng thể cho use case 5G B2B, B2B2X.

Mở API mạng lưới cho các bên thứ 3 khai thác phục vụ ứng dụng xác thực, độ trễ thấp, các dịch vụ đảm bảo QoS, định vị, … là một trong những use case hợp tác có tiềm năng mang lại nguồn doanh thu cho các nhà mạng viễn thông cũng như tạo động lực cùng thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ 5G.

Tăng doanh thu qua mạng 5G

Các nhà mạng có thể tăng doanh thu dịch vụ di động qua mạng 5G dựa trên triết lý thu hút chi trả của khách hàng cho kết nối 5G như: Bán gói cước 5G với 5G là đặc quyền của thuê bao (5G premium).

Đi kèm với các gói cước 5G-premium là chính sách phân loại khách hàng và hạ tầng công nghệ, mạng lưới đáp ứng chất lượng dịch vụ (QoS) cho kết nối 5G khác biệt, có tính tùy biến để đáp ứng linh hoạt nhu cầu của từng phân khúc khách hàng sử dụng 5G. Trong giai đoạn đầu triển khai, nhà mạng nên xem xét các use case 5G tiềm năng

Công nghệ, mạng lõi

Để đáp ứng yêu cầu tính năng sản phẩm dịch vụ, chất lượng 5G khác biệt, làm nền tảng cho việc thu hút doanh thu qua 5G như các khuyến nghị trên thì một số tính năng, công nghệ có thể phải cần sự sẵn sàng của hạ tầng công nghệ mạng và tính cước 5G. Các nhà mạng viễn thông cần có lộ trình đầu tư công nghệ, mạng lõi phù hợp, đặc biệt đối với các công nghệ SDN/NFV, MANO, 5G Core SA/NSA, điện toán biên/đám mây biên (edge computing/ddge Cloud), OCS, phân chia mạng, nền tảng phân tích dựa trên dữ liệu lớn cho trải nghiệm khách hàng và vận hành mạng lưới kết hợp AI, máy học, …

Tài liệu tham khảo

1. Unlocking 5G – Roland Berger report (3/2024)

2. 5G leaders in service provider market – Omdia report (2024)

3.https://www2.deloitte.com/us/en/insights/industry/technology/technology-media-and-telecom-predictions/2023/technology-media-and-telecom-predictions-standalone-5g.html

4. https://www.gsma.com/asia-pacific/gsma_events/5g-partnership/: 5G Ecosystem – Unlocking opportunities through strategic partnership

5. https://www.lightreading.com/5g/the-transformative-power-of-network-apis

6. NPaaS: operator strategies and implementation of 5G APIs (Analysys Mason và Nokia, 4/2023)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai 5G và khuyến nghị cho nhà mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO