5G sẽ đóng góp từ 7,3% cho GDP của Việt Nam
5G sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thành phố thông minh, nhà thông minh, xe tự lái, thương mại điện tử, y tế thông minh…. Đến năm 2025, dự báo 5G sẽ đóng góp từ 7,3% - 7,4% cho GDP của Việt Nam.
Dịch vụ viễn thông truyền thống chạm ngưỡng bão hòa, không còn dư địa tăng trưởng
Theo Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, thuê bao di động của Việt Nam hiện đạt 126,15 triệu thuê bao, thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao, mạng di động 4G đã phủ sóng 99,8% dân số. Thuê bao băng rộng cố định đạt 22,48 triệu thuê bao, 79,1% hộ gia đình đã có kết nối cáp quang. Ước tính tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 139,26 nghìn tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023.
Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm qua gần như không tăng trưởng, và ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cũng phản ánh đúng xu hướng trên thế giới, là dịch vụ viễn thông truyền thống chạm ngưỡng bão hòa và không còn dư địa tăng trưởng, trong khi đó các không gian tăng trưởng mới như chuyển đổi số, dịch vụ số, IoT... của các doanh nghiệp (DN) vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa thể trở thành lực đỡ trong bức tranh doanh thu của DN viễn thông.
Chia sẻ tại World Mobile Broadband ISP & Cloud Summit 2024 ngày 12/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Yên, thành viên HĐQT, Tập đoàn VNPT, cho biết trước khi công nghệ 5G ra đời, thị trường viễn thông truyền thống trên toàn cầu đã ghi nhận sự suy giảm doanh thu, đặc biệt là tổng doanh thu trên mỗi thuê bao (ARPU). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của 5G, một số thị trường đã bắt đầu đạt được sự tăng trưởng, mặc dù không đồng đều và không đáp ứng hoàn toàn kỳ vọng.
Ông Yên lấy ví dụ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ là các thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng sau khi triển khai 5G. Tuy nhiên, có những thị trường khác đã triển khai 5G nhưng ghi nhận sự suy giảm trong doanh thu, đặc biệt là ở châu Âu như Đức và Pháp. Do đó, bức tranh về thị trường sau khi triển khai 5G có thể được chia thành ba loại: các thị trường tăng trưởng, các thị trường suy giảm và các thị trường có biến động không đồng đều.
Năm 2024, Bộ TT&TT tập trung vào phổ cập hạ tầng số sáng tạo và ứng dung số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng thời tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế số, sự quan trọng nhất đối với các nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ số có hạ tầng, công nghệ, nhân lực và hiểu biết về chuyển đổi số (CĐS) là đảm bảo cơ sở hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn quốc và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ 5G; nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.
Đến năm 2025, dự báo 5G sẽ đóng góp từ 7,3% cho GDP của Việt Nam
Theo thông tin được ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban CĐS của Tổng công ty viễn thông MobiFone, MobiFone dự kiến triển khai 5G vào cuối năm 2024. Tại sự kiện, ông Huy cũng đã đưa ra một vài số liệu về tình hình phát triển 5G trên thế giới.
Theo đó, hiện tại số trạm 5G trên toàn cầu là khoảng hơn 5,5 triệu vào cuối năm 2023 và dự kiến sẽ lên 7,1 triệu vào năm 2025. Đặc biệt, hãng viễn thông China Mobile của Trung Quốc có 1,98 triệu trạm 5G, chiếm khoảng 1/3 số trạm 5G trên toàn thế giới.
Ngoài ra, thế giới có khoảng 1,5 tỷ kết nối 5G, chiếm 17% mạng lưới và dự kiến đến cuối năm 2025, số kết nối 5G sẽ là 2,5 tỷ, chiếm 28% mạng lưới. Kết nối 5G được cho là sẽ tăng trưởng mạnh trên toàn cầu, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 5,3 tỷ kết nối, đạt 54% mạng lưới.
Tại Việt Nam, đại diện MobiFone khẳng định 5G sẽ đóng góp lớn cho công cuộc CĐS và là "keyword" (từ khoá) của nền kinh tế số, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thành phố thông minh, nhà thông minh, xe tự lái, thương mại điện tử, y tế thông minh…. Đến năm 2025, dự báo 5G sẽ đóng góp từ 7,3% - 7,4% cho GDP của Việt Nam.
Theo thông tin được ông Huy đưa ra, 5G đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực trên thế giới, từ nông nghiệp, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe…, trong đó, các lĩnh vực đang ứng dụng 5G nhiều nhất là chế tạo máy, viễn thông, media và giải trí.
Với kế hoạch triển khai 5G tại Việt Nam vào cuối năm 2024, MobiFone cũng đã có những chương trình cụ thể. Ông Nguyễn Tuấn Huy đã chia sẻ về ứng dụng du lịch thông minh MobiFone Smart Travel, một giải pháp công nghệ số trong lĩnh vực du lịch với mục đích quảng bá hình ảnh du lịch, hỗ trợ du khách trong quá trình khám phá các địa điểm du lịch, tăng cường trải nghiệm du lịch của du khách thông qua công nghệ thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR.
Cụ thể, MobiFone Smart Travel áp dụng công nghệ 5G cùng với các công nghệ AI/AR/VR trong các tour du lịch công nghệ, cho phép du khách trải nghiệm tour du lịch ảo nhập vai, cho phép quản lý du lịch qua sự hỗ trợ từ camera giám sát AI, hay thiết bị đầu cuối phát sóng khẩn cấp, hay tạo ra bảo tàng số…
Ngoài ra, ứng dụng du lịch thông minh MobiFone Smart Travel cũng là một hệ sinh thái du lịch cung cấp thông tin và hỗ trợ khách du lịch tìm kiếm các dịch vụ liên quan đến du lịch như cơ sở lưu trú, điểm du lịch, đơn vị vận chuyển, cửa hàng ăn uống, địa điểm vui chơi, địa điểm mua sắm, …
5G cũng được dự đoán sẽ ứng dụng nhiều trong lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, MobiFone cũng xây dựng những ứng dụng như nền tảng giáo dục số, giải pháp CĐS nông nghiệp MobiAgri cho phép live chat, video call với chuyên gia, dự báo thời tiết trong vòng 30 phút, sử dụng AI để dự đoán 60 loại sâu/bệnh, sử dụng hơn 400 sensors của trạm dự báo iMetos.
Theo chương trình quốc gia CĐS đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP Việt Nam và đến năm 2030 là 30% GDP. “Với sự xuất hiện và phổ biến của công nghệ AI, cộng với công nghệ 5G, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc CĐS quốc gia của Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Huy khẳng định./.