50 năm Viện Kinh tế Bưu điện: Không ngừng đổi mới, thích nghi và phát triển
Ngày 24/5/2025, Viện Kinh tế Bưu điện - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã kỷ niệm 50 năm thành lập - một dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hành trình xây dựng và phát triển.
Tới dự Lễ kỷ niệm có nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện và các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện, các cơ quan, trường học và doanh nghiệp (DN), nguyên lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Viện Kinh tế Bưu điện.
.jpg)
50 năm không ngừng đổi mới, thích nghi và phát triển
Cách đây nửa thế kỷ - ngày 28/5/1975 - trong thời khắc lịch sử khi đất nước vừa thống nhất, Viện Kinh tế Bưu điện được thành lập với sứ mệnh trọng yếu: nghiên cứu chiến lược, tham mưu chính sách, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực cho ngành Bưu chính - Viễn thông.
Từ một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Tổng cục Bưu điện, tiếp theo là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay là đơn vị thành viên của Học viện Công nghệ BCVT, Viện Kinh tế Bưu điện đã không ngừng đổi mới, thích nghi và phát triển, khẳng định vai trò là tổ chức nghiên cứu đầu ngành về kinh tế BCVT, phục vụ cho ngành BCVT cũng như cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa của đất nước.
TS. Trần Đình Nam, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện nhấn mạnh trải qua 50 năm, với tâm huyết và nỗ lực của biết bao thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, Viện Kinh tế Bưu điện đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. “Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn là nguồn động viên to lớn để Viện tiếp tục phấn đấu vươn xa”.
TS. Trần Đình Nam bày tỏ tự hào khi nhiều cựu cán bộ, giảng viên, sinh viên của Viện đang giữ vị trí chủ chốt tại các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài ngành, tiếp tục lan tỏa giá trị và tri thức đã được tích lũy trong môi trường của Viện Kinh tế Bưu điện nói riêng và Học viện Công nghệ BCVT nói chung.
Điểm sáng về nghiên cứu - đào tạo - chuyển giao công nghệ, phát triển trong thời đại số
Tiếp nối những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngoài các sản phẩm nghiên cứu, đào, dịch vụ hiện có, Viện Kinh tế Bưu điện xác định chiến lược phát triển với những định hướng:
Thứ nhất, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng viên theo hướng chuyên sâu, nâng tỷ lệ tiến sĩ.
Thứ hai về đào tạo: Phát triển thêm các ngành và chương trình đào tạo, tập trung vào kinh tế số và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; và các chương trình đào tạo liên ngành lai ghép kinh tế với công nghệ, kinh tế với báo chí, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thứ ba về nghiên cứu: Tăng cường nghiên cứu các mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số; xây dựng phòng lab mô hình kinh tế mới nổi, kết quả nghiên cứu của phòng lab đưa ra được các bài toán công nghệ mới, sản phẩm công nghệ mới, giải pháp mới cho các nhóm khởi nghiệp, cũng như cán bộ, sinh viên Học viện thực hiện.
Thứ 4 về dịch vụ: Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KHCN của Học viện; tư vấn hỗ trợ DN, địa phương trong xây dựng thương hiệu; tư vấn, đào tạo lập báo cáo ESG, tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp.
TS. Trần Đình Nam tin tưởng với tinh thần chủ động, đổi mới và hội nhập, Viện Kinh tế Bưu điện sẽ tiếp tục là nơi “khơi nguồn tri thức, kết nối truyền thống, mở lối cho tương lai”.
.jpg)
Nhân dịp đặc biệt này, TS. Trần Đình Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn BCVT, Học viện Công nghệ BCVT, cùng các cơ quan, tổ chức, DN đã luôn đồng hành và hỗ trợ Viện trong suốt thời gian qua. TS. Trần Đình Nam cũng gửi lời tri ân các thế hệ cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên - những người đã dày công gây dựng, vun đắp nên truyền thống quý báu và vị thế của Viện ngày hôm nay.
“Viện Kinh tế Bưu điện cam kết tiếp tục đổi mới, sáng tạo và hội nhập, để Viện không chỉ là niềm tự hào của Học viện, mà còn là điểm sáng trong sự nghiệp nghiên cứu - đào tạo - chuyển giao công nghệ, phát triển trong thời đại số”, TS. Trần Đình Nam khẳng định./.