Tại sao ngành TTDL cần quan tâm đến tăng trưởng xanh?
Nhu cầu kỹ thuật số ngày càng gia tăng đã thúc đẩy sự phát triển chóng mặt của ngành TTDL, đồng thời khiến ngành này đối mặt với trách nhiệm lớn trong khủng hoảng khí hậu. Ngày nay, các TTDL chịu trách nhiệm về 2% lượng khí thải CO2 của thế giới - tương đương với ngành hàng không toàn cầu - theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Một báo cáo gần đây của Schneider Electric cũng cho thấy nhu cầu điện trong lĩnh vực CNTT dự kiến sẽ tăng khoảng 50% vào năm 2030, đạt 3.200 TWh. Con người cần hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tác động mà TTDL gây ra đối với môi trường.
Theo Schneider Electric, 5 lĩnh vực cần được ngành TTDL theo dõi và ứng dụng các giải pháp bền vững để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bao gồm: năng lượng; phát thải KNK; nước; chất thải; đất và đa dạng sinh học.
Về năng lượng, con người đã loại bỏ 80% thất thoát năng lượng trong những năm qua với các thiết kế TTDL được cải tiến và nhờ vào các chỉ số tiêu chuẩn ngành, hiệu quả sử dụng điện hoặc PUE. Nhưng ngành công nghiệp này đang đạt đến điểm hiệu suất giảm dần và các TTDL tiêu thụ ước tính khoảng 1 - 2% năng lượng toàn cầu. Đây là lý do tại sao, doanh nghiệp (DN) cần đầu tư vào các công nghệ tiếp tục cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm tiêu thụ cơ sở hạ tầng và CNTT tổng thể xuống 15%.
Thứ hai, các TTDL nên bắt đầu quan tâm đến phát thải khí nhà kính của họ từ Phạm vi 1 (phát thải của chính họ) và Phạm vi 2 (phát thải từ điện của họ) đến Phạm vi 3 (phát thải từ chuỗi cung ứng của họ) để tránh bỏ lỡ nhiều cơ hội thúc đẩy các đối tác trong chuỗi giá trị cùng tiến về phát triển xanh.
Thứ ba là việc sử dụng nước. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, các TTDL đã tiêu thụ khoảng 174 tỷ gallon nước vào năm 2020. Trong điều kiện địa phương hơn, một TTDL 15 megawatt có thể sử dụng tới 360.000 gallon nước mỗi ngày. Đó chính là lý do chúng ta cần quan tâm đến lĩnh vực này.
Thứ tư, giống như nhiều ngành công nghiệp, TTDL tạo ra chất thải đáng kể trong quá trình xây dựng và hoạt động hàng ngày. Chiến lược bền vững cho lĩnh vực này là tái chế và giảm thiểu phát sinh chất thải tại chỗ và trong chuỗi cung ứng.
Cuối cùng, DN cần quan tâm đến đất và đa dạng sinh học. Các TTDL tác động trực tiếp đến khu vực đất đai mà chúng được xây dựng và để lại tác động gián tiếp từ chuỗi cung ứng của chúng. Rất may, dấu chân carbon của hầu hết các TTDL tương đối nhỏ so với các ngành khác như khai thác mỏ hoặc nông nghiệp, nhưng cũng không kém phần quan trọng và cần được doanh nghiệp theo dõi kĩ càng.
Tiêu chuẩn hóa việc đo lường và đánh giá để dễ dàng việc hoàn thành mục tiêu bền vững hơn
Để hỗ trợ DN trong ngành TTDL có thể dễ dàng đo lường và thực hiện báo cáo bền vững liên quan đến 5 lĩnh vực nói trên, Schneider Electric đã giới thiệu Sách trắng #67 bao gồm Khung chỉ số kiểm soát theo mục tiêu bền vững. Khung chỉ số này gồm 23 chỉ số chính được phân loại phù hợp, cho phép DN có thể lựa chọn tùy thuộc vào vị trí thực tế của họ trong hành trình phát triển bền vững: Cấp cơ bản (11 chỉ số); Cấp nâng cao (18 chỉ số); Cấp định hình ngành (23 chỉ số).
Thông qua Khung chỉ số đã được tiêu chuẩn hóa này, DN có thể kiểm soát và hướng hoạt động kinh doanh, sản xuất đến mục tiêu bền vững nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chỉ số uy tín và đáng tin cậy có thể giúp họ nhận được sự công nhận trong ngành, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng tự điều chỉnh và thúc đẩy ngành công nghiệp TTDL trở thành ngành công nghiệp hàng đầu về bền vững.
Ngoài ra, nó còn giúp DN tự thực hiện đo lường cho bản thân, đồng thời so sánh với các DN, đối tác khác trong ngành và đảm bảo báo cáo thường xuyên, nhất quán. Điều này cũng giúp họ dễ dàng điều chỉnh hoạt động nội bộ của DN trong các phòng ban để đặt mục tiêu, thực hiện chiến lược và thúc đẩy những tác động thực tế,
Ông Pankaj Sharma - Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận Secure Power của Schneider Electric chia sẻ: "Báo cáo phát triển bền vững ngày càng được nhiều nhà vận hành TTDL quan tâm hơn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang thiếu một phương pháp tiếp cận được chuẩn hóa để thực hiện, đo lường và báo cáo về tác động môi trường. Do đó, Schneider Electric đã phát triển một khung chỉ số tổng thể, bao gồm các chỉ số đo lường được tiêu chuẩn hóa nhằm hướng dẫn các nhà khai thác và ngành TTDL nói chung. Với khung chỉ số này, chúng tôi muốn cải thiện những tiêu chuẩn liên quan và tiến tới sự bền vững về môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai".
Được biết, khung chỉ số của Schneider Electric đã được Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Năng lượng phát triển với việc khai thác kiến thức chuyên môn từ các chuyên gia ESG, các nhà tư vấn bền vững, các nhà khoa học về TTDL và các kiến trúc sư giải pháp TTDL để giúp cho việc đo lường và báo cáo các chỉ số bền vững của TTDL trở nên có hệ thống và khoa học hơn.
Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Năng lượng được thành lập vào năm 2002 và đã phát triển hơn 200 sách trắng đảm bảo tính trung lập với các nhà sản xuất, đồng thời cung cấp các công cụ tính toán (trade-off tools) dựa trên dữ liệu và khoa học luôn sẵn sàng và miễn phí cho toàn ngành sử dụng./.