Thời điểm triển khai 5G đã chín muồi
Đây là khẳng định của ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) - Bộ TT&TT tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ TT&TT chiều ngày 6/3/2024.
Ông Lê Văn Tuấn khẳng định hiện nay triển khai 5G đã là xu thế trên thế giới. Dự báo đến năm 2030, 56% kết nối di động sẽ qua 5G. Nhiều nhà mạng trên thế giới đã triển khai 5G. Tại Việt Nam, theo quy hoạch hạ tầng TT&TT vừa được công bố, đến năm 2025, tốc độ 5G đạt 100Mbits và đến năm 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số.
Cục trưởng Cục Tần số VTĐ khẳng định: “Triển khai mạng 5G đã đến thời điểm chín muồi. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã triển khai thử nghiệm 5G trong vài năm vừa qua. Các nhà mạng gần đây đều trả lời truyền thông là đã sẵn sàng triển khai 5G”.
Vào ngày 8/3 tới đây, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đấu giá băng tần 5G - khối băng tần B1. “Việc đấu giá tần số 5G là theo hình thức cấp phép. Hiện nay cả thế giới cấp phép băng tần theo hình thức đấu giá này. Việc đấu giá băng tần 5G đã được cả thế giới thừa nhận là minh bạch”.
Số máy đầu cuối 2G đang giảm nhanh
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết đến tháng 9/2023, Việt Nam còn 15 triệu thuê bao 2G. Theo đó, Cục Viễn thông đã đồng hành cùng các nhà mạng để triển khai dừng thiết bị thuần 2G (2G Only) kết nối mạng. Các nhà mạng đã gửi kế hoạch dừng thiết bị 2G và tốc độ dừng này mới chỉ đạt 1%/tháng.
Tốc độ này, theo nhận định của Cục Viễn thông là chậm. Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là lượng thuê bao có máy 2G vẫn tiếp tục hoà mạng với số lượng khoảng 35.000 máy/tháng nên có thể nói không giảm được như kỳ vọng. Theo đó, Cục Viễn thông cùng các nhà mạng xây dựng cơ sở dữ liệu, rà soát và yêu cầu các thuê bao sử dụng đầu cuối 2G sau ngày 1/3/2024 vừa rồi không được hoà mạng mới. Sau 3 ngày, qua theo dõi của Cục Viễn thông đã có 5.400 máy thuê bao 2G không được hoà mạng trên tất cả các mạng.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Cục Viễn thông sẽ cùng các nhà mạng xem xét lại kế hoạch, đánh giá lại thực trạng, xem xét các giải pháp truyền thông, chính số hỗ trợ cước, chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G, dùng các nguồn hỗ trợ như từ Quỹ Viễn thông công ích.
“Cục Viễn thông cũng đề nghị các Sở TT&TT phối hợp hỗ trợ người dân tại địa bàn hỗ trợ chuyển đổi máy 2G sang điện thoại thông minh. Việc này không chỉ đóng góp vào việc dừng sóng 2G mà còn khai thác các tính năng trên điện thoại thông minh”.
Về triển khai 5G, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm Việt Nam đã thử nghiệm nhiều năm. Hiện doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống cũng đã có xu hướng giảm, các dịch vụ trên dịch vụ viễn thông truyền thống thoại như dịch vụ OTT dần thay thế. Các dịch vụ OTT phát triển nhanh nên yêu cầu về chất lượng dịch vụ mới cần được mở rộng. Cùng với đó là quan điểm bao giờ hạ tầng cũng đi trước thì mới có các dịch vụ đi kèm nên các nhà mạng được tham vấn triển khai các dịch vụ sau khi thử nghiệm 5G đều mong muốn triển khai 5G.
Với tinh thần chỉ đạo của Bộ TT&TT về triển khai 5G, trong 2 năm đầu tiên, điều kiện đầu tiên các nhà mạng triển khai khoảng 3000 trạm BTS 5G. Theo đó, “Các nhà mạng tìm được cơ hội về lưu lượng 5G trong các khu công nghiệp, khu đông dân cư khi sóng 4G không đáp ứng. Ngoài ra, các tính năng của 5G như độ trễ thấp, mật độ cao sẽ là cơ hội cho các nhà mạng mở rộng không gian kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay.
Liên quan đến việc chuẩn hoá thông tin thuê bao, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin hiện nay 100% của 227 triệu thuê bao điện thoại đã được chuẩn hoá với cơ sở dữ liệu dân cư. “Đây là một nỗ lực rất lớn của các nhà mạng. Cục Viễn thông cũng đang kiến nghị chính sách cho phép đăng ký thuê bao đăng ký trực tuyến cho phép các nhà mạng phát triển thuê bao và tiến tới thông tin thuê bao chính chủ nên hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật cũng được ngăn chặn”./.